TRUNG QUỐC: Hội Chợ Triển Lãm Toàn Cầu Thượng Hải và “văn hóa hàng nhái”


– Bài liên quan: Bài hát chính thức của Triển lãm Thượng Hải bị tố cáo là ăn cắp của Nhật

Hội chợ Triễn lãm Toàn cầu trước ngày khai trương (AFP)

Hội Chợ Triển Lãm Toàn Cầu Thượng Hải 2010, khai trương ngày mồng một tháng năm. Đây là sự kiện quốc tế có quy mô nhất tại Trung Quốc kể từ sau Thế Vận Hội mùa hè Bắc Kinh 2008. Nhưng chưa gì đã có các cuộc tranh luận xung quanh vấn đề tác quyền.

Trong những ngày vừa qua, báo chí phương Tây nhắc đến một số hiện tượng có thể làm hoen ố hình ảnh của Hội Chợ Triển Lãm Toàn Cầu Thượng Hải . Thực ra, công nghệ làm hàng giả tại Trung Quốc đã trở thành một huyền thoại, khó có thể biết rõ số lượng các sản phẩm bị sao chép, vi phạm bản quyền ở nước này. Tuy nhiên, mọi người vẫn hy vọng là dự án có tính biểu tượng quốc gia như Hội Chợ Triển Lãm Toàn Cầu Thượng Hải sẽ phải là một ngoại lệ.

Vậy mà, không biết có phải do sự trùng hợp ngẫu nhiên hay không mà con vật biểu tượng cho Hội Chợ, bài hát quảng bá cho sự kiện này, kiến trúc ngôi nhà gian hàng Trung Quốc tại Hội Chợ đã tạo cảm giác cho mọi người là đã trông thấy hoặc đã nghe thấy ở đâu đó rồi.

Vấn đề “ăn cắp” bài hát

Tất cả bắt đầu cách nay khoảng một tuần khi ban tổ chức Hội Chợ phải đối mặt với những nghi ngờ về bài hát “Right Here Waiting for You” quảng bá cho sự kiện thương mại này với phần trình diễn của diễn viên ca sĩ Jackie Chan – Thành Long và nhiều ngôi sao khác của Trung Quốc. Bài hát có nhiều giai điệu giống hệt với bài “Stay The Way You Are” do ca sĩ Nhật Bản Mayo Okamoto trình bày cách nay 13 năm. Bị tố cáo là “đạo nhạc”, ban tổ chức cho rút bài hát này. Phó giám đốc Hội Chợ giải thích là phải thận trọng và sẽ cho mở điều tra để làm rõ về vấn đề bản quyền.

Vụ việc thứ hai được nêu ra vào tuần trước. Trong cuộc họp báo, một nhà báo Mỹ nêu ra câu hỏi về những tương đồng giữa Hải Bảo, linh vật Hội Chợ Triển Lãm Toàn Cầu Thượng Hải và Gumby, một nhân vật bằng đất sét mầu xanh trong loạt phim hoạt hình nhiều tập của Mỹ, được chiếu trên truyền hình từ năm 1957.

Một thành viên trong nhóm thiết kế linh vật Hải Bảo bác bỏ những nghi ngờ về hành động sao chép và nói rằng ông ta chưa bao giờ nghe nói tới Gumby. Trong khi đó, ban tổ chức Hội Chợ lại không chối bỏ rõ ràng khả năng “nhái hàng” này và lập luận rằng linh vật Hải Bảo đã ra mắt công chúng từ lâu, nếu ai đó thấy có vi phạm về bản quyền thì tại sao bây giờ mới nêu ra việc này.

Ngôi nhà triển lãm Trung Quốc cũng bị nghi ngờ là sao chép

Trong cuộc họp báo nói trên, nghi ngờ sao chép thiết kế ngôi nhà triển lãm của Trung Quốc cũng bị giới báo chí nêu ra. Một phóng viên Hoa Kỳ so sánh ngôi nhà Trung Quốc tại Hội Chợ Thượng Hải với ngôi nhà Nhật Bản ở Hội Chợ Sevilla Tây Ban Nha, năm 1992. Câu trả lời của ban tổ chức là không có chuyện sao chép. Hai ngôi nhà có sự tương đồng bởi vì cùng sử dụng phong cách kiến trúc cổ châu Á !

Còn theo báo The Gazette trên mạng, thì thiết kế ngôi nhà Trung Quốc giống hệt như ngôi nhà Canada tại Hội Chợ Montreal 1967. Kiến trúc sư Roderick Robbie là người thiết kế ngôi nhà Canada đặt tên là Kaimavik, tức nơi gặp gỡ và từ hơn 40 năm qua, ngôi nhà này vẫn được coi là tinh hoa kiến trúc Canada.

Hội Chợ Triển Lãm Toàn Cầu Thượng Hải sẽ mở trong vòng sáu tháng. Ban tổ chức hy vọng sẽ đón tiếp khoảng 70 triệu du khách. Đây là Hội Chợ lớn nhất và tốn kém nhất trong lịch sử. Đại diện các doanh nghiệp của khoảng 190 quốc gia và lãnh thổ sẽ có gian hàng tại Hội Chợ nhằm phát triển quan hệ thương mại với Trung Quốc, nền kinh tế đứng hàng thứ ba trên thế giới. Về mặt kinh tế, cho đến nay, rất ít Hội Chợ Toàn Cầu mang lại mối lợi cho nước tổ chức. Đức đã bị lỗ vốn một tỷ đô la khi tổ chức Hội Chợ Hannover năm 2000. Hội Chợ Vancouver năm 1986 đã làm cho Canada thua lỗ 33 triệu.

