Philip Taylor – Chính sách yếu kém, nông dân giàu có: Hành trình cong của quá trình phát triển nông thôn ở Việt Nam


Philip Taylor – Chính sách yếu kém, nông dân giàu có: Hành trình cong của quá trình phát triển nông thôn ở Việt Nam (kỳ 1)

Đặng Thế Truyền dịch

Khiên làm phụ bếp cho một tiệm phở ở Chợ Lớn. Cô 18 tuổi, xuất thân từ một gia đình nông dân dân tộc Khmer tỉnh Trà Vinh, đồng bằng sông Mê-kông. Vài năm gần đây, gia đình cô phải bán đi một phần ruộng để trang trải chi phí sản xuất ngày một tăng và bảo đảm cuộc sống thường nhật. Ba năm trước, khi mẹ Khiên lâm bệnh, họ lại bán một phần đất để chi tiền thuốc men và chữa bệnh. Lúc đó, Khiên đang học lớp 5. Đã từng buộc phải bỏ học nhiều lần, cô thôi học hẳn để thay mẹ cô trông coi quầy hàng xén của gia đình. Địa phương nơi cô ở cũng có những công việc vặt. Chính quyền địa phương tuyên bố kế hoạch xây dựng một nhà máy đường, nhưng vì giá đường giảm mạnh nên kế hoạch đó không bao giờ được thực hiện. Để thoát khỏi tình cảnh khó khăn, Khiên tính tới việc lấy chồng Đài Loan. Một vài người hàng xóm của cô sửa chữa nâng cấp nhà cửa nhờ khoản tiền mà con gái họ hiện sống ở Đài Loan gửi về. Nhưng cô thay đổi kế hoạch sau lần tới lễ ở ngôi chùa quê cô; tại đó cô đã gặp một người ở Chợ Lớn; bà đến gặp sư trụ trì chùa để xin bùa trừ tà ngôi nhà mới mua. Bà nói với cô rằng tiệm phở nơi bà làm việc đang cần tuyển thêm người và hứa sẽ giới thiệu cô cho chủ tiệm.

Khiên ở tại tiệm phở cùng với em trai. Cậu bé bán vé số. Cả hai chị em không có đăng ký hộ khẩu ở thành phố. Nhưng cô nói được chủ đối xử tử tế, ngoài lương 38 đô la mỗi tháng, cô được chủ cho ăn, ở không mất tiền. Ông chủ tiệm phở nói cô là người tin được và chăm chỉ. Cô và ông chủ giao dịch với nhau bằng tiếng Việt. Cứ hai tháng Khiên lại gửi tiền về nhà một lần; gia đình cô đã dùng số tiền đó để lợp ngói nhà. Mẹ cô, hiện đã nghỉ hưu và sức khoẻ khá hơn, dành hầu hết thì giờ giúp nhà chùa. Sắp tới Khiên sẽ về quê dự lễ khánh thành chùa; cô đã cúng một phần thu nhập của mình cho việc tôn tạo khá hoang phí đó.

Chúng ta lý giải thế nào về những thay đổi trong số phận của gia đình nông thôn này?

Những người ủng hộ tự do hoá kinh tế sẽ xem bước cải thiện đời sống ở Việt Nam là kết quả tất yếu của việc chính phủ chấp nhận các biện pháp cải cách thị trường hồi cuối những năm 1980. Một vài nhà kinh tế lập luận rằng trường hợp Việt Nam chứng tỏ việc tự do hoá thương mại đã mang lại tăng trưởng có lợi cho mọi người, và có lợi cho người nghèo[1]. Cuộc sống của gia đình Khiên quả đã được cải thiện đáng kể trong mấy năm gần đây và bản thân cô có thể cũng cho rằng cuộc sống khá hơn trước. Tuy nhiên, trường hợp của Khiên không khẳng định lý thuyết cho rằng thị trường ủng hộ người nghèo, vì kinh nghiệm của gia đình cô trong việc sản xuất lúa làm hàng hoá xuất khẩu và chi trả cho việc chữa bệnh đã được tư nhân hoá lại góp phần làm hao hụt ruộng lúa của họ. Những nhà phê phán theo tư tưởng xã hội chủ nghĩa đối với các chính sách toàn cầu hoá tân tự do có vẻ lý giải tốt hơn các hệ quả này bằng cách chỉ ra rằng việc tự do hoá nông nghiệp ở Việt Nam, cũng như ở các nơi khác trên thế giới, dẫn tới sự chênh lệch thu nhập nghiêm trọng và phá hoại cuộc sống ở nông thôn[2]. Ý kiến phê phán này có vẻ nhắm vào vùng đồng bằng sông Mê-kông, một vùng đã hội nhập sâu vào thị trường tư bản, nơi mà tình trạng mất ổn định của người nông dân và sự chia rẽ giữa thành thị và nông thôn ngày càng tăng, tình trạng trắng tay về ruộng đất ngày càng lan rộng cho thấy ý nghĩa mỏng manh của thành tích xoá đói giảm nghèo. Song những phân tích kiểu xã hội chủ nghĩa về phát triển nông thôn lại không giải thích ngay được bước ngoặt rõ ràng trong số phận của gia đình Khiên, điều mà cô cho là phúc nhờ các hoạt động tôn giáo của cô mà có. Chỉ sau khi ra thành phố mới kiếm được cuộc sống tốt hơn, Khiên dành khoản tiết kiệm nhỏ nhoi của mình vào việc cúng viếng tôn giáo mà cả những người ủng hộ cải cách tự do lẫn phái phê phán theo tư tưởng xã hội chủ nghĩa đều có thể cho là không hợp lý.

Một số người khác lập luận rằng Việt Nam chưa thực sự theo phương thuốc tân tự do và chính vì thế sự tăng trưởng của Việt Nam mang tính toàn xã hội. Pietro Masima lập luận rằng nhà nước Việt Nam vẫn duy trì vai trò trung tâm trong các sáng kiến phát triển tương tự như các nước Đông Á khác, kết hợp rõ ràng giữa việc đặc biệt chú ý tới vùng nông thôn và bảo trợ xã hội, dần dần tiến tới chủ nghĩa tân tự do[3]. Bàn tay nhà nước hiện rõ trong một số chương trình phát triển nông thôn của Việt Nam: các chương trình đầu tư cho hiện đại hoá kỹ thuật và công nghiệp hoá nông thôn và nỗ lực phổ cập giao thông và giáo dục. Tuy vậy, Khiên vẫn không thể cảm ơn nhà nước đã mang đến sự đổi đời của cô: cô phải bỏ học từ cấp hai, công nghiệp hoá không giúp gì cô ở quê mình và cô đã đi ra thành phố, không có sự thừa nhận chính thức của nhà nước, cô sử dụng một mạng lưới xã hội mà các quan chức nhà nước có thể coi là “mê tín dị đoan”. Quả vậy, một cách lý giải khác các vấn đề của cô có thể cho rằng việc nhà nước áp dụng một cách hình thức các biện pháp cải cách không liên quan nhiều lắm tới lĩnh vực của cô. James Scott lập luận rằng những cố gắng tập trung hoá của nhà nước nhằm áp đặt lên các vùng nông thôn những giải pháp một kích cỡ cho tất cả, dù đó là tư nhân hoá các dịch vụ xã hội hay hiện đại hoá, công nghiệp hoá nông nghiệp, tất yếu sẽ thất bại, vì sự đơn giản hoá tai hại mà họ áp đặt lên các quá trình phức tạp rất đa dạng[4]. Đây có thể là một giải thích cho tình trạng người dân bị đuổi ra khỏi mảnh đất của mình, tạo ra làn sóng di cư tràn vào đô thị, khiến tỷ lệ bỏ học và tìm đến các giải pháp tôn giáo ở vùng nông thôn Việt Nam tăng cao, mà câu chuyện của Khiên là một minh hoạ. Tuy nhiên, sẽ là không khôn ngoan và phi lô-gic nếu đánh giá quá cao tính hiệu quả của một nhà nước mà số mệnh đã an bài là nó sẽ thất bại bởi sự thiển cận tập trung hoá của chính nó. Các quá trình này có thể được giải thích khác như là các chiến lược có chủ ý của chính những người dân nông thôn.

Một giải thích cuối cùng về những thay đổi ở nông thôn Việt Nam là nhà nước phản ứng nhanh trước nhu cầu của người dân ở nông thôn. Benedict Kerkvliet lập luận rằng đảng từ bỏ các chính sách tập thể hoá của mình vì áp lực chính trị của những người nông dân không chịu tuân thủ các chính sách đó[5]. Các giải thích này ít nhiều có lý từ dư luận cho rằng Đảng Cộng sản Việt Nam đã giành được thành công vì là người đại diện cho quyền lợi của nông dân trong cuộc đấu tranh chống chủ nghĩa thực dân. Kerkvliet nhận xét rằng chính phủ Việt Nam vẫn tiếp tục đáp ứng quyền lợi của vùng nông thôn, chắc chắn là hơn đảng cầm quyền ở Philippines[6]. Song cái yếu của lập luận này là ở chỗ trong một loạt chính sách phát triển nông thôn của chính phủ, chính phủ cũng đáp ứng các quyền lợi khác nữa: đó là các nhà tài trợ như chính phủ Úc và chính phủ Mỹ, cũng như các tổ chức đa phương như Ngân hàng Thế giới, là các nhà tài trợ cung cấp viện trợ với điều kiện áp dụng các chính sách dựa trên kinh tế thị trường. Có nhiều dấu hiệu cho thấy rằng những quyền lợi này – và quyền lợi của tầng lớp trung lưu ở nông thôn ngày càng khẳng định được vị thế của mình – đã chiếm được tiếng nói của chính phủ, mà phương pháp tiếp cận của chính phủ này đối với vấn đề phát triển nông thôn ngày nay là hiện thân của sự pha trộn giữa cách nhìn thờ ơ đối với các quy luật phát triển phổ biến và thái độ gia trưởng đối với người dân nông thôn. Thái độ này biểu hiện đặc biệt rõ trong việc mô tả người dân nông thôn trong các báo cáo phát triển chính thức như là những người nghèo khó, lạc hậu, ở vùng hẻo lánh, biệt lập, không hiểu biết và lệ thuộc vào nhà nước để cuộc sống của họ được cải thiện. Điều này được thể hiện một cách trắng trợn nhất trong thái độ chính thức đối với các nhóm dân tộc thiểu số, kể cả người Khmer như Khiên mà những tập quán “lạc hậu”, các xu hướng tôn giáo và sự biệt lập về văn hoá của họ bị coi là trở ngại đối với hoạt động của thị trường và các chương trình của nhà nước, và tác động lợi ích của nó được mặc nhiên thừa nhận.

Do những vấn đề này – với cách giải thích đặt sự phát triển trong tay thị trường hay trong tay nhà nước và đổ tình trạng trì trệ cho sự lạc hậu của người dân nông thôn, tôi xin gợi ra một cách giải thích khác cho rất nhiều đổi thay đang diễn ra ở nông thôn Việt Nam. Tiếp sau các trường hợp lịch sử của những người Việt Nam như Khiên, tôi lập luận rằng chúng ta có thể hiểu cặn kẽ hơn các con đường thay đổi của vùng nông thôn bằng cách nhận ra những nguồn lực độc đáo mà người dân nông thôn có được và đang sử dụng: đó là các lô gich về luân lý và tôn giáo, các kho tàng của sự gắn kết và kiến thức, và các chiến lược của sự linh hoạt và chủ nghĩa cộng đồng. Mặc dù, theo cách nhìn của một nhà hoạch định kế hoạch của nhà nước, thì một số chiến lược của những người dân này có vẻ là không đúng chỗ, nhưng chúng lại có nghĩa đối với nguời dân nông thôn, và thực sự đó có thể là nguyên nhân của những thành công mà các nhà hoạch định kế hoạch nhà nước mạo nhận công một phần. Nhờ các chiến lược này, người dân nông thôn đã được hưởng một mức sống thường không được ghi nhận trong các chỉ số phát triển thông thường.

Bài viết này chia làm hai phần. Trong phần đầu, tôi đánh giá một số chương trình phát triển nông thôn đối chiếu với các mục tiêu của chúng. Các chương trình này gồm cả các chính sách thúc đẩy nền kinh tế hàng hoá xuất khẩu, hiện đại hoá, công nghiệp hoá, các nỗ lực phổ cập thông tin liên lạc, giáo dục công và các chính sách “xã hội hoá”. Vì khó có thể giải thích được sự thay đổi về xã hội trong nông thôn Việt Nam chỉ bằng việc xem xét hệ quả của các chính sách này, tôi chuyển sang phần hai của bài viết, nghiên cứu các chiến lược và những con đường phát triển nông thôn mà nhà hoạch định kế hoạch nhà nước không thấy được. Đó là những tập quán tích đức, chủ nghĩa hiện đại bản địa, tính kinh tế của sự lưu chuyển, chủ nghĩa xuyên quốc gia phi tập trung hoá, chủ nghĩa thế giới nông thôn, và các hình thái ngược lại với nhà nước. Trường hợp nghiên cứu điển hình chính được lựa chọn là Đồng bằng sông Mê-kông, vùng trọng điểm của các chương trình phát triển nông thôn của nhà nước. Vùng này rất thú vị vì nhiều trong số những thành công nó đạt được, theo các tiêu chuẩn phát triển chính thức, đã diễn ra bởi các lý do không lường tới, và vì thất bại của một số chương trình phát triển chính thức cho thấy rằng còn có tác động của các yếu tố và lý lẽ khác nữa. Trên cơ sở nhiều năm quan sát dân tộc học những diễn biến xã hội ở vùng đồng bằng này, tôi nêu bật các nguồn lực và các chiến lược mà người dân nông thôn sử dụng[7]. Tôi đánh giá lại các tập quán vẫn được coi là truyền thống, bản địa, và không thích hợp cho việc xếp chúng theo quan điểm lịch sử và khu vực, như là những cách làm hiện đại, thu hút mọi người và bền vững. Tôi lập luận rằng những nét đặc trưng của sự thay đổi xã hội ở vùng đồng bằng sông Mê-kông cho thấy cần phải có những chính sách phát triển nhạy cảm đối với những sự khác biệt ở địa phương.

Các chính sách phát triển nông thôn

Những nét cơ bản của thị trường

Những cải cách thị trường trong nền nông nghiệp Việt Nam bắt đầu từ đầu những năm 1980 và được đẩy mạnh vào cuối thập kỷ đó. Những cải cách này bao gồm việc chấp nhận khoán nông phẩm tới hộ gia đình, phi tập thể hoá nông nghiệp, và cho phép nông dân mua, bán và chuyển nhượng đất đai cùng các tư liệu sản xuất khác. Những chính sách này đã giải quyết được cuộc khủng hoảng kinh tế do hệ thống tập trung bao cấp gây ra, và đáp ứng áp lực trong nước và quốc tế đòi phải thay đổi[8]. Như được báo trước trong lời tuyên bố chính sách mở cửa giữa thập niên 1980, từ đầu những năm 1990, chính phủ dứt khoát đặt Việt Nam trong hệ thống thị trường quốc tế, ký kết hàng loạt hiệp định thương mại và cắt giảm trợ cấp cũng như thuế quan đối với hàng nhập khẩu. Lý do của việc này là đầu tư và thương mại thông thoáng hơn sẽ thúc đẩy tăng trưởng và tăng cường thịnh vượng.[9]

Trong số những chỉ số được trích dẫn nhiều nhất về sự cải thiện ở vùng nông thôn nhờ các cải cách này là sự chuyển biến nhanh chóng của Việt Nam từ thiếu hụt lương thực và lệ thuộc vào nhập khẩu gạo trong những năm 1980 thành một nước xuất khẩu lương thực trong những năm 1990 và là nước xuất khẩu gạo lớn thứ hai trên thế giới. Khi đánh giá các thành tựu chính của thập niên từ 1996-2006, các bộ của nhà nước nhấn mạnh việc xếp hạng cao trên thế giới của ngành xuất khẩu gạo, cà phê, cao su, hạt điều và hạt tiêu của Việt Nam là nhờ việc tăng tỷ trọng nông sản dành cho xuất khẩu[10]. Thu nhập và chi tiêu ở vùng nông thôn ngày càng tăng được xem là minh chứng của những lợi ích mà người nông dân được hưởng nhờ quá trình hội nhập với thị trường quốc tế. Từ năm 1993 đến 1998, thu nhập ở vùng nông thôn tăng 27,6%[11], và chi tiêu của hộ gia đình nông thôn tăng 30%[12]. Thành tựu thu hút được sự chú ý nhiều nhất trong mấy năm gần đây là việc giảm mạnh tình trạng nghèo khổ. So với những năm giữa thập kỷ 1980, khi mà theo một báo cáo thì 70% người dân Việt Nam sống trong đói nghèo[13], số người sống dưới mức nghèo khổ giảm từ 58,1% năm 1993 xuống 28,9% năm 2002.[14]

Mặc dù Việt Nam được khen ngợi về thành tích xoá đói giảm nghèo, hầu hết các nhà bình luận lưu ý rằng sự chênh lệch kinh tế xã hội giữa nông thôn và thành thị, giữa các vùng và các dân tộc thiểu số ngày càng trầm trọng.[15]Trên phạm vị cả nước, thu nhập ở nông thôn giảm so với thành thị; năm 2002 chưa bằng một nửa ở khu vực thành thị.[16] Tình trạng giảm nghèo ở vùng nông thôn diễn ra chậm hơn, nơi mà đến năm 2002 vẫn chiếm hơn 90% tổng số người sống trong nghèo khổ[17]. Cũng trong năm đó, tỷ lệ nghèo khổ trong các dân tộc thiểu số gấp hơn hai lần vùng nông thôn nói chung.[18] Kể từ khi áp dụng cơ chế thị trường, tình trạng phân hoá giàu nghèo ở vùng nông thôn ngày càng tăng vì sự khác biệt về điều kiện tiếp cận tư liệu sản xuất như đất đai, vốn, sức lao động, vốn xã hội và thông tin[19]. Sự chênh lệch này đặc biệt rõ ràng ở vùng đồng bằng sông Mê-kông, nơi mà sự bất bình đẳng trong việc sử dụng đất đai, biển, sông và các nguồn vốn đã tăng lênh mạnh mẽ khi phải tiếp cận nhiều hơn với cơ chế thị trường.[20]

Nhiều người dân nông thôn cho rằng đời sống bị giảm sút từ khi họ bị đẩy vào thị trường. Ví dụ ở vùng đồng bằng sông Mê-kông – vựa lúa lớn nhất của cả nước, chiếm khoảng 90% lượng gạo xuất khẩu toàn quốc – giá lúa gạo giảm sút cùng với giá vật tư sản xuất ngày càng cao, như phân bón, thuốc trừ sâu, công lao động thuê mướn, máy móc và chi phí vận tải làm cho việc sản xuất lúa gạo cho xuất khẩu không có lợi nhuận nữa, và đó là “con đường chắc chắn đi tới nghèo khổ”.[21] Cách mua chịu vật tư sản xuất và trả chủ nợ sau thu hoạch trở nên phổ biến ở đồng bằng sông Mê-kông. Tôi trao đổi với những người nông dân trồng lúa ở tỉnh Bạc Liêu và Trà Vinh về cách thức làm ăn này hồi đầu 2007, họ ước tính rằng 70% nông dân tham gia trồng lúa vẫn mắc nợ sau thu hoạch, và mô tả những người có thể trả xong nợ là những người “giàu”. Những người không thể trả hết nợ trong sản xuất nông nghiệp đã phải bán đất hay tìm kiếm việc đơn giản ở nơi khác. Lợi nhuận từ chăn nuôi cũng suy giảm tương tự như vậy, giá gia súc tăng bị vô hiệu hoá bởi chi phí thức ăn và thuốc thú y tăng. Gần đây, nuôi cá lồng và tôm sú được thúc đẩy như là các hoạt động xuất khẩu có lợi, nhưng việc tiếp cận ngành cần nhiều vốn này bị hạn chế và rủi ro mất vốn vì bệnh tật, thời tiết không thuận còn lớn hơn nhiều rủi ro trong trồng lúa.[22] Các báo cáo của chính phủ và các nhà tài trợ quốc tế mô tả sự gia tăng gần đây trong sản xuất hàng hoá nông nghiệp là cải thiện về “an toàn lương thực.”[23] Tuy nhiên, nông dân đang phải đối đầu với tình trạng bất an toàn lương thực ngày càng nghiêm trọng, rõ ràng là hệ quả của việc lệ thuộc vào thị trường hàng hoá xuất khẩu. Sự an toàn của nông dân nghèo bị xói mòn bởi việc bán đất, trong khi người nông dân khá giả hơn phải đương đầu với rủi ro lớn hơn trong đầu tư.

Ngoài việc bị phơi ra trước thị trường toàn cầu, người dân nông thôn ở Việt Nam còn bị phơi ra bởi quá trình phát triển công nghiệp theo các tiêu chuẩn mới; các tiêu chuẩn này coi mức sống vật chất của họ thua kém dân đô thị. Những kết luận ảm đạm trong các báo cáo phát triển rằng tình trạng nghèo khổ tập trung ở vùng nông thôn và chủ yếu là trong các nhóm dân tộc thiểu số, nơi người dân nông thôn thường mô tả mức sống của mình là “nghèo”, coi nghề nông là “nghề của người nghèo”, mô tả cuộc sống nông thôn là mái rạ, da rám nắng và đi theo tín ngưỡng là dấu hiệu của tình trạng khốn cùng. Những lời đàm luận như vậy bám chặt lấy cộng đồng Khmerr ở đồng bằng sông Mê-kông, mặc dù nổi tiếng là những người trồng lúa tài ba ở khu vực, vẫn tự nhận mình là lác hậu và rất nghèo. Bức ảnh tự hoạ tiêu cực này trùng hợp với sự lan truyền ở Việt Nam các chỉ số đặt người Khmer gần với nấc cuối cùng của bậc thang phát triển và các học thuyết coi các hệ quả này là do sự “cách trở” về địa lý, văn hoá và thiên hướng tôn giáo của nhóm người này.[24] Các học giả và quan chức Việt Nam nói rằng quan điểm biệt lập và tư tưởng tin vào số mệnh mà họ gán cho người Khmer đã ngăn cản sự giao lưu, làm nhụt tính sáng tạo và cấm đoán việc tích luỹ vốn.[25] Các báo cáo phát triển giải thích rằng “những nhóm nghèo khổ” người Khmer là kết quả của việc họ không hoà nhập được vào dòng chảy chung của xã hội, không tham gia vào thị trường và không từ bỏ được những tập tục và truyền thống tôn giáo của họ.[26] Các quan chức được trích dẫn trong các báo cáo coi việc người Khmer dành thì giờ và nỗ lực vào các lễ nghi và xây dựng các nơi thờ cúng là lãng phí thì giờ, tiền bạc mà lẽ ra có thể dùng để đầu tư hiệu quả hơn.[27] Rõ ràng tập tục dai dẳng và thiên hướng tâm linh của các cộng đồng thiểu số – đã từng bị coi là trở ngại cho quá trình hiện đại hoá xã hội chủ nghĩa[28] – vẫn tước đoạt của họ khả năng tiếp cận với cái được coi là tác động lợi ích của thị trường.

(còn tiếp)

Bản tiếng Việt © 2010 Đặng Thế Truyền/JVS

Bản tiếng Việt © talawas


[1] Chẳng hạn, xem David Dollar và Aart Kraay, “Spreading the Wealth,” Foreign Affairs 81, no. 1 (2002): 1–13.

[2] Gabriel Kolko, Vietnam: Anatomy of a Peace (London: Routledge, 1997).

[3] Pietro Masina, Vietnam’s Development Strategies (New York: Routledge, 2006).

[4] James C. Scott, Seeing Like a State: How Certain Schemes to Improve the Human Condition Have Failed (New Haven, CT: Yale University Press, 1998).

[5] Benedict J. Tria Kerkvliet, The Power of Everyday Politics: How Vietnamese Peasants Transformed National Policy (Ithaca, NY: Cornell University Press, 2005).

[6] Benedict J. Tria Kerkvliet, “Political Expectations and Democracy in the Philippines and Vietnam,” Philippine Political Science Journal 26, no. 49 (2005): 1–26.

[7] Công việc nghiên cứu cho bài viết này bắt đầu từ năm 1992 – 1994 trong đợt điền dã nhân học ở đồng bằng sông Mê Kông, phục vụ cho luận án tiến sĩ nhân học của tôi tại Đại học Tổng hợp quốc gia Australia. Việc nghiên cứu tiếp tục với hơn mười chuyến khảo sát thực tế ở khu vực này và chuyến cuối cùng là tháng Giêng năm 2007.

[8] Adam Fforde and Stefan de Vylder, From Plan to Market: The Economic Transition in Vietnam (Boulder, CO: Westview, 1996).

[9] World Bank, Accelerating Vietnam’s Rural Development: Growth, Equity and Diversification (Washington, DC: World Bank, 2006).

[10] Ministry of Agriculture and Rural Development, Agriculture and Rural Development Five-Year Plan (2001–2005) (Hà Nội: Ministry of Agriculture and Rural Development, 2000); Ministry of Planning and Investment (MPI), The Five-Year Socio-Economic Development Plan, 2006–2010 (English version) (Hà Nội: Ministry of Planning and Investment, 2006), 10.

[11]World Bank Poverty Working Group, Attacking Poverty: Vietnam Development Report 1999/2000 (Washington, DC: World Bank, 1999), 51.

[12] Do Thien Kien et al, “Inequality,” in Living Standards During an Economic Boom: The Case of Vietnam, eds. Dominique Haughton, Jonathon Haughton, and Nguyen Phong (Hà Nội: UNDP and Statistical Publishing House, 2001), 41.

[13] World Bank, Attacking Poverty

[14] Patricia Justino, “Beyond HEPR: A Framework for an Integrated National System of Social Security in Viet Nam,” UNDP Việt Nam Policy Dialogue Paper 2005/1 (Hà Nội: United Nations Development Program, 2005), 3. Mức nghèo khổ nói tới ở đây được tính là chi phí cần thiết để mua 2.100 ca-lo cho mỗi người mỗi ngày và một số thứ không phải là lương thực khác.

[15] Chẳng hạn, xem Dominique Haughton, Jonathon Haughton, và Nguyen Phong, eds., Living Standards During an Economic Boom: The Case of Vietnam (Hà Nội: UNDP and Statistical Publishing House, 2001); Philip Taylor, ed. Social Inequality in Vietnam and the Challenges to Reform (Singapore: Institute of Southeast Asian Studies, 2004).

[16] General Statistical Office (GSO), Result of the Survey on Household Living Standards (Hà Nội: Statistical Publishing House, 2004), 77.

[17] Shenggen Fan, Pham Lan Huong, and Trinh Quang Long, Government Spending and Poverty Reduction in Vietnam (Washington, DC: International Food Policy Research Institute and Hà Nội: Central Institute for Economic Management, 2004), 6.

[18] Justino, “Beyond HEPR,” 3.

[19] Neil Adger, “Exploring Income Inequality in Rural Coastal Vietnam,” Journal of Development Studies 35, no. 5 (1999): 96–119; A. Haroon Akram-Lodhi, “Are ‘Landlords Taking Back the Land?’ An Essay on the Agrarian Transition in Vietnam,” The European Journal of Development Research 16, no. 4 (2004): 757–789; Tran Thi Thu Trang, “From Collectivization to Globalization: Social Differentiation in a Muong Ethnic Community of Vietnam,” in Social Inequality in Vietnam and the Challenges to Reform, ed. Philip Taylor (Singapore: Institute of Southeast Asian Studies, 2004), 123–165; Thomas Sikor and Pham Thi Tuong Vi, “The Dynamics of Commoditization in a Vietnamese Uplands Village, 1980–2000,” Journal of Agrarian Change 5, no. 3 (2005): 405–428.

[20] Hy Van Luong, “Wealth, Power and Inequality: Global Market, the State, and Local Socio-cultural Dynamics,” in Postwar Vietnam: Dynamics of a Transforming Society, ed. Hy Van Luong (Oxford: Rowman and Littlefield, 2003), 98–99; Philip Taylor, “Redressing Disadvantage or Re-Arranging Inequality? Development Interventions and Local Responses in the Mekong Delta,” in Social Inequality in Vietnam and the Challenges to Reform, ed. Philip Taylor (Singapore: Institute of Southeast Asian Studies, 2004), 247–252.

[21] Taylor, “Redressing Disadvantage,” 347–348.

[22] Louis Lebel et al., “Industrial Transformation and Shrimp Aquaculture in Thailand and Vietnam: Pathways to Ecological, Social and Economic Sustainability?” Ambio 31, no. 4 (2002): 311–323; Philip Taylor, Cham Muslims of the Mekong Delta: Place and Mobility in the Cosmopolitan Periphery (Honolulu: University of Hawai‘i Press, 2007), 159, 198–199.

[23] Ministry of Agriculture and Rural Development, Agriculture and Rural Development Five-Year Plan (2001–2005); World Bank, Accelerating Vietnam’s Rural Development, 2.

[24] Năm 1998, theo tính toán dựa trên cuộc Khảo sát mức sống của hộ gia đình năm 1998, 57% hộ gia đình Khmer sống dưới mức nghèo khổ, gần gấp đôi tỷ lệ người Kinh (30%) và hơn tỷ lệ người Hoa 7 lần (8%). Bob Baulch et al., “Ethnic Minority Development in Vietnam: A Socio-economic Perspective” (Working Paper 2836, Washington, DC: World Bank, 2002), 4.

[25] Nguyễn Xuân Nghĩa, “Đạo Phật tiểu thừa Khơme ở vùng nông thôn ở đồng bằng sông Cửu long: Chức năng xã hội truyền thống và động thái xã hội,” Nghiên Cứu Tôn Giáo 5, no. 23 (2003): 25–37; Phan Xuân Biên, “Vấn đề dân trí và phát triển văn hóa ở vùng người Khơ-me Nam Bộ trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa,” Dân Tộc Học 5, no. 131 (2004): 3–6.

[26] Mekong Delta Poverty Analysis Project (MDPA), Mekong Delta Poverty Analysis First Milestone Report, Stage One (26 May 2003) (HCMC: Mekong Delta Poverty Analysis Project, 2003), 29–33.

[27] MDPA, Mekong Delta Poverty Analysis First Milestone Report, 20, 23.

[28] Pam McElwee, “Becoming Socialist or Becoming Kinh? Government Policies for Ethnic Minorities in the Socialist Republic of Vietnam,” in Civilizing the Margins: Southeast Asian Government Policies for the Development of Ethnic Minorities, ed. Christopher R. Duncan (Ithaca, NY: Cornell University Press, 2004), 182–213.

Philip Taylor – Chính sách yếu kém, nông dân giàu có: Hành trình cong của quá trình phát triển nông thôn ở Việt Nam (kỳ 2)

Đặng Thế Truyền dịch

Hạn chế của chủ nghĩa hiện đại

Hiện đại hoá nông thôn là một định hướng chính sách lâu dài ở Việt Nam, với cội nguồn là các chính sách phát triển tập trung của nước Cộng hoà XHCN Việt Nam ở miền Bắc và cuộc “Cách mạng Xanh” được chính quyền Việt Nam Cộng hoà áp dụng ở miền Nam.[1] Trong những năm gần đây, hiện đại hoá nông thôn bao gồm cả việc cơ giới hoá nông nghiệp, điện khí hoá nông thôn và các chương trình hạ tầng cơ sở, cải thiện hệ thống tưới tiêu, kiểm soát lũ lụt, nghiên cứu phát triển công nghệ canh tác mới, áp dụng giống vật nuôi cây trồng mới và khuyến nông. Các chương trình này nhằm tăng năng suất ở vùng nông thôn và ổn định đời sống cho nông dân. Hiện đại hoá nông thôn hàm ý sử dụng khoa học công nghệ để chế ngự thiên nhiên: thay đổi sinh học và hệ sinh thái để tăng năng suất. Như một nhà quan sát đã nói, định hướng chính sách này thể hiện một quan điểm kỹ nghệ và vật chất về môi trường và phát triển đang phổ biến trong các quan chức nhà nước Việt Nam,[2] một niềm tin cho rằng thiên nhiên sẽ dần bị khuất phục và với việc sử dụng công nghệ, sẽ phục vụ con người.

Chắc chắn là điều này đã mang lại kết quả là năng suất tăng lên một cách ngoạn mục, tăng xuất khẩu và xoá được nạn đói, cũng như sự xuất hiện của các nguồn của cải mới ở nông thôn. Lúa nổi, một loại giống vẫn phổ biến ở phía Tây đồng bằng sông Mê-kông hồi đầu thế kỷ 20, đã được thay thế bằng các loại giống lúa nước “thần kỳ” cho năng suất cao hơn với thời gian canh tác chưa bằng nột nửa – đó là bằng chứng hiển nhiên về khả năng của khoa học và công nghệ trong việc chinh phục thiên nhiên và mang lại tiến bộ. Tuy nhiên, người nông dân đã nói về chi phí của giống lúa mới đó. Công việc chuẩn bị đất, việc cung cấp nước và bảo đảm sức khoẻ của cây lúa nặng nhọc và tốn thời gian. Nông dân phàn nàn về tình trạng kiệt sức và các tai nạn xảy ra khi vận hành máy móc. Giá phân bón và thuốc trừ sâu cao tới mức hầu hết nông dân không thể hoà vốn. Tình trạng ngày càng lệ thuộc vào bơm máy, cày bừa máy và máy kéo cũng như các loại giống mới đẩy chi phí lên cao và giảm lợi nhuận. Như một số nhà quan sát nhận xét, việc cơ giới hoá nông nghiệp ở Việt Nam, cũng như ở các nơi khác, gắn chặt với quá trình phân hoá giai cấp ở nông thôn.[3] Người nông dân ở đồng bằng sông Mê-kông nhận thấy rằng nhóm người được lợi nhất từ các phương pháp canh tác cần nhiều vốn này là những người cung cấp vật tư nông nghiệp cho nông dân, những người cho nông dân vay vốn và những người mua bán ruộng đất của nông dân khi họ không có khả năng trả nợ.

Ngoài những cái giá kinh tế xã hội phải trả cho các chương trình hiện đại hoá nông thôn, còn phải cộng thêm cái giá về môi trường. Nhiều trong số các vấn đề và thất bại chính ở vùng nông thôn Việt Nam trong mười năm qua là những biến động lớn về môi trường: như loại 5 trận bão năm 1998 và một loạt các trận bão và lũ lụt nhỏ hơn từ năm 2000 đến 2002, tiếp theo là hạn hán, sâu bệnh, bệnh dịch ở tôm và cúm gà. Ngoài ra, còn là vấn đề đất nhiễm chua, nhiễm mặn, các bệnh dịch từ nguồn nước và dịch tả. Tuy nhiên một số cuộc khủng hoảng này bắt nguồn từ việc mở rộng định canh định cư ở các vùng rất mong manh về sinh thái, như vùng cao nguyên và rừng ven biển, hay do những dòng chảy theo mùa phức tạp như vùng Tràm Chim hay Tứ giác Long Xuyên. Các nông trường cà phê và cao su ở vùng cao nguyên cùng với việc mở rộng các cơ sở nuôi tôm và đánh bắt cá ven biển đã huỷ hoại môi trường sinh thái ở những nơi đó, làm cạn kiệt nguồn tài nguyên quá mức có thể tái sinh tự nhiên, và gây ra các cuộc xung đột về nguồn tài nguyên.[4] Việc khai thác chỉ một nguồn tài nguyên như gạo, cà phê hay tôm trên phạm vi công nghiệp lớn đã xói mòn tính đa dạng sinh học và đôi khi làm nghiêm trọng thêm tình hình sâu bệnh, bệnh tật, đất nhiễm phèn và nhiễm mặn.[5] Vì vùng nông thôn phải gánh chịu áp lực ngày càng tăng về dân số và khai thác nguồn tài nguyên, gần đây trong điều kiện kinh tế thị trường phi tập trung hoá, rủi ro đối với cuộc sống của nhân dân cũng tăng theo vì hậu quả của sự lãng phí ngày càng tăng do con người tạo ra, ô nhiễm hoá chất, tai nạn khi dùng máy móc, và bão lụt.[6] Cách sống du canh du cư thường bị phê phán là làm hại hệ sinh thái mỏng manh ở vùng cao nguyên,[7] tuy nhiên việc định cư những người du cư và làn sóng di dân mới tới những vùng này có thể tàn phá rừng, đầm lầy và vùng ven biển nặng nề hơn là tập quán du canh du cư trước đây, vì khi đó số dân ít hơn và họ dùng các biện pháp ít gây hại hơn.[8]

Việc sử dụng khoa học để chế ngự môi trường phục vụ con người được các nhà lý luận Mác-xít Việt Nam coi là một bước tiến đáng tin tưởng so với khi mà người dân, vì không thể giải thích hoặc không thể kiểm soát được thiên nhiêu, đã cúng tế thần linh trên trời, dưới đất và dưới biển, cầu mong được yên ổn.[9] Tuy nhiên, nếu như hiệu quả của khoa học công nghệ được đo lường bằng sự suy giảm trong tín ngưỡng tâm linh, thì việc hiện đại hoá ở đồng bằng sông Mê-kông phải được coi là một thất bại. Ở đó, cuộc tìm kiếm sự bảo trợ về tinh thần và tư tưởng tin vào số mệnh ngày càng phát triển. Một mối quan hệ tinh thần đặc biệt với môi trường biểu hiện rõ trong việc cầu xin thần đá, thần cây ban cho sự phì nhiêu, cầu xin cá voi để ra khơi được bình an, cầu xin thần hổ cho sự an toàn, thần trời đất để được thành công trong nông nghiệp, trong kinh doanh và sức khoẻ.[10] Khát vọng của người dân đối với bùa phép, chữa bệnh bằng thảo dược, và được phù hộ khỏi các tai hoạ, khỏi các lời nguyền và bị ma quỷ ám bảo đảm nguồn công việc vô tận cho đội ngũ ít ỏi các thầy phù thuỷ, tà thuật, mà nhiều người trong số họ xuất thân từ những nhóm dân tộc thiểu số trong vùng.[11] Các tập tục thờ cúng thần linh bị các nhà hoạch định chính sách phát triển bác bỏ là “mê tín dị đoan”, một từ có hàm ý “lạc hậu” và “vô lý”, nói lên sự thất bại của quan điểm chính thống về việc thực hiện hiện đại hoá ở vùng này.

Gắn chặt vào công nghiệp hoá

Công nghiệp hoá nông thôn, một mục tiêu lâu dài có từ thời Việt Nam Dân chủ Cộng hoà những năm 1950, đã trải qua nhiều giai đoạn với nhiều lý lẽ khác nhau. Cho tới ngày hôm nay, các nhà hoạch định kế hoạch ấp ủ những tham vọng lớn lao về công nghiệp hoá xã hội chủ nghĩa vùng nông thôn. Những áp phích với hình ảnh máy cày trên đồng ruộng, cột điện cao thế vươn khắp vùng nông thôn, nhà máy toả khói, và công nhân công nghiệp mặc áo liền quần, đội mũ bảo hộ được dựng lên giữa đồng ở khắp nơi trên cả nước, biểu hiện mong muốn của các nhà lãnh đạo Việt Nam rằng quốc gia chủ yếu là nông nghiệp của họ có thể nhảy một bước lên hiện đại hoá toàn diện. Trong kỷ nguyên cải cách tự do, một mục tiêu mới xuất hiện là giảm tỷ lệ đóng góp của nông nghiệp vào nền kinh tế nói chung, vì ngành này mang lại ít giá trị gia tăng và tiềm năng giảm nghèo tương đối nhỏ.[12] Một trọng tâm khác là phát triển nông nghiệp chế biến ở nông thôn và phi tập trung hoá sản xuất công nghiệp thông qua việc ban hành những chính sách ưu đãi nhằm khuyến khích doanh nghiệp chuyển về các vùng nông thôn. Lý lẽ của việc phi tập trung hoá công nghiệp là giải quyết tình trạng tập trung công nghiệp vào các vùng đô thị ở phía đông nam và phía bắc, tạo ra các cực phát triển để hút nguồn lực từ các vùng nông thôn lân cận. Vì nông nghiệp có mức lương thấp và thu hút quá ít lao động, mục tiêu của công nghiệp hoá nông thôn là tạo ra nhiều việc làm hơn cho vùng nông thôn và giảm nghèo ở vùng này.[13] Với ý nghĩa như vậy, quá trình công nghiệp hoá ở Việt Nam duy trì được tính chất xã hội chủ nghĩa: nhà nước cố gắng đưa động lực phát triển tới các vùng sâu vùng xa, chứ không chỉ đơn thuần đáp ứng lại các đòi hỏi của thị trường nhằm bố trí công nghiệp vào những nơi có thể tối đa hoá lợi nhuận.

Trên phạm vi toàn quốc, công nghiệp và xây dựng tăng nhanh tỷ trọng trong GDP, từ 28,8% năm 1995 lên 41,05% năm 2005.[14] Tuy nhiên, các nỗ lực lôi kéo công nghiệp về vùng sâu vùng xa chỉ đạt được kết quả hạn chế. Công nghiệp và xây dựng vẫn tập trung cao độ ở phía đông nam, nơi chiếm khoản hai phần ba GDP của cả khu vực và giúp cho vùng đất nhỏ hẹp này đóng góp hơn một phần ba vào tổng tài sản quốc gia.[15] Ở ba vùng lệ thuộc nhiều nhất vào nông nghiệp, vùng Cao nguyên Trung bộ, đồng bằng sông Mê-kông và vùng đông bắc, trung bình ngành chế biến chỉ chiếm 10% GDP vào năm 2002, tăng chậm chạp từ 7,5% năm 1995.[16] Tới hiện nay, vùng nông thôn chỉ chiếm 20 – 25% tổng sản lượng công nghiệp.[17] Các báo cáo chính thức phàn nàn rằng tình trạng thất nghiệp ở nông thôn[18] là do không đạt được tốc độ công nghiệp hoá nông thôn.[19]

Đằng sau sự lo ngại chính thức về tình trạng này là bức xúc về dòng người từ bỏ nông thôn kéo ra thành phố tìm việc làm. Những nhà phê bình đã đổ lỗi cho chính phủ không chăm lo đúng mức cho những người này. Khi tới thành phố, người di cư nông thôn vấp phải những trở ngại về hành chính không cho họ tiếp cận được với dịch vụ y tế, học hành, nhà ở và bảo hộ lao động,[20] và họ là đối tượng của các biện pháp đôi khi nặng tay nhằm giải toả họ khỏi đường phố trong thời gian diễn ra các sự kiện quốc tế lớn.