Khó có thể phỏng đoán được là Hội Chợ Thượng Hải sẽ lỗ hay lãi nhưng điều chắc chắc là đảng Cộng sản Trung Quốc và người dân Trung Quốc tự hào về sự kiện này. Trong bối cảnh đó, những nghi ngờ về “văn hóa hàng nhái” là những tỳ vết trong một dự án mang tính biểu tượng cao như Hội chợ Triển Lãm Toàn Cầu Thượng Hải.

Doanh nghiệp nước ngoài bị đánh cắp kỹ thuật tại Trung Quốc

Như thường lệ, Trung Quốc cũng được nhắc đến trên nhiều nhật báo Pháp hôm nay. Về mặt kinh tế, hai nhà nghiên cứu Pháp đã nhận xét trong trang báo dành cho các ý kiến tranh luận trên Le Monde, là Trung Quốc cần thay đổi mô hình kinh tế, chú trọng đến tiêu dùng nội địa thay vì hướng về xuất khẩu. Le Figaro dành nhiều trang báo cho chủ đề « Thượng Hải, biểu tượng của sức mạnh Trung Quốc ». Riêng nhật báo kinh tế Les Echos chú trọng đến việc các doanh nghiệp Mỹ tố cáo bị đánh cắp kỹ thuật và bị phân biệt đối xử tại Trung Quốc.

Thông tín viên của Les Echos tại Bắc Kinh cho biết, dù IPad của tập đoàn Apple tuy chưa được chính thức bán ở châu Á, nhưng chỉ ba tuần sau khi ra mắt tại Mỹ, người Trung Quốc đã dễ dàng mua được trong các siêu thị điện tử tại các thành phố lớn. Sự kiện này đã làm tăng thêm tâm trạng bất an của các doanh nghiệp Mỹ, về một môi trường kinh doanh ngày càng xuống cấp tại Trung Quốc, một chủ nghĩa bảo hộ không hề được nói ra.

Phòng Thương mại Hoa Kỳ tại Trung Quốc vừa công bố sách trắng thường niên, trong đó các doanh nghiệp thành viên phàn nàn họ không được bảo vệ một cách công bằng trong các vụ làm hàng giả, đánh cắp công nghệ trong tất cả các lãnh vực. Thậm chí một luật sư của cơ quan này còn nhận định : « Chính quyền Trung Quốc có khuynh hướng gây khó khăn cho các công ty ngoại quốc đang nắm giữ bằng sáng chế ». Luật gia này tố cáo, những vụ mua bán sáp nhập của các công ty nước ngoài phải chờ đợi rất lâu, trong khi nếu là công ty Trung Quốc thì có khi còn được miễn cả việc điều tra. Các luật bảo vệ môi trường được áp dụng rất khắt khe đối với các nhà đầu tư nước ngoài, và họ cũng cảm thấy bị đặt ra ngoài cuộc chơi trong các cuộc gọi thầu công cộng. Nhiều nhà đầu tư đã bắt đầu đặt dấu hỏi về sự tồn tại lâu dài tại thị trường vốn được coi là nhiều tiềm năng này, trước vô số trở ngại khiến họ ngày càng bị siết chặt thêm về mặt pháp lý.

Phòng Thương mại Hoa Kỳ cũng thông tin, lần đầu tiên từ mười hai năm qua, vấn đề trên trở thành nỗi lo hàng đầu của các doanh nghiệp thành viên, thay vì về tiền lương và lao động như trước đây. Họ mong muốn Washington dùng ảnh hưởng chính trị để thúc đẩy Bắc Kinh tích cực hơn trong việc bảo vệ quyền lợi các nhà đầu tư nước ngoài, hoặc mở rộng cửa hơn một số thị trường, thay vì đòi hỏi việc tái định giá đồng nhân dân tệ.

Trong bài xã luận mang tựa đề « Đạo tặc cổ trắng », Les Echos nhận xét, tất cả các doanh nghiệp nước ngoài tại Trung Quốc đang lo ngại trở thành nạn nhân của nạn đánh cắp kỹ thuật. Thường xuyên có việc một ngày nào đó, một công ty bỗng phát hiện đối tác Trung Quốc của mình bỗng dưng đạt được những tiến bộ kỹ thuật rất đáng ngờ, trong khi họ cứ ngỡ là đã bảo vệ rất chặt chẽ. IPad của Apple như trên là một ví dụ điển hình. Còn tập đoàn Alstom của Pháp thì từ năm 2006 đã phải chật vật với một công ty Trung Quốc mà Alstom đã nhượng lại giấy phép một bằng sáng chế liên quan đến các thiết bị xử lý ô nhiễm tại các nhà máy điện và các cơ sở công nghiệp. Chưa đến hai năm sau, Alstom phải kinh ngạc thấy công ty này trở thành một trong những đối thủ của mình trong các cuộc đấu thầu tại Bulgari và Rumani, với các thiết bị nhái theo y hệt.

Cũng theo Les Echos, điều đáng ngạc nhiên hơn cả là thái độ e dè của chính quyền các nước đối tác, không dám đấu tranh với Trung Quốc, nhất là Ủy ban Châu Âu. Tờ báo cũng đặt câu hỏi, Tổ chức Thương mại Thế giới sẽ giải quyết thế nào, trước 17 hồ sơ kiện cáo Trung Quốc đã được đệ trình tại cơ quan này.

http://www.viet.rfi.fr/chau-a/20100427-vai-tro-cua-cac-tuong-lanh-thai-lan-trong-viec-giai-quyet-khung-hoang

Đăng nhận xét: (Các bạn nhớ đề tên khi đăng nhận xét)