Theo những cư dân đô thị chính thức, dòng người di cư từ nông thôn tới các thành phố cũng mang lại lợi ích. Sự đóng góp về kinh tế và sức lao động rẻ mạt của người di cư được đánh giá cao, và cảnh ngộ khó khăn của họ được sự thông cảm của nhiều người dân thành phố, vì bản thân họ cũng từng là người di cư gần đây. Tuy nhiên, cũng có sự phản đối mạnh mẽ. Làn sóng người định cư từ nông thôn làm hại người dân đô thị chính thức, những người cho rằng tình trạng dư thừa sức lao động không có tay nghề ở các thành phố là nguyên nhân của nạn tắc đường, tai nạn giao thông, tội phạm và làm suy giảm mức sống ở đô thị. Nhiều người có trình độ chuyên môn cao ở đô thị phàn nàn với tôi về tình trạng nông thôn hoá đô thị và hậu quả là xuống cấp kỷ cương, văn minh và đạo đức ở khu dân cư của họ và ở nơi công cộng. Sự di cư tự phát của người dân nông thôn ra thành thị gây hoài nghi đối với các kế hoạch chính thức nhằm tạo lập công nghiệp nông thôn để “thu hút” lao động nông thôn. Những nỗ lực nhằm giữ người dân lại vùng nông thôn đã thất bại, cũng như các chính sách thực dân trước đây đã thất bại trong nỗ lực “gắn chặt[21] người dân vào ruộng đất”. Tham vọng hão huyền của nhà nước trong việc chuyển người nông dân từ ruộng lúa sang nhà máy ở nông thôn đã gây ra sự hoài nghi, cũng như lòng tin đối với nhà nước với vai trò là người chăm lo cho dân nông thôn. Và uy tín của nhà nước như là người bảo vệ sự thống nhất và an ninh bị thử thách bởi những căng thẳng và nhận thức về sự đối xử không công bằng bùng ra từ quá trình phi thực dân hoá nông thôn.

Tiêu chuẩn hoá khoảng không

Chương trình phát triển mạng lưới giao thông quốc gia tăng mạnh giữa những năm 1990. Chương trình này gồm cả việc nâng cấp và mở rộng mạng lưới quốc lộ, cải thiện các tuyến đường thuỷ chính, phát triển hệ thống cảng và nâng cấp hệ thống thông tin. Ở đây tôi tập trung vào chương trình phổ cập hệ thống đường xá. Từ năm 1994 đến 1998, nỗ lực này chiếm phần lớn nhất trong khoản chi tiêu công cộng của Việt Nam, và tới năm 1998, chiếm 94% trong tổng số chi cho giao thông, tăng từ 74% năm 1994.[22] Được hỗ trợ bởi các khoản cho vay và viện trợ của các cơ quan quốc tế cùng với phần đóng góp từ ngân sách quốc gia và địa phương, kết quả khá ấn tượng và đã thay đổi phần lớn bộ mặt nông thôn Việt Nam.[23] Tuy nhiên, chương trình phổ cập giao thông gặp phải những nhược điểm và thách thức. Trong lúc vào năm 2000, 100% số xã ở đồng bằng sông Hồng đã có đường ô tô, thì 8,2% số xã ở vùng miền núi phía bắc và 12,9% số xã ở đồng bằng sông Mê-kông vẫn chưa có đường ô tô tới trung tâm xã.[24] Năm 2002, 24% dân số vẫn chưa  có đường chịu được các loại thời tiết, và các tuyến đường địa phương vẫn trong tình trạng xấu, với chưa đến 30% tỉnh lộ là đường cấp phố.[25]

Các nhà tài trợ quốc tế và cơ quan chính phủ đưa ra những tuyên bố đầy tham vọng về tác dụng của đường xá, được xem là nối người dân ở vùng sâu vùng xa với thị trường, tăng cường thương mại và khả năng tiếp cận thông tin dịch vụ, tạo thuận lợi cho tăng trưởng và đa dạng hoá kinh tế, thúc đẩy giảm nghèo. Một nghiên cứu do Ngân hàng Thế giới tài trợ chỉ ra rằng từ 1993 đến 1998, những người sống ở các xã có đường giao thông chạy qua có thu nhập cao hơn những xã chưa có đường giao thông tới 16%. Những hộ nghèo ở vùng có đường giao thông có khả năng thoát nghèo cao hơn những hộ ở nơi chưa có đường giao thông.[26] Nghiên cứu do các cơ quan quốc tế khác tài trợ cung cấp thêm các chỉ số: những hộ gia đình sống xa đường nghèo hơn, ít khả năng thoát nghèo hơn, thu nhập thấp hơn và ít có cơ hội tăng thu nhập hơn những hộ sống gần đường.[27]

Tuy nhiên, có một số so sánh đầy thuyết phục cho thấy rằng đường xá không làm tăng thu nhập như người ta nói. Các báo cáo phát triển lưu ý rằng khả năng tiếp cận đường xá ở Việt nam vượt xa các nước có cùng mức thu nhập[28] và rằng phạm vi bao phủ của hệ thống đường của Việt Nam ngang bằng với các nước giàu có hơn nhiều như Thái Lan và Bru-nây.[29] Trừ Hà Nội và Hải Phòng, năm 2002, không có một tỉnh nào ở đồng bằng sông Hồng vượt mức thu nhập trung bình tính theo đầu người của cả nước.[30] Tuy nhiên, thu nhập trung bình ở đồng bằng sông Mê-kông, một vùng chủ yếu là nông nghiệp với hệ thống đường xá kém nhất cả nước, lại vượt mức thu nhập trung bình của cả nước. Bốn tỉnh giàu có nhất ở đồng bằng sông Mê-Kông (theo thứ tự mức giàu có là An Giang, Kiên Giang, Cần Thơ và Cà Mau), với mức thu nhập cao hơn mức trung bình ở khu vực, chỉ có thể tiếp cận được bằng xuồng máy tốc độ chậm, và một số trong các tỉnh này có hệ thống đường nông thôn đặc biệt kém, với những vùng rộng lớn bị biệt lập nhiều tháng trong một năm bởi lũ lụt. Ngược lại, Long An và Tiền Giang, hai tỉnh đồng bằng với hệ thống giao thông tốt nhất tới thành phố Hồ Chí Minh gần đó, lại có mức thu nhập thấp hơn mức ở khu vực.[31] Những so sánh này làm người ta phải hoài nghi ý kiến cho rằng đường xá mang lại những lợi ích rõ rệt cho các vùng nông thôn. Quả vậy, đường xá có thể áp đặt thêm chi phí lên các cộng đồng nghèo hơn. Các cộng đồng địa phương đóng góp một nửa chi phí xây dựng đường nông thôn trong thời gian từ 1996 đến 2000, và chi phí xây dựng và bảo dưỡng ở vùng núi, nơi mà thu nhập thấp hơn, còn cao hơn.[32] Khi mạng lưới đường xá cũ đi, chi phí bảo dưỡng sẽ đòi hỏi phần lớn hơn trong ngân sách giao thông, nhất là ở những vùng hay có bão lụt và các tỉnh miền núi nơi thường xuyên xảy ra sạt lở.

Một vấn đề nữa của phương pháp tiếp cận này là dân ở các địa phương nông thôn gặp các trở ngại ngoài vấn đề mà người ta quy kết cho sự cách trở về địa lý. Các nghiên cứu của tác giả Dominique Van de Walle, Dileni Gunewardena và của Taylor cho thấy rằng những yếu tố như dân tộc thiểu số, ngôn ngữ, khả năng tiếp cận các quan hệ chính trị, và tiền của người thân ở các nơi khác gửi về là những yếu tố quyết định khả năng của người dân khai thác lợi ích của các chương trình cải thiện đường xá.[33] Ví dụ người Khmer ở Trà Vinh cho rằng họ thiếu vốn cần thiết, thiếu quen biết chính quyền, thiếu khả năng ngôn ngữ và kinh nghiệm kinh doanh để có thể tận dụng được các cơ hội do đường xá được cải thiện mang lại cho địa phương của họ trong những năm 2000. Trong thực tế, những người được lợi từ các dự án này chủ yếu là người ở thị xã, trong đó một số người biết trước qui hoạch mở đường, lợi dụng được hạ tầng cơ sở mới và giá đất tương đối rẻ để mở ra kinh doanh hay đầu cơ đất. Nhiều người Khmer đã bán đất của mình cho những người mới đến và chuyển sâu vào phía trong, nơi đất rẻ hơn. Số người khác lại di cư đến các vùng đô thị tìm việc đơn giản, bán rẻ đất mà giá sau này tăng lên, nhiều khi hàng chục lần. Các vùng ngoại ô giờ đây có vẻ trù phú: hai bên đường mọc lên các cửa hàng, cơ sở phân phối, dịch vụ mới. Tuy nhiên, thay vì khẳng định rằng sự cải thiện đường xá đã nâng cao đời sống người dân, bằng chứng ở Trà Vinh cho thấy sự cải thiện này chỉ vắt kiệt người dân, thu hút những người có năng lực tận dụng lợi ích của những con đường mới và xua đuổi những người không thể sống theo cách họ quen thuộc hay họ ưa thích trong điều kiện đã thay đổi.[34]

Một trong những tác động của tình trạng mất chỗ này của người Khmer là cách ly chùa chiền Khmer khỏi cộng đồng của mình. Năm ngôi chùa Phật giáo ở Phường 8 ngoại ô Trà Vinh nằm trong số những ngôi chùa Khmer lâu đời nhất ở vùng sông Mê-Kông. Tuy nhiên trong thập kỷ qua, các nhà sư cho biết rằng số gia đình hiến cơm cho các nhà sư trong các buổi khất thực hàng ngày đã giảm mạnh, vì những người dân mới đến không phải người Khmer, không hiến cơm khất thực. Bị suy yếu đi, các nhà chùa ít có khả năng tổ chức dạy tiếng Khmer và Đạo phật cho thành viên các cộng đồng xung quanh, mà nhiều người trong đó đã đi nơi khác kiếm việc làm hay cơ hội tốt hơn. Vì vậy, các nhà sư lo sợ cho sự tồn tại của nền văn hoá và các thể chế cộng đồng của họ. Trong tình cảnh bị đuổi ra khỏi mảnh đất của mình, và nhận thức rằng các cộng đồng của mình đang bị chia cắt, một số người Khmer cho rằng họ bị phân biệt đối xử, và tin rằng chính sách của nhà nước huỷ hoại nền tảng văn hoá và kinh tế Khmer. Các quan niệm này dẫn tới tâm lý xa lánh trung tâm quốc gia mà mảnh đất xưa của họ vừa được kết nối tới nhờ hệ thống đường xá. Một trong những hệ quả của quá trình này là một số người Khmer tin rằng tiếng nói và quyền lợi của họ được đại diện tốt hơn bởi những người ủng hộ họ ở nơi khác: các nhà hoạt động dân tộc thiểu số Khmer Krom ở Căm-pu-chia hay lưu vong, những người tố cáo chính phủ Việt Nam tước đoạt quyền lợi của người Khmer và yêu cầu Việt Nam trả miền nam Việt Nam cho Căm-pu-chia.

(còn tiếp)

Bản tiếng Việt © 2010 Đặng Thế Truyền/JVS

Bản tiếng Việt © 2010 talawas


[1] Philip Taylor, Fragments of the Present: Searching for Modernity in Vietnam’s South (Honolulu: University of Hawai‘i Press, 2001); Nick Cullather, “Miracles of Modernization: The Green Revolution and the Apotheosis of Technology,” Diplomatic History 28, no. 2 (2004): 227–254.

[2] Neil Adger, “Institutional Adaptation to Environmental Risk under the Transition in Vietnam,” Annals of the Association of American Geographers 90, no. 4 (2000): 741.

[3] Ngo Vinh Long, “Agrarian Differentiation in the Southern Region of Vietnam,” Journal of Contemporary Asia 14, no. 3 (1984): 283–305; James C. Scott, Weapons of the Weak: Everyday Forms of Peasant Resistance (New Haven, CT: Yale University Press, 1985); Taylor, “Redressing Disadvantage,” 249–252.

[4] G.J. Graaf and T.T. Xuan, “Extensive Shrimp Farming, Mangrove Clearance and Marine Fisheries in the Southern Provinces of Vietnam,” Mangroves and Salt Marshes 2 (1998): 159–166; L. Lebel et al., “Industrial Transformation”; D. D’Haeze et al., “Environmental and Socio-economic Impacts of Institutional Reforms on the Agricultural Sector of Vietnam: Land Suitability Assessment for Robusta Coffee in the Dak Gan Region,” Agriculture Ecosystems and Environment 105, nos. 1–2 (2005): 59–76.

[5] Hakan Berg, “Rice Monoculture and Integrated Rice-Fish Farming in the Mekong Delta, Vietnam: Economic and Ecological Considerations,” Ecological Economics 41 (2002): 95–107; T.P. Tuong et al., “Impact of Seawater Intrusion Control on the Environment, Land Use and Household Incomes in a Coastal Area,” Paddy and Water Environment 1 (2003): 65–73.

[6] Nguyen Huu Dung and Tran Thi Thanh Dung, Economic and Health Consequences of Pesticide Use in Paddy Production in the Mekong Delta, Vietnam (Ottawa: International Development Research Centre, 1997); N. Adger, “Institutional Adaptation,” 2000.

[7] Terry A. Rambo and Neil L. Jamieson, “Upland Areas, Ethnic Minorities and Development,” in Postwar Vietnam: Dynamics of a Transforming Society, ed. Hy Van Luong (Oxford: Rowman and Littlefield, 2003), 166.

[8] Michael DiGregorio, Terry A. Rambo, and Masayuki Yanagisawa, “Clean, Green and Beautiful: Environment and Development under the Renovation Economy,” in Postwar Vietnam: Dynamics of a Transforming Society, ed. Hy Van Luong (Oxford: Rowman and Littlefield, 2003), 189, 193.

[9] Trần Hữu Tiến, “Cách mạng xã hội chủ nghĩa và quyền tự do tôn giáo,” Tạp Chí Cộng Sản 6 (1977): 60–63, 68.

[10] Do Thien, Vietnamese Supernaturalism: Views from the Southern Region (London: RoutledgeCurzon, 2003), 105–131; Philip Taylor, Goddess on the Rise: Pilgrimage and Popular Religion in Vietnam (Honolulu: University of Hawai‘i Press, 2004), 83–110; 216–218; 225.

[11] Philip Taylor, Cham Muslims of the Mekong Delta, 112–120.

[12] World Bank and Asian Development Bank, Vietnam: Delivering on Its Promise (Hà Nội: Vietnam Development Information Centre, 2002), 47–48.

[13] United Nations Industrial Development Organization and Government of the Socialist Republic of Vietnam, Rural Industrial Development in Vietnam: Strategy for Employment Generation and Regionally Balanced Development (Hà Nội: United Nations Industrial Development Organization, 2000); MPI, The Five-Year Socio-Economic Development Plan, 2006–2010 (see note 10).

[14] MPI, The Five-Year Socio-Economic Development Plan, 2006–2010, 20.Ngành chế biến chiếm  51% giá trị gia tăng của ngành này trong năm 2005; các ngành khai khoán (như dầu khí và than), 25% và ngành xây dựng 15,8%.

[15] MPI, The Five-Year Socio-Economic Development Plan, 2006–2010, 21. MPI, The Five-Year Socio-Economic Development Plan, 2006–2010, 21. Năm 2002, nông nghiệp chỉ góp 6,2% vào GDP của vùng đông nam, trong khi nó chiếm 20,1% ở đồng bằng sông Hồng (kể cả Hà Nội và Hải Phòng), 34,4% ở ven biển miền trung, 40,6% ở vùng tây bắc, 50,9% ở đồng bằng sông Mê Kông và 51,6% ở Cao nguyên Trung bộ.

[16] Công nghiệp và xây dựng chiếm11,5% nền kinh tế Cao nguyên Trung bộ năm 1995, và 17,5% năm 2002. Ở đồng bằng sông Mê Kông, số tương ứng là 14,1 và 19,8%, ở vùng đông bắc là 18,6% và 21,8%. Trừ ngành xây dựng và khai khoáng, ngành chế biến chiếm khoảng một nửa tỷ trọng của tổng giá trị ngành.

[17] United Nations Industrial Development Organization, Rural Industrial Development, 19.

[18] United Nations Industrial Development Organization, Rural Industrial Development, 23.

[19] MPI, The Five-Year Socio-Economic Development Plan, 2006–2010, 4.

[20] Dang Nguyen Anh, “Internal Migration: Opportunities and Challenges for Development,” in Migration, Development and Poverty Reduction in Asia, International Organization for Migration (Geneva: International Organization for Migration, 2005), 151–170.

[21] Andrew Hardy, Red Hills: Migrants and the State in the Highlands of Vietnam (Singapore: Institute of Southeast Asian Studies, 2003); Taylor, Cham Muslims of the Mekong Delta, 273.

[22] Joint Government and Donor Working Group, Vietnam Managing Public Resources Better: Public Expenditure Review 2000 (Hà Nội: Government of Vietnam and Donor Working Group on Public Expenditure, 2000), 70.

[23] Từ năm 1994 đến 1998, mật độ đường xá trung bình toàn quốc tăng từ  0,46 lên 0,52 km trên một km vuông. (Shenggen Fan et al., Government Spending, 11).

[24] World Bank, “Rural Infrastructure and Poverty Reduction: Major Targets and Monitorable Indicators” (Vietnam Poverty Task Force paper, Washington, DC: World Bank, 2001).

[25] World Bank, Accelerating Vietnam’s Rural Development, 6–7.

[26] Paul Glewwe, Michele Gragnolati, and Hassan Zaman, “Who Gained from Vietnam’s Boom in the 1990s?” Economic Development and Cultural Change 50 (2002): 26, 30.

[27] Xem tóm tắt tài liệu về các lợi ích này, tham khảo Taylor, “Redressing Disadvantage” tr. 242.

[28] World Bank, Accelerating Vietnam’s Rural Development, 6. Khả năng tiếp cận đường nông thôn cho thấy tỷ lệ dân được nối với loại đường mọi thời tiết. Năm 2002, số liệu của Việt Nam là 76%, trong khi trung bình tổng của 7 nước có cùng mức thu nhập là 43%.

[29] Joint Government and Donor Working Group, Vietnam Managing Public Resources Better, 67.

[30] GSO, Result of the Survey on Household Living Standards, 86.

[31] GSO, Result of the Survey on Household Living Standards, 93. Năm 2002, thu nhập trung bình hàng tháng trên toàn quốc là 356,08 ngàn đồng. Mức trung bình ở khu vực sông Mê Kông là 371,30 ngàn đồng, và khu vực đồng bằng sông Hồng (kể cả Hà Nội và Hải Phòng) là 353,10 ngàn đồng. Số liệu của các tỉnh đồng bằng sông Mê Kông là (đơn vị ngàn đồng): An Giang: 415,72; Kiên Giang: 411,14; Cần Thơ: 400,10; Cà Mau: 394,83; Long An: 360,64; và Tiền Giang: 352,17. (GSO, Result of the Survey on Household Living Standards, 86, 93).

[32] World Bank, Accelerating Vietnam’s Rural Development, 7.

[33] Dominique Van de Walle and Dileni Gunewardena, “Sources of Ethnic Inequality in Vietnam,” Journal of Development Economics 65 (2001): 177–207; Taylor, “Redressing Disadvantage,” 252–256.

[34] Việc xáo trộn gây ra cho người dân diễn ra cùng với việc xây dựng Đường 14 chạy qua một số tỉnh Cao nguyên miền trung. Theo một cuộc khảo sát không chính thức mà tôi tiến hành năm 2004 đối với khoảng bốn chục doanh nghiệp hai bên đuờng từ Kông Tum tới Bình Phước, đại đa số người sống và kinh doanh dọc Đường 14 không phải là dân địa phương mà là người Việt di cư từ vùng đất trũng và họ tái định cư ở đó từ thời kỳ chiến tranh và sau chiến tranh.

Philip Taylor – Chính sách yếu kém, nông dân giàu có: Hành trình cong của quá trình phát triển nông thôn ở Việt Nam (kỳ 3)

Đặng Thế Truyền dịch

Nâng cao trình độ trí thức

Việt Nam có các chỉ số về giáo dục tương đối tốt so với mức thu nhập của mình, với số học sinh tiểu học chiếm 96% độ tuổi đến trường.[1] Sau khi hạn chế về ngân sách đầu những năm 1980 làm giảm số học sinh đến trường, nhà nước đã tăng ngân sách cho ngành này, do đó số học sinh tiểu học và cấp hai tăng lên đáng kể.[2] Học phí tiểu học, bắt đầu áp dụng từ năm 1989, được huỷ bỏ năm 1993.[3]

Tuy nhiên, theo báo cáo của chính phủ và của các cơ quan phát triển quốc tế, ngành giáo dục gặp nhiều khó khăn, nghiêm trọng nhất là tình trạng bất bình đẳng trong việc tiếp cận giáo dục mà người dân nông thôn đang gặp phải. Năm 2002, dân thành phố có khả năng học hết phổ thông trung học gấp hai lần dân nông thôn (18,24% so với 9,29%) và có khả năng vào đại học hay cao đẳng gấp hơn 8 lần. Vùng nông thôn chỉ có hơn một phần tư số công nhân được đào tạo so với thành phố.[4] Trình độ văn hoá ở miền núi và đồng bằng sông Mê Kông thấp hơn mức trung bình cả nước nhiều. Nạn mù chữ có tỷ lệ cao ở vùng đông bắc, bằng 20% so với 4% ở vùng đồng bằng sông Hồng.[5] Tình trạng bất bình đẳng giữa người Kinh và người dân tộc là đáng kể. Một khảo sát năm 1999 cho thấy trong khi trẻ em người Kinh nhập trường tiểu học chiếm 93,4%, thì trẻ em người Khmer là 76,3%, người Ba Na là 57,8%, và người Hmong chỉ là 41,5%. Sự chênh lệch ở bậc trung học cơ sở còn cao hơn: trẻ em người Kinh là 64,8%, người Khmer là 22,5%, người Ba Na là 8,9% và người Hmong là 4,5%.[6] Năm 2002, tình trạng mù chữ trong các dân tộc thiểu số cao hơn trong người Kinh và người gốc Hoa ở nông thôn là 4 lần.[7]

Tình trạng bất bình đẳng trong giáo dục là mối quan ngại đối với các cố vấn phát triển, những người cho rằng giáo dục là chìa khoá để giảm nghèo và tăng thu nhập. Một nhóm nghiên cứu của Ngân hàng Thế giới lưu ý rằng cuối những năm 1990, tỷ lệ người dân tộc tham gia giáo dục thấp tương quan với tỷ lệ nghèo cao hơn.[8] Một số bài viết trong một công trình nghiên cứu do UNDP tài trợ về mức sống trong những năm 1990 cho thấy những người có trình độ giáo dục cao hơn có thu nhập tăng hơn trong thập kỷ này.[9] So với vùng đô thị, vùng nông thôn có số người chưa bao giờ đi học cao hơn hai lần, và người nông thôn có mức thu nhập trung bình chưa bằng một nửa của người thành phố. Ở vùng đông bắc, nơi có tỷ lệ đi học thấp nhất thứ hai trong số 8 vùng của cả nước (năm 2002, 42% dân ở vùng này hoặc chưa bao giờ đi học, hoặc không học hết bậc tiểu học) là vùng nghèo nhất cả nước.

Tuy nhiên, sự tương ứng này không hoàn toàn đúng khi so sánh một cách hệ thống cả 8 vùng. Vùng đồng bằng sông Mê-Kông, với tỷ lệ tham gia giáo dục thập nhất cả nước (năm 2002, 45% dân vùng này hoặc không đi học hoặc không hết bậc tiểu học) lại có thu nhập ở vị trí thứ hai trong mức cao nhất. Trong khi đó, vùng ven biển bắc trung bộ, với mức giáo dục cao nhất thứ hai trong cả nước, lại có thu nhập ở vị trí thứ hai trong mức thấp nhất. Và mặc dù có mức giáo dục tốt nhất cả nước, vùng đồng bằng sông Hồng chỉ chiếm vị trí thứ ba trong mức thu nhập cao nhất.[10]

Từ những so sánh vùng này, chúng ta có thể rút ra nhiều giả thuyết. Giả thuyết thứ nhất là “giáo dục phổ thông” ở trường công trong thực tế không phải là phổ thông mà phản ánh và thúc đẩy một thế giới quan mang tính đặc thù về văn hoá. Các vùng như đồng bằng sông Hồng và ven biển bắc trung bộ, với tỷ lệ người Kinh cao và truyền thống đạt thành tích cao trong giáo dục ở trường phổ thông, có tỷ lệ đi học cao hơn mức trung mình cả nước. Tỷ lệ đi học ở vùng núi phía bắc, miền trung và đồng bằng sông Mê Kông thấp hơn. Các vùng này đa văn hoá, người Kinh mới chuyển tới gần đây, và tiếng Việt được sử dụng làm tiếng phổ thông cho những người nói tiếng dân tộc khác nhau. Có thể lập luận rằng mức độ tham gia giáo dục phản ánh mức độ học sinh có thể gắn kết những khác biệt về văn hoá trong giáo trình của nhà trường: về nội dung, các giả định, ngôn ngữ giảng dạy và phương pháp giảng dạy. Giả thuyết thứ hai từ các dữ liệu này là giáo trình có thể mang tính đặc thù địa phương. Tỷ lệ đi học trường công cao nhất ở những vùng có cơ hội đi làm cho các cơ quan nhà nước, cho ngành công nghiệp, văn hoá hay dịch vụ công nghệ cao, hay ở những nơi thành thạo tiếng Việt là phương tiện duy nhất để thăng tiến. Tỷ lệ đi học thấp ở những nơi có cơ hội làm việc hay thăng tiến khác. Sẽ ít có động lực đi học nếu nội dung học không thích hợp với cơ hội việc làm ở địa phương hay ở nơi khác. Giả thuyết thứ ba là giáo trình giảng dạy có thể mang nặng tính nghề nghiệp. Tỷ lệ đi học thấp ở những người làm nông nghiệp vì mục đích thương mại hay dịch vụ quy mô nhỏ và trong tầng lớp dân cư có tỷ lệ dân di cư cao. Liệu sinh viên có phản ứng một cách vô lý hay đi ngược lại lợi ích cao nhất của mình khi không tham gia vào những hoạt động tốn kém, làm cho họ mất cơ hội việc làm và dạy cho họ rất ít về các loại việc làm và các kỹ năng  ngành nghề cần thiết có thể mang lại cho họ cơ hội việc làm ổn định được trả lương tốt nhất?

Mặc dù có những yếu kém trong việc thu hút học sinh và giảng dạy các nội dung phù hợp, các chính sách phổ cập giáo dục đã thành công trong việc đưa về vùng nông thôn trình độ kiến thức phổ biến. Ví dụ một số dân Chàm theo đạo Hồi ở đồng bằng sông Mê-Kông tự coi mình “ở trình độ trí thức hơi cao hơn một chút” so với người Khmer vì họ thành thạo tiếng Việt hơn.[11] Đầu năm 2007 một giáo viên Khmer dạy tiếng Phạn ở tỉnh Sóc Trăng tự hào nói với tôi về sự cải thiện kinh tế của đồng bào của anh trong mấy năm gần đây, vì “dưới sự lãnh đạo của Đảng, đồng bào Khmer hiểu được thế giới ngoài nơi ở của họ và học theo những bài học của người Kinh có trình độ cao hơn”. Tuy nhiên các nhà sư Khmer ở Trà Vinh thì đặc biệt lo ngại về xu hướng Việt hoá trong các cộng đồng của họ, chỉ ra tình trạng suy giảm trong nghi lễ và trong tiếng Khmer và tiếng Phạn, vì ở trường thanh niên Khmer thích học tiếng Việt hơn, thứ tiếng có thể giúp họ dễ tìm việc làm hơn. Những nhà sư e sợ rằng “tình trạng chảy máu chất xám này” sẽ nhanh chóng làm mất ngôn ngữ, bản sắc và truyền thống của họ. Đồng thời, học sinh Khmer cũng phải vật lộn với giáo trình học chính thức, phải lưu ban và thường không đạt được trình độ văn hoá cần thiết, khiến họ nghĩ rằng trong xã hội rộng lớn hơn, họ ở “trình độ dân trí thấp”, có kiến thức và sự hiểu biết hạn hẹp. Oscar Salemink, Terry Rambo và Neil Jamieson cũng nói về tình trạng giảm tự tin tương tự ở cả trình độ văn hoá truyền thống và chính thức ở những người dân vùng Cao nguyên Bắc bộ do các vùng này được đưa vào các bài giảng về phát triển của nhà nước.[12] Rất nhiều dân nông thôn thấy mình mắc kẹt giữa hai tiêu chuẩn văn hoá – một là của trung ương và hai là của địa phương – và đau xót nhận ra rằng họ không đạt cả hai tiêu chuẩn.

Tạo ra các chủ thể thị trường

Trong những năm 1980 diễn ra sự chuyển đổi trong việc quản lý kinh tế từ đơn vị kinh tế tập thể sang hộ gia đình, trong quá trình ra quyết định và hoạt động kinh tế. Việc xoá bỏ cơ chế quan liêu bao cấp đã chuyển trách nhiệm kinh tế từ vai nhà nước sang cho cá nhân và gia đình.[13] Chủ trương “Xã hội hoá” được đưa ra trong những năm 1990. Đó là chính sách người sử dụng dịch vụ phải trả tiền đã khuyến khích cá nhân và hộ gia đình đóng góp vật chất cho các dịch vụ xã hội trước đây do nhà nước chu cấp: giáo dục, y tế, hoạt động văn hoá và bảo hiểm. Những lý lẽ trao việc tài trợ các dịch vụ xã hội cho người sử dụng dịch vụ là nó bổ sung thêm nguồn ngân sách nhà nước còn thiếu và nâng cao chất lượng dịch vụ theo nhu cầu của “khách hàng”.[14]

Mặc dù có những hỗ trợ gần đây của chính phủ cho nhà trường, chi phí giáo dục mà gia đình phải bỏ ra vẫn tăng lên. Dù năm năm đầu tiên của bậc tiểu học là miễn phí, phụ huynh vẫn phải đóng góp các khoản không chính thức ngoài việc chi cho sách giáo khoa, đồng phục và đi lại của học sinh. Trong số những ý kiến thường xuyên phê phán chất lượng của trường công,[15] nhiều người tin rằng để đạt được chất lượng giáo dục cao, học sinh phải học thêm và một loạt lớp học tư nhân mọc lên để đáp ứng nhu cầu này, tạo thành một rào cản nữa cho người dân nông thôn.

Từ khi áp dụng nguyên tắc người sử dụng đóng phí trong y tế, tỷ lệ chi tiêu của hộ gia đình cho chăm sóc sức khoẻ tăng lên mạnh, đặt một gánh nặng to lớn lên người nghèo. Sau gần mười năm khi các bệnh viện chính thức yêu cầu bệnh nhân trả tiền khám bệnh từ cuối thập kỷ 1980, chi tiêu của gia đình cho y tế trở thành nguồn thu lớn nhất trong toàn ngành y tế.[16] Ngoài phí chính thức và trả tiền thức ăn, bệnh nhân thường phải chi các khoản không chính thức để được khám bệnh, gặp được nhân viên y tế, có được giường bệnh, xét nghiệm, sử dụng các thiết bị hay mua thuốc theo đơn.[17] Chi phí y tế ngày tăng đã đặt các bệnh viện và trạm xá ngoài tầm với của nhiều người nông thôn. Như trường hợp của Khiên cho thấy, đối với nhiều người ở nông thôn, muốn tiếp cận dịch vụ y tế, chăm sóc người già và chăm sóc sức khoẻ bởi nhân viên có đào tạo phải trả giá rất cao. Để có được các dịch vụ đó, họ phải bán tài sản thiết yếu của mình hoặc cho con thôi học; cách đối phó với khủng hoảng này khiến họ càng trở nên dễ tổn thương hơn.[18]

Người dân đồng bằng sông Mê-Kông cho rằng xã hội hoá các dịch vụ của chính phủ trong thực tế là tư nhân hoá. Một lái thương nông thôn ở Trà Vinh giải thích khẩu hiệu của nhà nước “độc lập, tự do” tức là “mỗi người phải tự lo cho mình”. Những người nông dân ở huyện An Phú, tỉnh An Giang nói với tôi rằng vì chi phí nhập viện cao ngất ngưởng, lần duy nhất họ gặp bác sĩ là lúc họ nhận giấy chứng tử của mình. Tôi biết một cán bộ cách mạng lão thành, ông ta thực sự chết trong bệnh viện và sau đó sống lại. Ông đã hy sinh cả cuộc đời trong cuộc kháng chiến chống Pháp, nhưng khi cận kề cái chết trong bệnh viện, công lao của ông không được xem đến là bao. Khi đến viện, ông vẫn phải hối lộ các bác sĩ và y tá để nhận được sự chăm sóc tối thiểu. Để được như vậy, ông phải vận dụng những mối quan hệ chính thức của mình và xin tiền của người thân ở nước ngoài gửi về. Nhiều người không có được điều kiện như ông. Dân ở Châu Đốc nói tới những mối quan hệ kiểu xã hội đen trong bệnh viện, đòi hỏi người ta phải tìm đúng những tay cò mồi, trả cho chúng tiền bảo kê để có thể tiếp cận các nhân viên y tế giỏi tay nghề. Giáo viên thì giữ tủ những bài giảng quan trọng nhất trong giáo trình chính thức, và chỉ giảng cho học sinh các bài đó khi được trả thêm tiền trong các lớp học thêm. Công chức nhà nước, giáo viên, và bác sĩ bị coi khinh ở tỉnh An Giang: “Họ dùng tiền và tài năng của mình không phải để giúp đỡ người khác, mà là để tiến thân”. Theo người dân Châu Đốc, có vẻ chỉ những người khoẻ mạnh nhất mới có thể sống sót được.

Một xu hướng rõ ràng trong việc đối phó với tình hình này là người dân nông thôn từ bỏ dịch vụ của nhà nước, quay lại trông cậy vào người thân và láng giềng hay mạng lưới tôn giáo và dân tộc để có được các dịch vụ như trông trẻ, chăm sóc người già, sự hỗ trợ về y tế và giáo dục, an sinh xã hội và cứu trợ khẩn cấp.[19] Thực trạng những người dân bị gạt ra bên lề của xã hội từ bỏ các dịch vụ về danh nghĩa được chính phủ trung ương hỗ trợ và chuyển sang các mạng lưới không phải của nhà nước phản ảnh sự xa rời ngày càng tăng của nhà nước đối với người dân thường và có thể gợi ra sự xa lánh đáng kể của người dân đối với nhà nước.

Chính phủ đã cố gắng giảm thiểu tác động do các chính sách tự do mới của mình gây ra bằng cách áp dụng một loạt quy định miễn trừ cho người nghèo. Đồng bào dân tộc thiểu số được miễn học phí, các tiêu chuẩn nhập trường được hạ thấp, và được nhập trường nội trú miễn phí. Các gia đình nghèo và những người ở vùng sâu, vùng xa được cấp tiền mua sách vở và không phải đóng góp các khoản cho nhà trường. Tuy những biện pháp như vậy giảm bớt chi phí của các dịch vụ xã hội, người ta lo ngại rằng chúng không có tác dụng. Các quy định miễn giảm có thể có tác dụng ngược, vì chúng làm giảm nguồn tài chính của các trường, dẫn đến tình trạng lớp học đông hơn bình thường và trang thiết bị tồi hơn.[20] Do nguồn tài trợ của nhà nước và tư nhân thấp, vùng sâu vùng xa có giáo viên chất lượng thấp hơn và thiết bị lớp học tồi hơn.[21] Những vùng như cao nguyên và đồng bằng sông Mê Kông được nhà nước cấp thêm kinh phí để đối phó với những thiếu hụt này, song báo chí đã đặt dấu hỏi về tính hiệu quả của việc chi tiêu và sự hỗ trợ như vậy.[22] Những người ở vùng nông thôn trước đây được chính thức miễn các khoản đóng góp cho biết rằng các cơ sở cung cấp dịch vụ vẫn đòi họ phải trả các khoản tiền không chính thức. Trong khi đó, tôi nhận thấy người dân đô thị bực tức về các khoản đóng góp họ phải bỏ ra để hỗ trợ người nghèo ở nông thôn, vì bản thân họ cũng đang chịu áp lực của việc trả tiền cho các dịch vụ xã hội của mình. Hệ thống miễn giảm và hỗ trợ người nghèo ở nông thôn cũng góp phần tạo ra tâm lý coi người nông thôn như người đi xin, và các quan chức chính phủ cũng đã tỏ ra quan ngại rằng các chương trình đặc biệt cho người nghèo nông thôn có thể khuyến khích tính thụ động và lười nhác.[23] Những quan điểm này của người thành phố và của nhà nước cộng hưởng với những quan điểm mà một số người thuộc giai cấp tư sản ở đồng bằng sông Mê Kông bày tỏ với tôi, mô tả người dân tộc thiểu số không có khả năng tự lo cho mình và cần người thành phố và người dân tộc đa số nâng đỡ.

Chính sách phát triển nông thôn cân xứng

Trên cơ sở của bài tổng kết này về điều kiện ở đồng bằng sông Mê Kông, độc giả có thể dễ đi đến kết luận rằng ở vùng này, dấu ấn phát triển của dự án thay đổi nhằm cải thiện cuộc sống con người cực kỳ mờ nhạt. So với các thành phố sầm uất hơn của Việt Nam, tích luỹ vật chất của người dân ở đồng bằng sông Mê Kông rất nhỏ bé; họ vẫn cúng tế thần linh mong chế ngự được thiên nhiên, làm những việc bị coi là đơn giản, sống xa đường, tiếp xúc với trường học ở mức tối thiểu, và tỏ ra phớt lờ những lời hô hào tự cải thiện bản thân. Đối với những người có đầu óc hiện đại, có vẻ đồng bằng sông Mê Kông đứng ngoài dòng chảy của thời đại, biệt lập với sự tiến bộ. Quả vậy, rất nhiều khách du lịch, những người hành hương, và những người di cư trở lại bị hút hồn bởi vùng này chính vì người ta tin rằng nó tiêu biểu cho các giá trị nông thôn truyền thống, trong đó có phong cách sống đơn giản và dựa trên sông nước, người dân “có tiếng là không có thủ đoạn, không tích trữ của cải, và gắn bó với các giá trị dân tộc và tôn giáo có vẻ sơ khai của mình”.[24] Dù là lạc hậu hay chân thực, những đặc thù này của người dân sông Mê Kông bị coi thuộc về quá khứ.

Cách lý giải này khó có thể thoả đáng với những bằng chứng như những nỗ lực không mệt mỏi của một loạt nhà nước nhằm đưa đồng bằng sông Mê Kông vào hiện tại, hay sự đóng góp phi thường của nó vào bảng cân đối hàng hoá xuất khẩu của đất nước. Quả vậy, người ta có thể nhận thấy các đặc thù của vùng này – dù đó là cuộc tìm kiếm sự bảo trợ tinh thần, cuộc sống du canh du cư của người dân nông thôn, hay sự lệ thuộc của họ vào các mạng lưới an toàn của cộng đồng và tôn giáo dân tộc – vì hệ quả của các chính sách phát triển của nhà nước. Việc tiếp xúc với thị trường toàn cầu và tập trung tăng hàng hoá xuất khẩu dẫn tới lợi nhuận giảm sút, nợ nần và mất đất. Cuộc chinh phục thiên nhiên mở ra các khu khai thác mới đã làm tăng sự đối mặt của người dân nông thôn với những biến động bất lợi của môi trường, làm cho cuộc sống của họ kém ổn định hơn. Việc mở rộng hệ thống đường xá làm cho nhiều người phải rời bỏ nơi sống mà họ từng yêu thích. Trong khi các nhà máy được nhà nước bao cấp đứng phả bụi ở các vùng nông thôn, thì những người công nhân di cư đến từ những nơi khác để kiếm việc làm mà không được bảo hộ, không được đại diện ở mức tối thiểu và không có các dịch vụ cần thiết. Học sinh bỏ học ngay sau khi chúng tích luỹ được những kiến thức sơ đẳng nhất để thương lượng sự sinh tồn như vậy. Những nỗ lực nhằm cải thiện khả năng tiếp cận các dịch vụ bằng huy động sự đóng góp của người dân thậm chí đã làm cho các dịch vụ này khó tiếp cận hơn trước, làm người dân nông thôn phải tìm kiếm sự giúp đỡ từ nơi khác.

Với những kết quả như vậy, những người thận trọng về tài chính có thể đặt câu hỏi về sự đáng tin cậy của giả thuyết dẫn tới các chính sách phát triển hiện tại. Đồng bằng sông Hồng có tỷ lệ đi học cao nhất, có số lượng đường xá liên xã nhiều nhất, và đứng thứ hai trong toàn 8 vùng cả nước về mức độ công nghiệp hoá, song nó chỉ đứng thứ ba trong cả nước về mức độ thu nhập. Đồng bằng sông Mê Kông có hệ thống đường kém nhất, tỷ lệ đi học thấp nhất và trình độ công nghiệp hoá thấp nhưng có mức thu nhập cao nhất nước, ngoại trừ vùng đông nam chủ yếu là đô thị. Vùng Cao nguyên miền trung là một trường hợp điển hình về áp dụng các chính sách hội nhập với thị trường, xuất khẩu nhiều sản phẩm mới đa dạng và thu nhập trung bình đang tăng nhanh, song nó đã trở thành một trong những điểm lộn xộn vì bất mãn của cả nước, mà phần lớn sự lộn xộn đó nhắm vào ngành hàng hoá xuất khẩu. Những hệ quả này có thể làm cho những bộ óc thận trọng đặt câu hỏi về sự thiếu khôn ngoan của việc tiếp tục chi nhiều tiền cho các chính sách phát triển hiện tại, mà chi phí của các chính sách đó không rõ ràng, thậm chí cả tính hiệu quả của nó cũng đang bị xem xét.

Đối với nhà nước, các xu hướng này nêu lên một loạt vấn đề nghiêm trọng về tính thực tiễn của chúng. Trái ngược với quyền lợi của nhà nước trong việc duy trì trật tự, kỷ cương, nhà nước đang không nắm được chiều hướng của những thay đổi. Quả vậy, một nhà hoạch định kế hoạch của nhà nước có thể coi bức tranh được phác hoạ ở đây về dân chúng nông thôn ngày càng bị đẩy ra khỏi mảnh đất của mình, tha phương đến nơi nào đó tìm việc làm, không được đào tạo trong hệ thống giáo dục chính thức, và tìm kiếm giải pháp cho các vấn đề của họ ở bên ngoài biên giới quốc gia, là lạc lõng. Với sự thẳng thắn đáng kể, nông thôn Việt Nam ngày nay được giải thích trong các báo cáo của chính phủ là nơi bị tước đoạt nghiêm trọng: nơi mà thu nhập thấp, nghèo khổ cao độ, không tận dụng được công nghệ hiện đại, hệ thống giao thông và hạ tầng công nghiệp yếu kém, trình độ văn hoá thấp, và thiếu tinh thần tự lập. Người ta có thể đánh giá rất cao việc những kết quả trong báo cáo này giáng một đòn vào tính hợp pháp của một đảng đã từng lật nhào các đối thủ của mình trên nền tảng rằng nó là đại diện chân chính của sự hiện đại.[25] Những kết quả này thách thức vai trò đại diện tự nhận vẫn đang tiếp tục của đảng là người thiết kế hiệu quả bước tiến vững chắc của vùng nông thôn tới tương lai cao đẹp hơn, là nơi có công nghệ, công nghiệp hoá và ổn định. Sự chênh lệch giữa nông thôn và thành thị làm người ta hoài nghi về vai trò của đảng là người bảo vệ quyền lợi của nhân dân nông thôn, và nghi ngờ về những bài rao giảng của đảng về “phát triển với đặc tính xã hội chủ nghĩa”. Sự nắm giữ quyền lực của đảng, mà cả những người phê phán cũng chấp nhận, bắt đầu bị nghi ngờ bởi thực tế rằng người dân nông thôn không làm theo kịch bản “công nghiệp hoá và hiện đại hoá”, họ không thấm nhuần một tẹo nào các bài học về công dân ở nhà trường, và thay vào đó họ đang tìm đến các giải pháp tôn giáo và xuyên quốc gia.

Người ta có thể đặt câu hỏi liệu thất bại trong mục tiêu phát triển có nhất thiết là tiêu cực không, khi mà “phát triển” hàm ý dân số nông thôn vốn gắn bó với ruộng đồng, được vào làm trong các nhà máy có lợi hơn cho họ, quanh năm liên kết với trung tâm chính trị bởi hệ thống đường xá, có học thức trong nền văn hoá chính thức, và sử dụng khoản thu nhập từ sản xuất hàng hoá để mua các dịch vụ xã hội của nhà nước. Quan niệm này về sự phát triển, mặc dù được nguỵ trang trong những lời tự nhận về tính hợp lệ phổ biến của nó, tượng trưng cho các giả thuyết về tiến bộ, giàu có, an toàn và giá trị văn hoá có vẻ độc đoán và đầy khiếm khuyết. Có lẽ cần phải tìm ra những giải pháp thay thế cho mô hình này, trong khi nhìn nhận rằng không chỉ quá trình phát triển đang thất bại không đạt được các mục đích của nó, mà còn vì dân nông thôn Việt Nam có vẻ có ý tưởng khác hẳn về phát triển và cách thức để đạt được phát triển.

(còn tiếp)

Bản tiếng Việt © 2010 Đặng Thế Truyền/JVS

Bản tiếng Việt © 2010 talawas


[1] United Nations Country Team Viet Nam, User Fees, Financial Autonomy and Access to Social Services in Viet Nam (Hà Nội: United Nations in Vietnam, 2005),10.

[2] Jonathon London, “Rethinking Vietnam’s Mass Education and Health Systems,” in Rethinking Vietnam, ed. Duncan McCargo (London: RoutledgeCurzon, 2004), 135.

[3] United Nations Country Team, User Fees, 22.

[4] Vu Quoc Ngu, “Social Disparities in Vietnam: The Case of Poverty Reduction and Educational Attainment,” in Social Inequality in Vietnam and the Challenges to Reform, ed. Philip Taylor (Singapore: Institute of Southeast Asian Studies, 2004), 215–222.

[5] GSO, Result of the Survey on Household Living Standards, 43.

[6] Baulch et al., “Ethnic Minority Development in Vietnam,” 6–7.

[7] Vu Quoc Ngu, “Social Disparities in Vietnam,” 221.

[8] Baulch et al., “Ethnic Minority Development in Vietnam,”17.

[9] Dominique Haughton, Jonathon Haughton, and Nguyen Phong, eds., Living Standards During an Economic Boom: The Case of Vietnam (Hà Nội: UNDP and Statistical Publishing House, 2001).

[10] GSO, Result of the Survey on Household Living Standards, 44, 78.

[11] Taylor, Cham Muslims of the Mekong Delta, 238.

[12] Oscar Salemink, “Enclosing the Highlands: Socialist, Capitalist and Protestant Conversions of Vietnam’s Central Highlanders” (tài liệu trình bày tại hội thảo “Politics of the Commons: Articulating Development and Strengthening Local Practices,” Chiang Mai, Thailand, July 11–14, 2003); Rambo and Jamieson, “Upland Areas” (see note 35).

[13] Jayne Werner, “Gender, Household and State: Renovation (doi moi) as Social Process in Vietnam,” in Gender, Household, State: Doi Moi in Vietnam, eds. Jayne Werner and Daniele Belanger (New York: Cornell University Southeast Asia Program, 2002), 29–47.

[14] London, “Rethinking Vietnam’s Mass Education and Health Systems,” 130; Masina, Vietnam’s Development Strategies, 140–141.

[15] Sự phê phán của báo chí, giới học giả và bản thân chính phủ đối với ngành này cho thấy hệ thống giáo dục đang khủng hoảng nghiêm trọng. Các nhà phê bình tố cáo rằng hệ thống trường công nặng về học vẹt, không khơi dậy được cách học tích cực của học sinh, giáo trình lạc hậu và xa rời thực tế hoặc các nhu cầu của nền kinh tế, chế độ kiểm soát tập trung không đáp ứng sáng kiến và sự sáng tạo của địa phương, và  sử dụng đội ngũ cán bộ không thích hợp. See Tran-Nam Binh, “Education Reform and Economic Development in Vietnam,” in The Vietnamese Economy: Awakening the Dormant Dragon, eds. Tran-Nam Binh and Pham Chi Do (London; New York: RoutledgeCurzon, 2003), 214–231; Doan Hue Dung, “Centralism: The Dilemma of Educational Reform in Vietnam,” in McCargo, Rethinking Vietnam (see note 64); MIP, The Five-Year Socio-Economic Development Plan, 2006–2010, 36.

[16] United Nations Country Team, User Fees, 3–6.

[17] London, “Rethinking Vietnam’s Mass Education and Health Systems,” 137-139.

[18] United Nations Country Team, User Fees, 13.

[19] Rita Liljestrom et al., Poverty and Profit in Rural Vietnam: Winners and Losers of a Dismantled Revolution (Richmond, Surrey: Curzon, 1998); Do Thien, “Charity and Charisma: the Dual Path of the Tinh Do Cu Si, a Popular Buddhist Group in Southern Vietnam,” in Vietnamese Society in Transition, ed. John Kleinen (Amsterdam: IIAS/Her Spinhuis, 2001), 159–182; Philip Taylor, “Apocalypse Now? Hoa Hao Buddhism Emerging from the Shadows of War,” The Australian Journal of Anthropology 12, no. 3 (2001): 339–354; Taylor, Cham Muslims of the Mekong Delta, 102, 118, 283–284.

[20] Vu Quoc Ngu, “Social Disparities in Vietnam,” 225–227.

[21] MPI, The Five-Year Socio-Economic Development Plan, 2006–2010, 36.

[22] “Government Pledges More Aid for Ailing Mekong Delta Schools,” Viet Nam News, January 16, 2007; “Central Highlands School System in Need of Overhaul,” Viet Nam News, January 1, 2007.

[23] MDPA, Mekong Delta Poverty Analysis First Milestone Report, 20.

[24] Taylor, Fragments of the Present, 160–161; Taylor, Goddess on the Rise, 51–55, 111–113.

[25] Taylor, Fragments of the Present, 23–55.

Philip Taylor – Chính sách yếu kém, nông dân giàu có: Hành trình cong của quá trình phát triển nông thôn ở Việt Nam (kỳ 4)

Đặng Thế Truyền dịch

Các con đường khác để phát triển nông thôn

Trong phần còn lại của bài viết này, tôi đưa ra một cách nhìn khác về những thay đổi đang diễn ra ở nông thôn Việt Nam. Chuyển trọng tâm từ thị trường hay nhà nước với tư cách là điểm của phát triển, nhưng vẫn giữ đồng bằng sông Mê-Kông làm ví dụ chính, tôi mô tả những nguồn lực mà người dân nông thôn có được và các chiến lược để họ tìm cách cải thiện cuộc sống của mình. Mặc dù những nguồn lực và chiến lược này ít được các tài liệu nghiên cứu chính thức để ý đến, trừ khi chúng được phân tích là dấu hiệu của sự tước đoạt hay trở ngại đối với phát triển, chúng được người dân nông thôn sử dụng để đạt chất lượng cuộc sống nhất định cho bản thân họ. Trái ngược với việc mô tả cuộc sống nông thôn là biệt lập, lạc hậu và dị thường, tôi nhận thấy trong các cung cách nông thôn này một lối sống hết lòng, hiện đại và bền vững.

Tích luỹ đạo đức

Bất chấp những lời tuyên bố của các nhà kinh tế rằng hội nhập thị trường sẽ mang lại tăng trưởng cho tất cả mọi người, chúng tôi thấy rằng các chính sách hội nhập thị trường của Việt Nam đang làm hại người dân nông thôn xét theo cách đánh giá ưa thích của thuyết này là tích luỹ vật chất. Các vùng nông thôn đang tụt hậu so với đô thị, và quá trình thị trường hoá đang làm hao mòn vốn liếng và suy giảm sự an toàn về vật chất. Đôi khi những lời đổ tội về hậu quả này chĩa ngược lại vào người dân nông thôn đã quá gắn bó với các đạo lý truyền thống, cản trở họ tham gia vào thị trường. Điều này có thể hàm ý rằng ở nông thôn Việt Nam thị trường đã phải khuất phục sự ngoan cố của đạo lý truyền thống và tính biệt lập và lạc hậu của phong cách nông thôn. Nếu đúng như vậy, thì nó rất đối lập với những điều mà chúng ta được nghe về các tác động mang tính biến đổi của chủ nghĩa tư bản đối với các quan hệ xã hội và văn hoá: Lời quả quyết của Mác rằng “Tất cả những gì vững chắc đều tan vào không khí”, kiến thức sâu sắc của Durkheim về sự mất đi của gắn kết xã hội, và lời báo trước lạnh lùng của Webster về “chiếc lồng sắt đang chụp xuống” của duy lý.

Tuy nhiên, việc mổ xẻ lô gic về tinh thần có vẻ dai dẳng của nông thôn Việt Nam trong ánh sáng của sự thất vọng mà nó khơi dậy, tại phần nổi của sự phát triển, giữa những nhà lập kế hoạch với đầu óc vật chất, có thể có ích ít nhiều. James Scott đưa ra khái niệm nền kinh tế tinh thần để giải thích người nông dân hành động một cách tập thể và bảo thủ thế nào để bảo vệ một đạo lý tồn tại lâu đời trước sự tước đoạt kế sinh nhai của họ bởi nền kinh tế thị trường thực dân.[1] Phương pháp tiếp cận này tách biệt một cách hữu ích đạo nghĩa của người nông dân chống lại sự hợp lý khách quan của các công chức và giải thích sự tồn tại của người nông dân bằng sự phản kháng. Khái niệm này về nền kinh tế tinh thần bị phê phán là không thừa nhận các chiến lược có tính toán của người dân nông thôn hay những thay đổi về đạo đức ở những vùng chịu tác động của một thời gian dài tiếp cận với thị trường.[2] Người ta có thể lập luận rằng mô hình này không tính tới sự tham gia tốn kém và thường thành công với kinh tế thị trường mà chúng ta chứng kiến ở nông thôn Việt Nam, ngược lại gợi ra sự không tương thích giữa đạo đức tư bản và đạo đức nông nghiệp. Tuy nhiên, nếu chúng ta sửa đổi khái niệm của Scott về nền kinh tế tinh thần để bao hàm cả hành động có tính toán của dân nông thôn trong bối cảnh lịch sử của kinh tế thị trường, chúng ta có thể giữ lại được ít nhiều giá trị của nó để giải thích cho các lô gic tinh thần nổi bật mà chúng ta thấy ở vùng nông thôn Việt Nam. Trong khi đồng ý với các quan chức chính phủ tỉnh Vĩnh Long, mà trong một báo cáo về tình trạng nghèo khổ ở đồng bằng sông Mê Kông, họ cho rằng xu hướng này là của người Khmer,[3] tôi có thể đưa ra một mô hình khác về nền kinh tế nông thôn, đó là một dự án “tích  luỹ đạo đức”.

Chúng ta hãy bắt đầu minh họa luận điểm này với nguồn lực được xem là không thể thiếu của các lái thương Tèo Châu ở tỉnh Bạc Liêu thuộc đồng bằng sông Mê Kông: đó là uy tín. Người Tèo Châu vận hành các cửa hàng tạp hoá ở khắp vùng nông thôn thuộc tỉnh này và các tỉnh khác thuộc phía tây vùng đồng bằng. Các lái thương Tèo Châu nhận mình là hội nhập với vùng nông thôn nhiều hơn là những người gốc Quảng Đông, mà theo họ thường tập trung ở Chợ Lớn: “Ở mỗi làng trong vùng nông thôn này, người ta thấy người Tèo Châu có ít nhất một cửa hàng tạp hoá”. Họ cũng nói tiếng địa phương – tiếng Khmer và tiếng Việt – và lấy vợ lấy chồng ở địa phương. Sau Chiến tranh Thế giới thứ hai, người Tèo Châu di cư từ Triều Châu, Trung Quốc đến phía tây châu thổ, sang Căm-pu-chia và Thái Lan. Lúc đầu, họ làm phu khuân vác, lao động chân tay, lái xe, thợ cắt tóc, đánh cá: “Bất kỳ việc gì có nhu cầu, là chúng tôi làm”. Những con người khiêm nhường ban đầu này là những điển hình nổi bật về sự biến đổi từ tầng lớp vô sản thành thị thành tầng lớp trung lưu nông thôn tương đối khá giả: “Tất cả những gì chúng tôi có ngày nay là nhờ vào đôi bàn tay mình. Mỗi sản phẩm chúng tôi bán, chúng tôi chỉ thu một khoản lợi nhuận nhỏ bé – để làm cho mọi người có thể mua được – nhưng chúng tôi trở nên giàu có nhờ bán được khối lượng lớn”. Những câu chuyện từ nghèo khó trở nên giàu có hàm ý rằng không có gì là bí ẩn hay đặc biệt về thành công của họ. Tất cả là nhờ uy tín: “Trong kinh doanh, sự tin cậy của khách hàng là tài sản duy nhất. Chúng tôi không nói dối, không bán hàng giả hay cân điêu hoặc điều chỉnh giá theo mẽ bề ngoài của khách hàng. Chúng tôi không tự cho rằng hàng hoá của mình quá tốt không thể bán cho những người trông vẻ nghèo khó rách rưới, hầu hết khách hàng của chúng tôi trông như vậy và đó là lý do tại sao mọi người vẫn quay lại mua của chúng tôi.” Sự lâu bền của hoạt động kinh doanh của họ là nhờ họ sẵn lòng cho nông dân mua chịu lâu hơn, vì giữa hai vụ thu hoạch, nông dân thường không có tiền mặt; họ có lòng tin khi làm như vậy vì họ dựa vào sự hiểu biết của mình về hoàn cảnh của từng khách hàng, mà bản thân cách ứng xử này là hoạt động của lái thương Tèo Châu hội nhập vào các mạng lưới nông thôn. Bản thân chữ tín nói lên tất cả khi họ mua chịu lượng hàng hoá lớn từ những nhà bán xỉ ở thành phố. Những lái thương Tèo Châu nông thôn là những người trung gian tối cần thiết trong dòng chảy tín dụng khắp cả vùng, trở thành một “mạng lưới chằng chịt”[4] từ thị trường bán xỉ ở Chợ Lớn tới các ngôi nhà nhỏ nhất, xa xôi nhất ở vùng đồng bằng. Hàng hoá tiêu dùng gia đình được mua chịu từ những nhà bán xỉ trên thành phố, bán chịu cho nông dân, và được thanh toán vào lúc thu hoạch, có khi mấy tháng sau, khi mà đơn đặt hàng tiếp theo được chuyển tới các nhà bán xỉ. Mạng lưới tín dụng rộng lớn này, vẫn hoạt động mạnh mẽ sau hơn năm mươi năm kể từ khi nó hình thành, chủ yếu dựa vào chữ tín, một giá trị tinh thần mà các lái thương nông thôn Tèo Châu vẫn tiếp tục làm việc chăm chỉ để có thể có được chữ tín từ cả người mua và người bán.

Như đã nói ở trên, khái niệm về “tích luỹ đạo đức” được phát động bởi các quan chức tỉnh trong một nghiên cứu gần đây về tình trạng đói nghèo để giải thích tại sao người Khmer vẫn là người nghèo nhất ở đồng bằng sông Mê Kông. Lập luận là, vì ít quan tâm tới làm giàu kinh tế hơn là sự thành đạt về tinh thần, người Khmer dành hết sức lực và tài sản nhỏ bé của mình để làm việc tốt và tu bổ chùa chiền.[5] Sự giải thích này ngược lại với cách giải thích mà các quan chức khác đưa ra trong cùng một báo cáo – những người này lý giải sự nghèo khó của người Khmer là do lười biếng, không hợp lý, không nhìn xa trông rộng và không biết tính toán. Đúng vậy, người Khmer không thể bị khinh miệt vì họ nghèo khó, bởi họ rất giàu đạo lý, ở khía cạnh này, có thể thấy hành động của họ là có tính toán và vì vậy đương nhiên là hợp lý. Lập luận tương đối này có được với cái giá là xếp người Khmer ngang hàng với một vũ trụ xa xôi, theo các lô gic cơ bản là xa lạ, và rõ ràng được nuôi dưỡng bằng các nguồn sống tinh thần. Tuy nhiên, các phạm trù tích luỹ này không thể tách biệt nhau. Ở vùng trồng lúa hiếm tiền mặt mà nhiều người Khmer đang sinh sống, một thanh niên Khmer có thể trở thành sư và được cung cấp thức ăn, nơi ở, được học hành nhiều năm nhờ vào các món quà không phải bằng tiền của tín đồ trong cộng đồng. Làm vui lòng cha mẹ bằng sự hy sinh bản thân mình qua việc thụ giới vào nhà chùa, người thanh niên Khmer được công nhận là đã trưởng thành, có giáo dục, biết tự kiềm chế và nâng cao triển vọng của mình cho cuộc sống hôn nhân cũng như vị thế của anh ta trong cộng đồng. Trong cuộc sống sau này, anh ta có thể tự nguyện trở thành một A-cha, hay thầy giáo ở trường làng. Những phụ nữ nội trợ cúng tiến quà cho các nhà sư có thể giải xui trong công việc làm ăn, được vị nể trong bạn bè cùng lứa, và khi có tuổi được giúp đỡ và được gia nhập phường hội trong cộng đồng tôn giáo.

Những tập quán này đặt ra một chuẩn mực đạo đức nghiêm khắc cho người Khmer; sự thừa nhận đối với họ chỉ có được thông qua làm việc tốt và đóng góp cho cộng đồng. Điều quan trọng đây không phải là một hệ thống đạo đức khép kín. Các lái thương Tèo Châu và Chàm sẵn sàng bán chịu cho nông dân Khmer, giải thích rằng khác với những người khác, người Khmer rất cẩn trọng về đạo đức, luôn luôn có thể tin rằng họ sẽ trả nợ. Người Tèo Châu và người Việt sống gần các cộng đồng Khmer nói rằng người Khmer – cả nam và nữ – là những người chồng, người vợ chung thuỷ, là người làm biết tự kiềm chế và chăm chỉ. Tiếng tốt này lan toả khắp thành phố Hồ Chí Minh, nơi mà gần đây người Khmer tới làm người giúp việc trong nhà [ô-sin] vì người ta nói rằng có thể tin những người này sẽ không ăn cắp tiền hay tư trang khi ở một mình trong nhà người lạ. Những ví dụ này nói rằng tiếng tốt về đạo đức mà người Khmer tích luỹ được là một nguồn lực giá trị cả trong cộng đồng của họ cũng như ngày càng lan toả ra ngoài.

Phụ nữ vùng đồng bằng sông Mê Kông thích kết hôn với những người đàn ông có thể kiếm sống ở ngoài địa phương của họ, mà ví dụ tai tiếng nhất hiện nay là lấy người Đài Loan. Người dân nông thôn trong vùng hiểu được các mối quan hệ không bình đẳng và hoàn cảnh bắt buộc hình thành nên các con đường hôn nhân này. Một số nhà phân tích lý giải những mối liên kết này với người ngoài qua một thấu kính kinh tế chính trị, là cách để thoát nghèo hay các cuộc hôn nhân xuyên biên giới được thương mại hoá.[6] Người dân địa phương cũng cho rằng sự liên kết này thường xuất phát từ mong muốn của người phụ nữ về một cuộc sống vật chất khá giả hơn hay một lối sống đô thị và ngoại quốc giàu có mà họ thấy trên các phương tiện truyền thông. Nhiều trí thức đô thị của Việt Nam nhìn nhận mốt lấy chồng Đài Loan hiện nay với sự quan ngại và coi đó là triệu chứng của căn bệnh nghèo khổ của vùng nông thôn hay sự suy đồi luân lý truyền thống. Đồng thời, từ đầu những năm 1990, khi tôi bắt đầu nghiên cứu khu vực này, có quan điểm mô tả người phụ nữ nông thôn hoàn toàn ngược lại, tôn vinh họ là những đối tác hôn nhân lý tưởng, bởi vì họ được coi là tiêu biểu của đức hạnh truyền thống. Cảm giác rằng phụ nữ nghèo nông thôn trong vùng có đức hạnh cao đã làm bùng nổ nhu cầu lấy vợ nông thôn của những người di cư đến thành phố, của Việt kiều, và nam giới ở các nước lân cận như Đài Loan, Hàn Quốc và  Singapore. Quan điểm này gợi ra rằng đồng bằng sông Mê Kông đã hội nhập với bậc thang văn hoá xuyên quốc gia và tôn thờ những người phụ nữ nông thôn của mình là hiện thân của đức hạnh Khổng giáo. Quan điểm này cũng cộng sinh với sự mô tả tân truyền thống về nữ tính được nhà nước thúc đẩy trong mô hình “kinh tế hộ gia đình” tân tự do.[7]

Tất cả những điều này có thể cho thấy người phụ nữ nông thôn không có mấy lựa chọn vì cuộc đời họ bị đóng khung trong các cấu trúc chính trị, kinh tế và văn hoá đầy uy lực. Tuy nhiên, từ góc độ nông thôn, có thể coi những liên kết này là phù hợp với chiến lược tích luỹ tinh thần và phát huy đức hạnh của phụ nữ. Như Helle Rydstrom đã gợi ra cho vùng đồng bằng bắc bộ,[8] quá trình xã hội hoá của người phụ nữ nông thôn ở đồng bằng sông Mê Kông bao gồm cả sự hiện thân của đức hạnh. Người phụ nữ được nuôi dưỡng với đức tính hy sinh để chăm sóc cha mẹ, con cái và quán xuyến các nhu cầu của gia đình theo quan niệm hiếu thảo và trách nhiệm của người chị. Con gái được xã hội hoá để chăm lo cho những người thân thiết khác ngoài phạm vi gia đình ruột thịt như chồng con, và nói rộng hơn, trong phạm vi ngành dịch vụ của địa phương với đa số nhân viên là nữ giới.[9]

Mặc dù chiến lược đầy tính hy sinh này có thể bị xem là tiêu cực đối với các chuẩn mực gia trưởng nặng nề,[10] nhưng đúng là người phụ nữ đã giành được sự kính trọng, an toàn và ảnh hưởng trong xã hội nông thôn qua việc hoàn thành những nhiệm vụ gia đình ấy. Tôi khác với Rydstrom trong việc gợi ra rằng các chiến lược này cũng đáp ứng lại sự đánh giá văn hoá từ bên ngoài về người phụ nữ nông thôn là mẫu mực về phẩm hạnh. Quả vậy, đây là các chiến lược được sử dụng có chủ ý, vì trong những phẩm hạnh cô dâu nông thôn được giới thiệu nhiều nhất cho chú rể tương lai là đức hạnh chung thuỷ và có trách nhiệm với gia đình. Khi gắn bó với người đàn ông ngoài địa phương của mình, người phụ nữ được tiếng là có đức hạnh. Sau đó, nhiều phụ nữ vẫn tiếp tục giúp đỡ gia đình ruột thịt của mình với ý thức trách nhiệm và thông cảm bằng cách gửi tiền về cho gia đình.[11] Nói cách khác, sự khấm khá của nhiều gia đình trong vùng nhờ tiền con gái lấy chồng xa gửi về hoàn toàn phù hợp với lô-gic của việc tích luỹ đạo đức của người phụ nữ.

Trái ngược với sự mô tả của các nhà kinh tế về nền kinh tế nông thôn là một dự án tích luỹ vật chất, những ví dụ này cho thấy người dân nông thôn đang tích đức: dù đó là chữ tín, điều tốt, hay đức hạnh. Tôi xin gợi ra rằng những lô-gic đạo lý này không phải là biệt lập, và cũng không phải là thờ ơ. Uy tín đạo đức mà người dân nông thôn tích gây dựng được được quý trọng ở địa phương và được thừa nhận ở ngoài các địa phương đó. Hơn nữa, tôi cho rằng đây không phải là tàn dư của các truyền thống, hay là sự chuyển đổi nhất thời từ địa vị luân lý thành hàng hoá, mà đó là chìa khoá của sự vận hành kinh tế ở vùng này. Cùng với cách nhìn này, chúng ta có thể thấy đạo đức là cái gì đó được tích luỹ bởi các tác nhân mà tới nay vẫn rất tính toán vì sự thành đạt về đạo đức của họ là thước đo chân thực vị trí xã hội của họ. Thúc đẩy lợi ích của mình vì yêu cầu đạo đức, thì thành công của họ làm cho yêu cầu này có thêm sức mạnh và hợp lý hơn. Và mặc dù lô-gic này không phải là vật chất, nó vẫn có thể mang lại lợi ích vật chất. Vì thế, các chiến lược này vẫn đứng vững được. Nó bao gồm phương tiện để các gia đình và cộng đồng tiếp cận được các nguồn lực vật chất, đồng thời cải thiện tình trạng an toàn xã hội và uy tín của mình.

Tiến trình hiện đại hoá bản địa

Trong số những thành đạt quan trọng nhất của người dân nông thôn đồng bằng sông Mê Kông có sự thích nghi khéo léo của họ với môi trường sông nước đặc thù của mình. Nhà cửa được làm trên mức nước cao nhất trên các cọc gỗ tràm có sẵn ở địa phương. Cây dừa nước được dùng để kè bờ sông và lá dùng để lợp mái và làm tường nhà. Người dân ở đây chuộng xuồng hơn xe máy và xe đạp. Chợ nổi, các dịch vụ và hoạt động kinh tế khác nhau được thực hiện trên mặt nước. Người dân sống theo mùa. Mùa lũ, người dân ở phía tây vùng đồng bằng chuyển từ nông nghiệp sang đánh bắt cá, khi đó rất dồi dào. Loài cá linh di cư được dùng làm nước mắm và làm thức ăn cho cá tra nuôi lồng. Lưới được rải dọc bờ sông và vắt ngang các cửa sông để bắt cá hàng ngày theo thuỷ triều. Vào mùa cạn, người dân bắt ốc, cua, ếch, các loại cây mọc dưới nước và bắt chuột, lươn, chim trời. Vào mùa mưa theo gió mùa, dân vùng ven biển trồng lúa. Vào mùa khô, khi nước mặn tràn vào đồng, họ chuyển sang đánh cá, làm muối, nuôi tôm, bắt sò và làm các công việc phi nông nghiệp khác.

Vì sự lệ thuộc của mình vào nước, người dân ở đồng bằng sông Mê Kông thường được xem là gần gũi với thiên nhiên, và điều chỉnh theo các chu kỳ của thiên nhiên. Điều này cũng thường được dùng để giải thích cho thiên hướng tôn giáo của họ, như là một phương cách để cầu an với thiên nhiên uy nghiêm ở một vùng biệt lập và lạc hậu về kỹ thuật. Các lễ hội tôn giáo lớn nhất ở vùng này, Hội Bà Chúa Xứ và các lễ hội Khmer Chol Chnam Thmei và Ok Om Bok được tiến hành theo mùa vụ, diễn ra vào đầu mùa mưa và cuối mùa lụt, là lúc khởi đầu và kết thúc mùa gieo trồng truyền thống. Các lễ hội này được mô tả trong văn học dân tộc Việt Nam là lễ tạ tội với thần linh và các lễ tạ ơn trong nông nghiệp.[12] Tuy nhiên,  một số thần không dễ làm nguôi lòng. Thần nước Bà Thuỷ chỉ huy toàn bộ sông ngòi trong vùng và người ta nói bà còn cao chức hơn cả Long Vương, người trị vì phần còn lại của đất nước. Bà là người bí hiểm, tính đồng bóng và tàn ác. Mọi người cúng tế bà, nhưng không dám nói đến tên bà. Người ta thì thào rằng những người chết đuối trong các trận lụt đầu thế kỷ này là đi gặp Bà Thuỷ.

Một cách giải thích sự tồn tại dai dẳng của tôn giáo ở Việt Nam trong thời đại hiện đại này là người dân nước này đã bị mất phương hướng trong quá trình chuyển đổi sang một thế giới xa lạ được đại diện bởi kinh tế thị trường.[13] Cũng vì điều được gọi là thiếu quan điểm khoa học hiện đại, nhiều người dân ở nông thôn Việt Nam tìm đến thần thánh để được giúp đỡ vượt qua bệnh tật, thời tiết không thuận, giá cả biến động mà các nhà hoạch định kế hoạch của chính phủ đã thừa nhận là làm phức tạp thêm sự không chắc chắn của tăng trưởng dựa trên thị trường.[14] Các nghiên cứu về nhân chủng học và lịch sử về đồng bằng sông Mê Kông đưa ra trường hợp rất thuyết phục rằng sức mạnh và sức sống đặc biệt của  mạng lưới tôn giáo ở vùng đồng bằng này gắn chặt với sự tiếp xúc dữ dội với các tác động của thị trường toàn cầu.[15] Phải chăng đồng bằng sông Mê Kông tiêu biểu cho một trường hợp hội nhập với thị trường mà không có hiện đại hoá? Liệu chúng ta có thể dự báo sự giảm sút của tình trạng dựa vào tinh thần ở đây với các nỗ lực của nhà nước nhằm hiện đại hoá cả khu vực này bằng các chương trình mục tiêu nâng trình độ công nghệ và khoa học lên ngang tầm với cả nước được không?

Trường hợp của tỉnh An Giang, nơi mà sự hội nhập mãnh liệt vào thị trường song hành với cuộc sống tôn giáo cực kỳ sôi động, có vẻ như hỗ trợ cho cách suy nghĩ này. An Giang bị ngăn cách khỏi cả nước bởi một nhánh sông Mê Kông. Phần lớn tỉnh này hàng năm ngập nước vài ba tháng. Khi nước rút thường để lại những vũng bùn có độ a-xít cao. Đường xá bị lũ cuốn trôi, khu dân cư bị ngập trong xình lầy, trẻ em bị chết đuối. Nước sạch sinh hoạt và phương tiện lọc nước thiếu. Dưới hạ lưu dọc theo sông Mê Kông, những đợt nước mặn xâm nhập hàng năm vào mùa khô tác hại tới năng suất lúa và không thể trồng cây ăn trái. Để giải quyết các vấn đề này, mặt đất sông Mê Kông đang được cải tạo trên quy mô lớn. Đang có những cố gắng tẩy nước a-xít khỏi các vùng đầm lầy, kiểm soát lũ lụt và ngăn chặn sự xâm nhập của nước mặn bằng những con đê và hệ thống cửa cống, xây dựng cầu đường, tôn cao nền, ngăn lũ và củng cố các khu dân cư.[16] Tuy nhiên nhiều vùng ở đồng bằng sông Mê Kông vẫn chưa thấy được lợi ích của các nỗ lực hiện đại hoá tốn kém này. Cũng như các vùng cao nguyên và nông thôn khác, nơi mà thiên tai, tỷ lệ tử vong ở trẻ em cao, bệnh tật thường xuyên xảy ra, An Giang có vẻ đang bị làm suy yếu vì thiếu sự phát triển công nghệ. Những khó khăn gặp phải ở vùng này có vẻ là vì có quá nhiều nước.

Tuy nhiên, nước lại là lợi thế chủ yếu của vùng này. An Giang là trung tâm của ngành nuôi cá tra xuất khẩu cần nhiều vốn và nghề đánh bắt cá nước ngọt phổ biến rộng lớn. Nền kinh tế thương mại xuyên biên giới năng động của tỉnh này dùng sông Mê Kông làm huyết mạch. Tỉnh có đội tàu thuyền đông đảo và đa dạng, và giao thông đường thuỷ đang phát triển từng ngày. Là tỉnh bị bao bọc bởi sông nước nhiều nhất Việt Nam, Cà Mau là nơi sản xuất và chế biến hải sản lớn nhất cả nước. Rạch Giá, tỉnh lỵ với chương trình đô thị hoá năng nổ và tham vọng nhất vùng đồng bằng, lại là nơi địa đầu xa xôi và bí hiểm nhất. Nước là lời lý giải cho sự bí hiểm này. Khu vực thành phố được mở rộng bằng lấn biển, bằng bùn nạo vét từ các kênh rạch. Có rất nhiều người muốn mua nhà ở các khu mới này với giá lên tới hai trăm ngàn đô la Mỹ một căn. Phần lớn số tiền mua nhà ở đây là từ ngành đánh cá biển ở Rạch Giá, khai thác các vùng biển trong Vịnh Thái lan. Mấy năm qua các đội tàu đánh cá phát triển nhanh chóng, chủ yếu nhờ nguồn tiền do người Việt sống ở nước ngoài gửi về. Rạch Giá có rất nhiều mối liên kết với cộng đồng người Việt ở nước ngoài vì gần biển.

Nếu coi nguồn nước dồi dào của vùng đồng bằng là “tự nhiên” tức là không thấy thực tế rằng vùng đồng bằng này là một trong các vùng nông thôn thay đổi nhiều nhất về công nghệ của Việt Nam. Phần lớn các tuyến đường thuỷ ở đây được nạo vét và mở rộng trong hơn một thế kỷ.[17] Hệ thống kênh mương tưới tiêu được mở rộng rất nhiều phục vụ nông nghiệp. Các rừng đước vùng ven biển bị quét sạch, các vỉa bùn bị nạo vét để làm sân muối và các ao nuôi tôm, các đầm lầy bị tát cạn để không ngừng mở rộng đồng lúa. Một lượng phù sa khổng lồ bị xúc khỏi lòng sông rạch để đắp khác khu dân cư, đường xá và khu vực trồng cấy. Ao hồ được đào để nuôi cá, giếng được khơi lấy nước. Các dòng chảy bị khống chế bởi hệ thống của cống và đê, và các dòng chảy mới được tạo ra bởi bơm máy. Những thay đổi này làm tăng số dân vùng đồng bằng và tạo nên năng xuất to lớn ở đây. Theo ý kiến của nhiều người dân vùng này, thì đây cũng chính là nguyên nhân chủ yếu của nhiều vấn đề.

Các hoạt động tôn giáo rất phổ biến ở vùng đồng bằng cũng phản ánh tính phực tạp về kinh tế và xã hội của nó. Hội Bà Chúa Xứ thu hút không chỉ nông dân mà cả các thương nhân mua bán sản phẩm của họ, cũng như những người bán lẻ, các nhà bán xỉ, và công nhân vận tải và dịch vụ. Những chủ nợ cầu Bà phù hộ họ thu được nợ, và con nợ thì cầu Bà độ trì để có thể trả nợ đúng hạn.[18] Những người đầu tư nuôi tôm thì cầu Bà Thuỷ phù hộ để những con tôm xuất khẩu quí giá của họ không chết vì dịch bệnh. Những người đầu cơ đất xin bùa của các thấy cúng Khmer để có được giá đất tốt và trừ tà khỏi các mảnh đất đó, hồn ma của những người thân của chủ đất cũ mà người mua đất không nợ nần gì. Những người đi xe máy xin bùa của các thầy phù thuỷ Khmer để xua đuổi hồn ma của các nạn nhân tai nạn giao thông mà người ta tin là nguyên nhân gây ra hầu hết các vụ tai nạn chết người.[19] Không phải là phản ánh lối suy nghĩ hiện đại, chỗ dựa tôn giáo của người dân vùng đồng bằng lại được sử dụng để giải quyết nhiều vấn đề do hiện đại hoá gây ra.

Hầu hết người dân địa phương trông mong vào sự phát triển công nghệ cho địa phương họ, chia sẻ quan điểm của chính phủ về tương lai, nhưng đồng thời phản ánh những ưu tiên của địa phương phát sinh trong lịch sử. Các dòng sông mà hầu hết người dân ở đây sống dọc hai bên bờ cũng là các tuyến đương giao thông, thương mại và giao lưu. Mặc dù phía sau mỗi ngôi nhà đều là ruộng lúa, vườn cây hay ao cá, nhưng phía trước nhà nối với một con đường thuỷ. Tôn giáo ở vùng đồng bằng sông Mê Kông, đạo Cao Đài hổ lốn là một ví dụ nổi bật, phản ánh mối bận tâm ở địa phương vì vay nợ, sự xáo trộn, và mối quan hệ phù hợp với các sống cởi mở này. Ngày nay ở vùng đồng bằng sông Mê Kông, tràn ngập sự phấn khỏi với việc xây dựng thêm đường xá và cầu cống. Người dân sẵn sàng từ bỏ các kênh rạch để đến sống dọc hai bên lộ. Một cây cầu mới xây nhanh chóng trở thành nơi tụ họp của người dân địa phương và địa danh hành hương cho những người từ nơi xa đến. Mặc dù được mô tả là một hình thức hiện đại hoá, khát vọng của người dân địa phương đối với các con đường chỉ là biểu hiện gần đây nhất của sự nhấn mạnh lâu dài ở địa phương đối với giao thông.[20]

Sự thích nghi về môi sinh của các vùng nông thôn Việt Nam mỗi vùng rất khác nhau. Một điều mà người ta có thể thấy từ trường hợp của đồng bằng sông Mê Kông là nếu coi sự khác biệt về môi sinh là sự kém phát triển hay lạc hậu là sai lầm. Xây dựng hạ tầng cơ sở trên mặt đất không nhất thiết đồng nghĩa với hiện đại hoá và mở cửa, cũng như các thiên hướng tôn giáo không có nghĩa là lạc hậu và biệt lập. Vì vậy, một cách để cải thiện địa vị thị trường của người nông thôn là hiểu và thúc đẩy sự thích nghi về sinh thái và kinh tế chứ không phải là tìm cách cải tạo chúng theo một cách nhìn đơn nhất về hiện đại hoá.

(còn tiếp)

Bản tiếng Việt © 2010 Đặng Thế Truyền/JVS

Bản tiếng Việt © 2010 talawas


[1] James C. Scott, The Moral Economy of the Peasant (New Haven, CT: Yale University Press, 1976).

[2] Samuel L. Popkin, The Rational Peasant: The Political Economy of Rural Society in Vietnam (Berkeley and Los Angeles: University of California Press, 1979); Hy Van Luong, Revolution in the Village: Tradition and Transformation in North Vietnam, 1925–1988 (Honolulu: University of Hawai‘i Press, 1992).

[3] MDPA, Mekong Delta Poverty Analysis First Milestone Report, 23.

[4] Victor Purcell, The Chinese in Southeast Asia (London: Oxford University Press, 1951), 240.

[5] MDPA, Mekong Delta Poverty Analysis First Milestone Report, 23.

[6] Hong-zen Wang and Shu-ming Chang, “The Commodification of International Marriages: Cross-border Marriage Business Between Taiwan and Viet Nam,” International Migration 40, no. 6 (2002): 93–116.

[7] Werner, “Gender, Household and State”; Nguyen-Vo Thu-Huong, “Governing Sex: Medicine and Governmental Intervention in Prostitution,” in Gender, Household, State: Doi Moi in Vietnam, eds. Jayne Werner and Daniele Belanger (New York: Cornell University Southeast Asia Program, 2002), 129–151.

[8] Helle Rydstrom, Embodying Morality: Growing up in Rural Northern Vietnam (Honolulu: University of Hawai‘i Press, 2003).

[9] Philip Taylor, “Social Inequality in a Socialist State,” in Social Inequality in Vietnam and the Challenges to Reform, ed. Philip Taylor (Singapore: Institute of Southeast Asian Studies, 2004), 16.

[10] Taylor, Goddess on the Rise, 278.

[11] Ibid., 107–109.

[12] Thạch Voi, “Tín ngưỡng tôn giáo của người Khmerr vùng đồng bằng sông Cửu long,” trong Văn Hóa Người Khmerr Vùng Đồng bằng Sông Cửu Long, ed. Trường Lưu (Hà Nội: Văn Hóa Dân Tộc, 1993), 39–70; Huỳnh Quốc Thắng, Lễ Hội Dân Gian ở Nam Bộ (Hà Nội: Văn Hóa Thông Tin, 2003).

[13] Le Hong Ly, “Praying for Profits: The Cult of the Lady of the Treasury” (Tài liệu trình bày tại hội nghị hàng năm của Hiệp hội Nghiên cứu châu Á, Chicago, ngày 23 tháng 3 năm 2001), 33.)

[14]MPI, The Five-Year Socio-Economic Development Plan, 2006–2010, 9. Giải thích tôn giáo là cách để chống trọi với sự thất thường của thiên nhiên và các cuộc khủng hoảng, tình trạng không chắc chắn do quá trình hội nhập thị trường gây ra được thảo luận trong tác phẩm của Taylor: Goddess on the Rise, tr 34-35, 91-95.

[15] Hue-Tam Ho Tai, Millenarianism and Peasant Politics in Vietnam (Cambridge, Mass: Harvard University Press, 1983); Pierre Brocheux, The Mekong Delta: Ecology, Economy and Revolution, 1860–1960 (Madison: University of Wisconsin-Madison Center for Southeast Asian Studies, Monograph Number 12, 1995); Thien Do, Vietnamese Supernaturalism; Taylor, Goddess on the Rise; Taylor, Cham Muslims of the Mekong Delta.

[16] Philip Taylor, “Rivers into Roads: The Terrestrialisation of a Southeast Asian River Delta,” in Water: Histories, Cultures, Ecologies, eds. Marnie Leybourne and Andrea Gaynor (Perth: University of Western Australia Press, 2006), 38–52.

[17] David Biggs, “Problematic Progress: Reading Environmental and Social Change in the Mekong Delta,” Journal of Southeast Asian Studies 34, no. 1 (2003): 77–96.

[18] Để có thông tin đầy đủ về các tập quán này, xem tác phẩm của Taylor, Goddess on the Rise, tr. 85-90.

[19] Thêm các ví dụ về sự  kiềm chế thế giới tâm linh bị qui cho người dân tộc Khmer và Chàm được thảo luận trong tác phẩm của Taylor, Cham Muslims of the Mekong Delta, 112–120; “Taylor, “Apocalypse Now?” 344-349.

[20] Taylor, “Rivers into Roads.”

Philip Taylor – Chính sách yếu kém, nông dân giàu có: Hành trình cong của quá trình phát triển nông thôn ở Việt Nam (kỳ 5)

Đặng Thế Truyền dịch

Những hoạt động trong và ngoài nghề nông

Nông thôn không chỉ là nơi canh tác nông nghiệp, mà còn nhiều hoạt động khác nữa. Những hoạt động ở làng Châu Giang, từ Châu Đốc qua sông Hậu đến một hòn cù lao chỉ có thể đi lại bằng thuyền, cho chúng tôi thấy một loạt cách thức kiếm sống của người dân nông thôn. Cuộc sống ở đây gồm các cửa hàng lương thực, kể cả rau và các quầy giết mổ gia súc theo phong tục đạo Hồi, những người bán thực phẩm cố định và lưu động; những nơi giải trí như quán rượu đế, quán cà-phê video, và các phiên chợ nổi; các quầy tạp hoá và dịch vụ như buôn chuyến, dịch vụ vận tải đường bộ và đường sông, cho thuê điện thoại công cộng, cho thuê thiết bị karaoke, bán vé số, cho vay, dịch vụ ảnh và video, cho thuê bàn ghế và dịch vụ sửa chữa; các nghề chủ yếu do phụ nữ làm như dệt, nhuộm vải, may, thêu, làm đầu, việc nội trợ; làm việc cho chính phủ, sản xuất và chế biến như đóng đồ gỗ, đóng quan tài, đóng thuyền, xây nhà, chế thuốc nam, làm nước đá, và chế biến thực phẩm (sản xuất nước mắm và chượp); các công việc điền thổ như đào mương và nạo vét sông; chăn nuôi (đại gia súc, lợn, gà, vịt); nuôi trồng thuỷ sản ngoài đồng, kênh mương, ao hồ, nuôi thuỷ sản trong lồng hay trên bè nổi; săn bắn và thu lượm các loại thuỷ sản; đánh bắt cá bằng lưới, bằng xiên, lờ đó và trồng cấy lúa, đậu tương và ngô. Thực tế tất các các loại công việc này, ngoài những việc làm cho chính phủ, là hoạt động của hộ gia đình, dưới sự phân công của những người trong họ hàng.

Như chúng ta đã thấy, một trong các mục tiêu của các chính sách công nghiệp hoá nông thôn là xây dựng các ngành công nghiệp tạo giá trị gia tăng và sử dụng nhiều lao động ở các vùng nông thôn. Lợi thế so sánh của các vùng không thuận tiện cho nhà đầu tư này nói chung là khả năng tiếp cận với sản phẩm đầu ra của nông nghiệp, chăn nuôi và rừng. Điều đó dẫn tới việc tập trung vào chế biến nông sản, và coi đó là mục tiêu đặc biệt của các kế hoạch công nghiệp hoá nông thôn. Tuy nhiên, như trường hợp của Châu Giang cho thấy, canh tác không phải là hoạt động duy nhất ở các vùng nông thôn. Tương tự như vậy, các hoạt động tạo ra giá trị và sử dụng lao động ở vùng nông thôn không chỉ hạn chế trong lĩnh vực chế biến nông sản.

Một số hoạt động thu hút nhiều lao động nông thôn nhất không phải là các ngành sản xuất mà là các ngành dịch vụ phục vụ tiêu dùng. Ví dụ, khách du lịch ở vùng đồng bằng sông Mê Kông có thể ẩm thực ở một dãy nhà hàng rộng như nhà kho với quy mô công nghiệp mọc lên giữa các trung tâm dân số, phục vụ các món ăn địa phương sạch sẽ, nhiều dinh dưỡng, nhanh và rẻ. Mỗi nhà hàng thuê một đội quân nhỏ người lao động. Những nhà hàng này đồng thời là nơi bày bán nhiều loại đặc sản đã chế biến của các gia đình địa phương. Trên quy mô nhỏ hơn nhưng đông đảo hơn là hàng ngàn quán cà-phê dọc hai bên đường giao thông ở vùng đồng bằng, và tụm lại ở những chỗ đường giao nhau, ở ngã ba sông và chợ. Do phụ nữ quản lý, các quán cà phê lớn thuê tới vài phụ nữ. Chợ cũng là nơi cung cấp nhiều việc làm cho phụ nữ. Mỗi xã có ít nhất một chợ với nhiều quầy hàng, ngoài ra còn có các chợ ngoài trời với các quầy bán hàng lặt vặt. Cuối cùng, nhiều nơi ở đồng bằng sông Mê Kông đang tự biến thành nơi đến của khách du lịch quốc tế và trong nước. Những người địa phương khéo léo quay những chiếc bàn theo mẫu của người ngoài cuộc của vùng đồng bằng, tự tiếp thị mình là đại diện của sự mộc mạc của thiên nhiên, của nền văn hoá nông thôn đích thực, của các truyền thống không thay đổi và kinh nghiệm tôn giáo đã được nâng cao.

Các làng nghề thủ công ở đây không phát triển bằng ở châu thổ sông Hồng. Tuy nhiên có một số vùng tập trung các ngành nghề khác nhau, sử dụng các kỹ thuật đặc biệt và nguồn lực địa phương. Một trong những trung tâm như vậy ở gần Sa Đéc, thực sự là ở giữa trung tâm của đồng bằng, tại đó tập trung người làm nghề sản xuất hương, gạch nung, ngói, kho gạo, ươm cá giống, chế biến thực phẩm, sản xuất kẹo sữa, trồng hoa và cây cảnh để bán. Một số vùng chuyên đóng thuyền với quy mô lớn, như Phụng Hiệp ở tỉnh Cần Thơ. Nhiều vùng khác tập trung vào chế biến và phân phối chỉ một đặc sản địa phương, như rượu đế, kẹo dừa hay cá muối, hoặc phục vụ một món đặc biệt như thịt cầy bảy món hay hải sản.

Một vài ngành công nghiệp nông thôn quan trọng nhất không cố định ở một nơi. Vận tải là một ngành như vậy. Ngành này rất phát triển ở vùng nông thôn và sử dụng nhiều lao động, từ lái xe, phụ xe, đến người bán vé, thợ sửa chữa và người bán hàng ở bến xe. Bất chấp việc làm đường đang diễn ra, vận tải thuỷ vẫn là ngành sử dụng nhiều lao động nhất ở đồng bằng sông Mê Kông, như trong trường hợp các ngành công nghiệp dựa trên sông nước, ví dụ khai thác phù sa, thuỷ sản và đánh bắt cá. Một trong những con đường chắc chắn nhất đi đến giàu có ở khu vực là chiếm được vị thế độc quyền trong nền kinh tế lưu động này. Trong số những người giàu nhất ở đồng bằng là chủ các trạm xăng, chủ đội xe hay tàu thuyền, người buôn xe máy, chủ nhà kho, các đội lao động dịch vụ lưu động, các nhà thầu san lấp mặt bằng và vận chuyển đất, và như nhiều người dân địa phương chứng nhận, là cảnh sát giao thông.

Người dân Châu Giang thực hiện các hoạt động kinh tế gia đình đa dạng, mà nhiều cấu phần của nền kinh tế đó liên tục được điều chỉnh để phù hợp với tình hình luôn biến đổi tại địa phương và nơi khác. Ví dụ việc bán mũ thêu sang Malaysia gần đây đã thay thế cho nghề dệt khăn để bán cho các cộng đồng Khmer nông thôn. Các hộ gia đình giữ lại một mảnh đất nhỏ để tự cung tự cấp, nhưng đó ít khi là nguồn thu nhập chính. Vào bất kỳ lúc nào trong năm cũng có một phần lớn người Châu Giang đang làm ăn ở nơi khác: buôn bán hay làm thuê trong các ngành dịch vụ và chế tạo ở Châu Đốc hoặc nơi xa hơn. Vì vậy, thu nhập từ hoạt động buôn bán và làm đồ thủ công ở địa phương bổ sung thêm cho thu nhập từ các nơi khác. Những người buôn chuyến đặt cơ sở ở làng này để tìm hiểu một mạng lưới khách hàng nhất định ở một nơi nào đó, và mặt hàng họ bán thay đổi theo giá cả tại chỗ và nhu cầu của khách hàng. Những người buôn quần áo Chàm liên kết với nhà thờ Hồi giáo Mubarak ở Châu Giang có quan hệ chặt chẽ với nông dân Khmer sống cách xa đó 150 km tận Trà Vinh, mà họ bán chịu cho những người này dép cao su và áo sơ mi đã qua sử dụng. Khoản thu nhập từ các hoạt động này trợ giúp cho những người trong gia đình vẫn sống ở quê, cũng như giúp đỡ các cơ sở tôn giáo cộng đồng, những nơi dậy dỗ con em họ.[1]

Phần lớn sức sống của các vùng nông thôn Việt Nam là nhờ hoạt động trao đổi rất sôi động giữa họ với các trung tâm đô thị gần đó. Mỗi một trung tâm đô thị của Việt Nam đều gắn kết với một vùng nông thôn theo cách riêng. Thành phố Hồ Chí Minh là nơi tập kết hầu hết lượng hoa quả và gạo trồng ở vùng đồng bằng sông Mê Kông, phục vụ nhu cầu tiêu dùng, chế biến, tiếp thị và xuất khẩu. Nó đóng vai trò cửa ngõ chính về vốn, hàng tiêu dùng và dịch vụ nhập khẩu vào vùng đồng bằng. Thành phố và các khu công nghiệp xung quanh cũng sử dụng nhiều người nhập cư từ khu vực này. Một số người làm việc trong các nhà máy ở thành phố chế biến thực phẩm xuất khẩu được nuôi trồng ở quê hương họ, một số khác làm việc trong ngành dịch vụ ở thành phố như trường hợp của Khiên. Góp thêm giá trị cho các sản phẩm từ khu vực đồng bằng, những người dân nhập cư này cũng gửi tiền kiếm được ở thành phố về quê, góp phần nâng cao vị thế kinh tế, xã hội của vùng châu thổ. Dù khai thác nền giáo dục mà họ nhận được ở quê, gửi con về quê để người thân nuôi nấng, hay chăm sóc người ốm và người già trong gia đình, thì người dân đồng bằng sông Mê Kông vẫn phải dành một phần lớn thu nhập để trang trải các chi phí xã hội ngoài thành phố. Hiện người thành phố lo ngại rằng nến không giảm bớt thì dòng người nhập cư từ nông thôn sẽ làm phương hại tới mức sống của họ. Tuy nhiên, kinh tế nông thôn và thành thị đan xen vào nhau tới mức những gợi ý về việc tách biệt này, ngay dù có thể thực hiện được, cũng sẽ tự thất bại.

Chủ nghĩa xuyên quốc gia phi tập trung

Nói rằng hai thành phố lớn nhất của Việt Nam đã thay đổi lớn lao ở khu vực có những liên kết hội nhập toàn cầu và đa dạng này là điều không mới. Thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội là các trung tâm đầu tư nước ngoài và thương mại quốc tế, căn cứ của các công ty và tổ chức nước ngoài, địa điểm của những thử nghiệm hồ hởi và đầy thách thức với những nguồn ý tưởng mới, những ảnh hưởng về văn hoá và lối sống.[2] Ngược lại, nông thôn Việt Nam thường được mô tả là vùng sâu trong đất liền, vùng xa, biệt lập, và dù tốt hay xấu, tách biệt khỏi những tác động của thế giới bên ngoài.[3] Nhưng nếu chúng ta nhìn bản đồ, Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh cũng rất xa biên giới quốc tế. Vì hình dáng đặc biệt của mình, hầu hết vùng nông thôn Việt Nam gần với các nước khác hơn là các trung tâm được coi là đô thị. Những vùng được mô tả là “vùng sâu, vùng xa”, về ý nghĩa vật lý và địa lý thô thiển, ít xa xôi hơn những người dân đô thị.

Dân vùng đồng bằng sông Mê Kông không tiếp cận được các sân bay quốc tế. Hầu hết không có tiền đi máy bay. Tuy nhiên, họ rời quê hương mình thường xuyên hơn những người có điều kiện và khả năng đi máy bay. Ít người vùng đồng bằng này gặp được người đến từ Hà Nội, đừng nói là đến tận thủ đô, nhưng họ lại tận dụng hết lợi thế của họ trong việc ở gần biên giới. Căm-pu-chia tràn ngập người đến từ khắp nơi ở đồng bằng sông Mê Kông. Biên giới này rất dễ qua lại, không cần giấy thông hành chính thức, và lái thương, công nhân qua lại biên giới rất nhộn nhịp theo cả hai hướng. Thông tin không phải là vấn đề. Nhiều người ở đồng bằng sông Mê Kông nói được tiếng Khmer của Căm-pu-chia và tiếng của người Tèo Châu. Những người không nói được hai thứ tiếng này thì dùng tiếng Việt, được sử dụng rất phổ biến ở đó. Trinh, một cô gái 23 tuổi từ tỉnh Bạc Liêu, không biết viết tiếng Việt. Nói thành thạo tiếng Quảng Đông và tiếng Khmer, cô làm việc tại một quá cà phê Trung Quốc tại Phnôm Pênh để kiếm tiền cho em cô ở Bạc Liêu học tiếng Việt, và dành dụm cho kế hoạch đi thăm miền nam Trung Quốc của bản thân cô.

Người Chàm ở tỉnh An Giang là người đi lại nhiều nhất trong khu vực đồng bằng. Mặc dù họ sống ở những cụm dân cư nhỏ bé trên các cù lao ở sông Mê Kông, và nổi tiếng là khép kín, người Chàm thường xuyên sang Căm-pu-chia, Thái Lan và Malaysia. Đã nhiều đời nay, qua các chuyến du ngoạn với tư cách là học giả tôn giáo, họ đã tới các nước này, và là người hành hương, tới cả Trung Đông. Đi bán hàng rong, mỗi lần đi họ vắng nhà hàng tháng trời, đến tất cả các tỉnh ở đồng bằng sông Mê Kông, thành phố Hồ Chí Minh, đồng bằng miền Trung, vùng cao nguyên, đồng bằng sông Hồng, và sang tận Trung Quốc. Trong các chuyến đi ở địa phương và đi xa, họ vận chuyển trong một mạng lưới xuyên quốc gia bao gồm phần lớn Đông Nam Á và xa hơn nữa. Họ nói thạo tiếng Việt, một số người mà tôi gặp nói được bảy thứ tiếng và viết được ba bốn thứ tiếng. Chính sách của các chính phủ Malaysia, Thái Lan và Căm-pu-chia cũng quan trọng đối với họ như mối quan hệ họ duy trì với các trung tâm văn hoá và kinh tế của Việt Nam: các thành phố Hà Nội và Hồ Chí Minh.[4]

Một địa điểm tập trung nhiều người nông thôn Việt Nam nữa là vùng đồng bằng dọc theo ven biển. Australia đã trở thành tổ ấm cho một số đông người đến từ các vùng ven biển Việt Nam, từ Hà Tiên đến Quảng Ninh. Những người này sống trên biển, có tàu thuyền, thạo việc đi biển, và khi cuộc sống ở Việt Nam trở nên quá khó khăn, nhiều người đã nhổ neo tìm đến một bến đậu khác ở khu vực, như Hồng Kông, Indonesia hay Philippine, và từ đó tới Australia. Khi làm như vậy, họ vẽ lại các tuyến đường biển mà nó kéo lùi thời gian của sự hội nhập của họ vào khu vực trong phạm vi lãnh thổ Việt Nam. Toàn bộ bờ biển Việt Nam mang dấu ấn của làn sóng xuyên đại dương gần đây nhất. Nhà, xe cộ, tàu thuyền, nhà kho, các cơ sở chế biến mới và tất cảc doanh nghiệp thuộc đủ loại đã được mua sắm, xây dựng bằng tiền của những người ra đi gửi về. Tài sản và quyền lực của các quan chức địa phương ở vùng ven biển cũng được nâng lên bởi các giao dịch trên nước này, mà các nhà nghiên cứu lịch sử nói rằng có tầm quan trọng cốt tử đối với sự hình thành quốc gia trong nhiều thế kỷ.[5]

Tình hình ở vùng núi Trung bộ Việt Nam, vùng đông bắc và tây bắc cũng tương tự như vậy. Người Hmong, người Dao, người Thái, người Kinh, người Lào và người Hán nằm trong số rất nhiều người vượt qua các biên giới của Việt Nam, Vân Nam và Lào.[6] Rừng núi không ngăn cản được sự di chuyển qua biên giới, hiện vẫn tiếp diễn với các mô hình di cư và thương mại cổ xưa, bất chấp các chính sách định cư. Sự di chuyển này phát huy các mạng lưới hiện tại, kiến thức của nhiều địa phương, và làm quen với các ngôn ngữ được sử dụng ở hai bên khác nhau đường biên giới. Những người sống ở đồng bằng sông Hồng có thể tiếp cận vài cửa khẩu biên giới với Trung Quốc, mà qua đó con người và hàng hoá lưu thông không chính thức, đôi khi với sự giúp đỡ của chính quyền địa phương.[7] Có những mối quan hệ xã hội và văn hoá sâu sắc giữa phần lớn vùng nông thôn bắc Việt Nam với các nước trong khối Xô-viết cũ, một cuộc hành trình của chủ nghĩa xuyên quốc gia không có ở phần phía nam của đất nước.

Theo cách nhìn của hầu hết người dân nông thôn Việt Nam, nơi mà người dân bị cuốn hút vảo các mạng lưới xuyên quốc gia đa dạng và có nhiều kinh nghiệm về đô thị, thì có vẻ chính người dân ở Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh lại xa xôi, cách biệt và thiếu sự hiểu biết về các ngôn ngữ và văn hoá khác nhau. Nếu coi nông thôn là kém cỏi so với các trung tâm đô thị được công khai thừa nhận là có tính thế giới hơn, tức là không nhìn thấy những mạng lưới xuyên địa phương rõ biệt thông qua đó các vùng nông thôn hội nhập với nhau. Sự giàu có của nông thôn Việt Nam trong các mối liên kết xuyên quốc gia không chỉ góp phần vào sự năng động kinh tế của đất nước mà còn đóng góp cho sự đa dạng văn hoá mà nhờ đó Việt Nam rất nổi tiếng.

Quả vậy, một giải thích quan trọng về đặc tính thế giới của các thành phố của Việt Nam là các vùng đô thị này đã được định cư bởi người nông thôn để mở rộng và bổ sung cho các mạng lưới xuyên biên giới. Thành phố Hồ Chí Minh là nơi là nơi các cô gái nông thôn đồng bằng sông Mê Kông có thể gặp người chồng tương lai của mình từ nông thôn Đài Loan, hay là nơi số sinh viên tiếng Trung ngày càng đông đến dự thi môn tiếng Trung. Đó là nơi người Hồi giáo từ An Giang gặp gỡ các đạo hữu từ Malaysia và nhận tài trợ từ A-rập Xê-út để đến Mecca và tôn tạo nhà thờ Hồi giáo ở quê hương họ. Các nhà sư Khmer từ Sóc Trăng tụng kinh Phạn tại hai chùa Khmer chính của thành phố cầu siêu cho những người thân ở nước ngoài đã quá cố của dân thành phố. Những người dân ở “quận tây ba lô” Phạm Ngũ Lão, mà nhiều người trong đó xuất thân từ các vùng nông thôn ven thành phố Hồ Chí Minh, học tiếng Anh bằng cách tiếp xúc với khách du lịch ít tiền tại nơi làm việc của mình. Mặc dù thường là vô hình và đôi khi bị mang tiếng xấu, những mạng lưới xuyên biên giới được duy trì bởi người nông thôn ở vùng đô thị của Việt Nam đóng góp to lớn vào sức sống và bản sắc của cuộc sống đô thị. Nếu bỏ nó đi, có thể người ta sẽ chẳng còn lại được gì đáng kể.

(còn tiếp)

Bản tiếng Việt © 2010 Đặng Thế Truyền/JVS

Bản tiếng Việt © 2010 talawas


[1] Để có thêm chi tiết về các hoạt động kinh tế xuyên địa phương của người Châu Giang và các khu định cư người Chàm kề bên, xem tác phẩm của Taylor, “Economy in Motion: Cham Muslim Traders in the Mekong Delta,” The Asia Pacific Journal of Anthropology 7, no. 3 (2006): 237–250.

[2] Lisa Drummond and Mandy Thomas, eds., Consuming Urban Culture in Contemporary Vietnam (London and New York: RoutledgeCurzon, 2002).

[3] Để có thêm hình ảnh về đô thị và nông thôn Việt Nam, xem tác phẩm của Taylor.

[4] Ý kiến thảo luận này cũng tóm tắt các lập luận nêu trong tác phẩm của Taylor.

[5] Nola Cooke and Tana Li, eds., Water Frontier: Commerce and the Chinese in the Lower Mekong Region, 1750–1880 (Boulder, CO: Rowman and Littlefield, 2004); Charles Wheeler, ‘Rethinking the Sea in Vietnamese History: Littoral Society in the Integration of Thuận-Quảng, Seventeenth-Eighteenth Centuries,’ Journal of Southeast Asian Studies 37, no. 1 (2006): 123-153.

[6] Để thấy bức tranh về sự di chuyển qua biên giới, xem tác phẩm của Đậu Tuấn Nam, “Tình hình di dân tự do của người Hmông ở miền tây Thanh Hóa và Nghệ An hiện nay,” Dân Tộc Học 3, no. 141 (2006): 30–35.  Một số nghiên cứu về các mạng lưới xuyên biên giới của người Kinh, Hán và Hmong ở vùng núi bắc bộ có trong tác phẩm của Grant Evans, Christopher Hutton và Kuah Khun Eng, eds., Where China Meets Southeast Asia: Social and Cultural Change in the Border Regions (Copenhagen: NIAS, 2000). Đồng thời xem Mekong Migration Network and Asian Migrant Center, Resource Book: Migration in the Greater Mekong Sub-Region, 2nd ed. (Hong Kong: Asian Migrant Centre, November 2005).

[7] Xem phần sự đóng góp của thương mại biên giới Việt-Trung trong tác phẩm của Evans và các tác giả khác. Where China Meets Southeast Asia, 72-97; 236-253.

Philip Taylor – Chính sách yếu kém, nông dân giàu có: Hành trình cong của quá trình phát triển nông thôn ở Việt Nam (kỳ cuối)

Đặng Thế Truyền dịch

Một kho tàng kiến thức

Trong số những cách giải thích cho tỷ lệ đi học thấp ở đồng bằng sông Mê Kông là ý cho rằng người dân ở đây coi lòng hào phóng tự nhiên mà họ được thừa hưởng là điều đương nhiên làm cho họ lười nhác và không biết tính toán. Nói cách khác, họ là người cơ hội – quá bận rộn làm giàu hiện nay đến mức không có thì giờ để nghĩ đến tương lai. Người ta cũng gợi ra rằng vùng này (giống như vùng cao nguyên) không có truyền thống học hành, so với vùng được cho là trung tâm văn hoá ở đồng bằng sông Hồng.[1] Các cách giải thích này cho rằng hệ thống giáo dục của nhà nước là nơi duy nhất để truyền bá kiến thức. Tuy nhiên, một lý giải khác về tình trạng tại sao học sinh ở một số vùng, nhóm xã hội, hoặc nghề nghiệp có thể không đến trường vì họ có thể tiếp cận các hình thức truyền bá và trao đổi kiến thức không chính thức khác. Đồng bằng sông Mê Kông đặc biệt phong phú về các hình thức truyền bá kiến thức thông qua tôn giáo, dân tộc và chú trọng vào giới mà kiến thức đó được điều chỉnh một cách tinh tế phù hợp với điều kiện địa phương. Sự phong phú này là các nguồn tri thức không chính thức – rất quen thuộc với các nhà nghiên cứu nhân chủng học và lịch sử, nhưng bị bỏ qua trong các cuộc nghiên cứu về phát triển – giúp lý giải nghịch lý của một khu vực có mức thu nhập cao nhất trong vùng nông thôn Việt Nam mặc dù tỷ lệ tham gia hệ thống giáo dục chính thức lại thấp nhất cả nước.[2]

Lấy trường hợp huyện Vĩnh Châu tỉnh ven biển Sóc Trăng làm ví dụ. Đó là huyện xuất khẩu gạo, rau quả và hải sản, nối liền với hai tỉnh lỵ bằng đường bộ và đường thuỷ. Tuy nhiên, rất ít người ở chợ huyện đi học quá một hai năm ở trường công. Nhiều người không viết được tiếng Việt ngoài họ tên và địa chỉ của mình. Có lẽ không mấy người trong huyện đọc được báo. Nhiều người ở vùng nông thôn Vĩnh Châu có thể nói tiếng Việt, thậm chí theo dõi được bản tin bằng tiếng Việt trên vô tuyến truyền hình – trong số những người có vô tuyến. Khi lần đầu tiên tôi đến Vĩnh Châu, một thanh niên ở đó nghĩ nhất định tôi phải là người Đài Loan. Anh ta đã nghe những chuyện về người từ nước đó tới quê anh để kiếm vợ, tuy anh chưa bao giờ gặp một người nào. Một người khác mà tôi nói chuyện với nghĩ rằng bắc Việt Nam là một nước.

Phải chăng một huyện như thế đang thiếu kiến thức? Vĩnh Châu có ba nhóm dân tộc, Kinh, Hoa và Khmer. Thành viên của mỗi nhóm dùng ngôn ngữ riêng của mình khi ở nhà, nhưng nhiều người nói thạo cả hai thức tiếng kia. Mọi người thường dùng thổ ngữ Tèo Châu của tỉnh Quảng Đông để giao dịch với nhau. Tèo Châu là ngôn ngữ chính được sử dụng ở chợ. Tôi không biết tiếng này, nhưng người Khmer dùng tiếng đó nói với tôi, tưởng rằng tôi cũng biết.

Thanh thiếu niên Khmer học trong trường đạo của họ tới 12 năm. Họ học về đạo Phật: lịch sử, triết lý, ngụ ngôn và tâm lý học Phật giáo. Ngôn ngữ dùng trong nhà trường là tiếng Khmer. Họ học đọc và viết tiếng Phạn, ngôn ngữ của kinh phật. Họ học đọc và viết cả tiếng Khmer, cùng các môn toán, địa lý và tiếng Việt. Ở một ngôi trường gần làng nhất, họ còn học cả tiếng Tèo Châu. Trong số bốn ngôn ngữ được học, hầu hết khá tiếng Khmer nhất. Vì các tu viện chỉ dạy chương trình tiếng Phạn từ một đến hai năm, học viên đến các tu viện khác để học các môn họ cần. Khi học xong lớp đó, họ lại chuyển đến một tu viện khác nữa ở Sóc Trăng hay một tỉnh khác. Người ta thấy sư từ các tỉnh trong vùng đồng bằng tập trung vào các tu viện lớn trong vùng. Trong mạng lưới giáo dục rộng lớn gắn với nhau bằng tiếng Khmer này người ta có thể học rất nhiều môn, kể cả vi tính, tiếng Anh, dược học và du lịch. Mục tiêu của nhiều nhà sư là đi đến Thái Lan hay Miến Điện để nghiên cứu đạo Phật ở cấp đại học. Nhiều người sang Căm-pu-chia, mặc dù việc này không chính thức và có khó khăn.

Người Khmer bị nói là có trình độ văn hoá thấp nhất trong đồng bằng sông Mê Kông, và cần phải nâng trình độ lên bằng người Kinh. Ngược lại, tôi thấy họ là những người rất có giáo dục. Những nhà sư ở Vĩnh Châu nói được nhiều thứ tiếng hơn tôi, và hơn hầu hết những người bạn có giáo dục của tôi ở thành phố Hồ Chí Minh. Họ có tầm nhìn rộng và đi rất nhiều nơi. Những ngôn ngữ họ nói rất phù hợp với các ngữ cảnh của họ. Khó có thể hình dung họ có thể được trang bị tốt hơn thế nào nữa để đối phó với thực tế trong khu vực của họ. Trở ngại chính đối với họ là định kiến về điều được cho rằng những người láng giềng của họ được giáo dục tốt hơn. Tuy nhiên, không có gì là rõ ràng khi người ta nói rằng sự phát triển là họ phải tự điều chỉnh “tới trình độ đó”.

Hình thành những đối trọng với nhà nước

Khi xem xét con đường cuối cùng để phát triển nông thôn, chúng ta hãy nghiên cứu kỹ hơn các tu viện Phật giáo Theravada của người Khmer. Sau khi được đào tạo trong các thể chế được cộng đồng hỗ trợ này, các nhà sư trở thành người chủ hộ gia đình, giáo viên, và thủ lĩnh cộng đồng hoặc ở lại các tu viện tiếp tục làm giáo viên, thầy thuốc hay trưởng tu viện. Các tu viện đồng thời là trường học Khmer cho trẻ em địa phương, trạm y tế, ký túc xá cho người di cư, địa điểm cho những nghi lễ tôn giáo theo mùa hay các cuộc liên hoan tập thể, nơi nghỉ ngơi thư giãn cho người già, và nơi quàn hài cốt người quá cố. Đó cũng là nơi phân phối lại và phân phát của cải cho mọi người. Việc cúng tiến tài chính cho các tu viện làm tăng uy tín của những người giàu có trong cộng đồng. Người ta có được uy tín như vậy nhờ việc đóng góp cho các thể chế tập thể nhằm giúp đỡ những người ít khá giả hơn, và là cơ hội để mọi người có thể có uy tín thông qua lao động, học hành chăm chỉ và chứng tỏ kiến thức uyên bác về tôn giáo của mình.

Người Khmer chú tâm tới truyền thống tôn giáo tập thể của họ nhiều hơn vì họ cảm thấy bị âm thầm làm suy yếu dần bởi điều mà họ cho là các chính sách phát triển mang tính phân biệt đối xử.[3] Đương đầu với cái mà một số người gọi là chủ nghĩa thực dân, người Khmer nhấn mạnh tới việc phải xây dựng các thể chế tôn giáo có thể bảo tồn nền văn hoá riêng biệt của họ. Việc họ tập trung vào các tu viện là một tầm nhìn mang tính công xã và hoài cổ, nó nhận dạng văn hoá Khmer một cách rất riêng biệt về truyền thống tu viện, và chất dân tộc của một tôn giáo đơn nhất. Mặc dù quan niệm này là về quá khứ, nhưng đồng thời là sự phê phán tinh thần về sự không công bằng của hệ thống trong đó họ tồn tại và đáp lại sự chối bỏ và chia rẽ. Sự nhấn mạnh vào các tu viện đồng thời cũng có thể xem là một nỗ lực hợp lý để thay đổi, hoặc tồn tại trong nền kinh tế hàng hoá hoá bằng cách dựa vào sự đoàn kết cộng đồng và sự hỗ trợ của các tổ chức tập thể. Nêu bật các tu viện như là một căn cứ đặc biệt để quan chức cộng đồng tăng cường vai trò của mình như là các thể chế tái phân phối, là nơi người Khmer khá giả phải hỗ trợ để có được uy tín trong cộng đồng Khmer.

Vùng đồng bằng cũng là nhà của các cộng đồng dân tộc đã được địa phương hoá, và xác định về tôn giáo khác: Người Chàm hồi giáo, người Hoa, Hoà Hảo, Cao Đài, Tịnh độ Cư sĩ, Thiên chúa giáo và Tin lành. Điều đáng chú ý về các nhóm này là sự đa dạng của các dịch vụ xã hội mà các thể chế tôn giáo cung cấp một cách tập thể, kể cả trường học, chăm sóc sức khoẻ, các diễn đàn cho phụ nữ, trông trẻ, chăm sóc người già, hỗ trợ vật chất cho người nghèo, các cuộc liên hoan của cộng động, và các lễ an táng. Các nhóm này có chung những đặc điểm khác ở mức độ khác nhau, kể cả việc nhấn mạnh vào trách nhiệm bình đẳng có đi có lại, địa vị độc tôn của các thể chế tôn giáo như là nền tảng đầu tiên của quyền lực cộng đồng, và đặc điểm ‘giống kiểu nhà nước” của các thể chế này trong cuộc sống cộng đồng.

Người Chàm hồi giáo sống ở một phần khác của châu thổ và kiếm sống bằng các nghề khác nhau. Tuy nhiên họ cũng chia sẻ với người Khmer ý kiến phê phán sự bất bình đẳng, không công bằng về cấu trúc và tình trạng tham nhũng của xã hội chính thống. Họ coi nhà nước là người đại diện cho quyền lợi của ai đó. Để đáp lại, họ nhấn mạnh vào quyền lực độc tôn của Đạo Hồi trong cộng đồng mình. Nhà thờ của họ đóng vai trọ trung tâm trong cuộc sống ở địa phương và trong việc duy trì hoạt động kinh tế của nhóm người di cư này. Sự cần thiết phải ủng hộ các chương trình xã hội dựa trên nhà thờ hồi giáo trong cộng đồng thúc đẩy các thành viên của một cộng đồng sống rải rác tập trung nguồn lực kiếm được từ một loạt hoạt động xa quê hương để duy trì các thể chế cộng đồng mà nó chăm sóc cho con cái họ vẫn sống ở quê. Những người đóng góp như vậy được bạn bè kính nể và được thưởng những khoản vật chất hiếm hoi để hành hương tới Hajj, một phần thưởng làm tăng thêm uy quyền của đạo Islam trong cộng đồng.[4]

Ở đây có mối quan hệ với “cái gọi là” các Phật tử Hoà hảo “phong kiến” một nhóm xuất hiện ở phía tây đồng bằng cuối thập niên 1930. Cũng phê phán những bất công của xã hội đương thời, Hoà Hảo tiến hành những nỗ lực nhằm xây dựng một xã hội thay thế hợp lý. Một giải thích có sức thuyết phục cho sự xuất hiện của Hoà Hảo là nó phản ứng lại sự sụp đổ ở giai đoạn cuối của chủ nghĩa thực dân các mối quan hệ chủ-tớ giữa các đại địa chủ và tá điền, mà các mối quan hệ này bị thay thế trong đạo Hoà Hảo bởi  một tập quyền cộng đồng mới xung quanh một nhân vật có sức lôi cuốn – Phật sống Huỳnh Phú Sổ.[5] Ngoài lên án việc cúng tế lãng phí các đấng thần linh, mà sự phù hộ của các vị thần thánh đó đang bị nghi ngờ, đạo Hoà Hảo xây dựng các trạm phát thuốc men và tham gia các hoạt động công cộng và từ thiện, các hoạt động mang lại uy tín cho những người đóng góp công sức và tiền bạc để giúp đỡ những tín đồ nghèo khó hơn.[6] Người Hoà Hảo tiếp tục di sản bác ái này đến tận ngày nay, khi nhiều người ở địa phương họ nhìn nhận các quan hệ xã hội là bóc lột, không có tình thương, giả dối, không đáng tin, và họ luyến tiếc thời xa xưa khi thấy sự thờ ơ của quan chức nhà nước trước cảnh ngộ khó khăn của họ.

Các nhóm này giống nhau là cùng ở một miền nông thôn Việt Nam hội nhập sâu với kinh tế tư bản. Thành viên của các nhóm này kiếm sống tại thị trường ở một vùng nơi sản xuất và buôn bán hàng hoá nông nghiệp là nguồn sống chính. Họ phải chịu các điều kiện không ổn định của thị trường, với những biến động đột ngột, những thất bát nặng nề và giá cả thường xuyên thay đổi. Tình trạng không ổn định này dẫn tới nợ nần và mất đất. Vùng này có mức độ bất bình đẳng xã hội, tích tụ đất đai và thất nghiệp khá cao. Điều kiện làm việc của nam giới, phụ nữ và trẻ em nhiều khi mang tính bị bóc lột. Người người tranh nhau kiếm chút lợi nhuận nho nhỏ trong môi trường bị khống chế bởi các tập đoàn thương mại và nhiều người địa phương bị gạt ra ngoài.

Chúng ta có thể hiểu được các thiên hướng tôn giáo cộng đồng rất mạnh mẽ ở đồng bằng sông Mê Kông, vì vậy, hiểu được sự phản ứng đối với các khó khăn kinh tế hiện thời và tình trạng con người bị gạt ra ngoài lề. Những nhóm mang tính tôn giáo này là những nỗ lực có mục đích giành quyền tập thể trong bối cảnh thiếu tổ chức, bất bình đẳng và bị gạt ra ngoài. Điều đang xảy ra ở đây là các hình thức tự cứu cộng hưởng với chính sách tân tự do hiện nay. Các quan chức Việt Nam chấp thuận sự đóng góp của các nhóm tôn giáo và dân tộc để giúp đỡ người nghèo và xây dựng một cộng đồng tinh thần.[7] Đúng vậy, sau hàng thập kỷ phê phán các thiên hướng tôn giáo, đảng cầm quyền đã muộn màng thừa nhận rằng có thể khai thác năng lượng tôn giáo để tạo ra các nguồn lực tinh thần (và vật chất) phục vụ phát triển kinh tế xã hội.[8] Tuy nhiên, nhà nước đang chơi một trò chơi nguy hiểm trong việc thực hiện các chính sách đưa người dân tới chỗ cảm tưởng rằng họ đang bị bỏ rơi và huỷ hoại, rồi lại bấu víu vào các cơ chế tự vệ tập thể của họ như là một mạng lưới an sinh xã hội không phải bỏ tiền ra xây dựng. Nhà nước không thể được cả hai đường, vừa để cho các mạng lưới tái phân phối của cộng đồng giải quyết tình trạng bất bình đẳng nảy sinh từ chính các chính sách của nhà nước, đồng thời lại được biện bạch cho nhận thức của sự sáng tỏ tinh thần trong một xã hội rộng lớn hơn và, điều tai hại nhất là cảm tưởng cho rằng nhà nước là một thực thể xa lạ, phân biệt đối xử và không hiệu quả.

Trong nhiều khía cạnh, những gì chúng ta đang chứng kiến ở đồng bằng sông Mê Kông là sự phục sinh của thần quyền: sự tái phân phối công lý của đảng từ những năm 1930 đến 1960. Những phong trào tôn giáo này hình thành bởi cảm giác bị xa lánh, và cảm tưởng rằng nhà nước không đáp ứng nhu cầu của người dân. Chúng được thúc đẩy bởi lòng tin rằng sự giúp đỡ thực sự nằm ở nơi nào đó. Đúng vậy, mỗi tôn giáo đều dựa vào một số nguồn lực của người nông thôn mà tôi đã đề cập trong bài viết này: sự tích tụ tinh thần, sự bảo trợ tinh thần, các hoạt động trong và ngoài nghề nông, tiền do người di cư chuyển về, các mạng lưới xuyên quốc gia và giao tiếp bằng ngôn ngữ chung với những người suy nghĩ giống nhau ở bên kia biên giới. Dựa vào những nguồn lực như vậy, các phong trào có nền tảng tôn giáo này có tiềm năng phát triển thành thế lực đối trọng với nhà nước công khai theo cách các cuộc biểu tình diễn ra ở vùng cao nguyên trong năm 2001 và 2004. Điều không nổi bật trên báo chí, nhưng rất đáng lo ngại cho các quan chức nhà nước là sự đồng tình vẫn tiếp diễn giữa những người Khmer ở đồng bằng sông Mê Kông với những lời tuyên bố đòi phục hồi lãnh thổ của các nhân vật quốc gia dân tộc Khmer Krom ở Căm-pu-chia hay ở nơi nào đó trên thế giới.

Để có thể giành lại thế chủ động, nhà nước phải giải quyết những bất công về kinh tế xã hội và cảm giác về sự xa lánh văn hoá mà các phong trào này đang đáp ứng. Các chính sách xã hội hoá không phải là giải pháp; chúng đang lạc đường. Thay vào đó, nhà nước phải hỗ trợ một cách thích hợp cho người dân nông thôn. Để làm được việc này, theo tôi, trí sáng tạo phải có những bước nhảy vọt. Thứ nhất là xếp lại quan điểm cho rằng người nông thôn là kém cỏi theo các tiêu chuẩn hiện tại về phát triển nông thôn, và phải cố gắng hiểu được các nguồn lực họ có và các chiến lược họ áp dụng để đạt lợi ích của họ. Trí sáng tạo nhân chủng học phải có chất lượng tốt để nhận thức được các lối sống mà chúng có thể không phù hợp với các chủng loại đô thị, mang nặng tính nhà nước, hay đổi mới tất cả, lại có thể là cách thức chung sống thu hút tất cả mọi người và bền vững hiện nay. Cũng cần phải có khả năng nhìn nhận lịch sử ngoài khung khổ nhà nước, vì nhiều chiến lược mà người nông thôn vận dụng lại phản ánh sự kế tục của các tập quán lâu đời. Khi thực hiện các giải pháp, sẽ có lý nếu làm việc ngay trong các thể chế mà người dân nông thôn đã xây dựng làm giải pháp cho các vấn đề của họ. Câu hỏi là liệu nhà nước có thể tìm được con đường quay trở lại hay không? Phải chăng câu hỏi hợp lý là nhà nước đã bị đô thị hoá triệt để, dễ bắt nạt và coi thường người dân nông thôn và mắc kẹt trong việc làm vừa lòng một loạt quyền lợi đặc biệt đến mức đã đánh mất sự đồng cảm của mình đối với các vấn đề của người dân thường ở nông thôn Việt Nam. Nếu tìm lại được sự nhạy cảm của mình đối với nông thôn, nhà nước sẽ phải đưa ra một giải pháp thay thế siêu đẳng, hay ít nhất là bổ sung cho một loạt các nguồn lực mà người dân nông thôn vẫn trông cậy.

Philip Taylor là Hội viên nghiên cứu, Khoa Nhân học, Trường  nghiên cứu Thái Bình Dương và châu Á, Đại học Tổng hợp Quốc gia Australia (ANU). Công trình nghiên cứu cho bài viết này được tài trợ của Khoa Nhân học, Trường  nghiên cứu Thái Bình Dương và châu Á, Đại học Tổng hợp Quốc gia Australia, ANU, và Hội đồng Nghiên cứu Australia. Tác giả cảm ơn những lời nhận xét về bản thảo ban đầu của  Ben Kerkvliet, David Marr, Li Tana, Đỗ Thiện, David Hunt, Phạm Văn Bích, George Dutton, Martin Gainsborough, Steffanie Scott và những người ẩn danh khác của Tạp chí Việt (Nam) Học (Journal of Vietnamese Studies).

Tóm tắt

Nghiên cứu những thay đổi quan trọng hiện nay ở Việt Nam, bài viết này thách thức rằng nhiều chính sách phát triển nông thôn được thực hiện bởi nhà nước và các cơ quan phát triển quốc tế áp dụng các tiêu chuẩn đánh giá tiến bộ không thích hợp với tình hình thực tế và nhu cầu của người dân. Tuy nhiên, không phải rơi vào tình trạng bị mất mát hoàn toàn vì thất bại của những kế hoạch phát triển chính thức, người dân nông thôn Việt Nam có thể tiếp cận một loạt nguồn lực và chiến lược thay thế để cải thiện đời sống của mình. Sử dụng các ví dụ ở đồng bằng sông Mê Kông, bài viết chỉ ra rằng những nguồn lực và chiến lược này giúp người dân nông thôn có chất lượng cuộc sống thu hút mọi người, hiện đại và có thể đứng vững.

Nguồn: Journal of Vietnamese Studies, Aug 2007, Vol. 2, No. 2: 3–56.

Bản tiếng Việt © 2010 Đặng Thế Truyền/JVS

Bản tiếng Việt © 2010 talawas


[1] Ví dụ xem bài trên báo: “Government Pledges More Aid for Ailing Mekong Delta Schools”, Vietnam News, số ngày 1 tháng 1 năm 2007.

[2] Lập luận về đồng bằng sông Mê Kông đã được nêu lên ở một số nơi (Taylor, “Redressing Disadvantage,” 259–260). Học giả họ Trần đã có sự đóng góp tương tự về tỉnh miền núi tây bắc Hoà Bình. Xem Tran Thi Thu Trang, “Vietnam’s Rural Transformation, Information, Knowledge and Diversification,” in McCargo, Rethinking Vietnam, 110–124 (see note 64).

[3] Taylor, “Redressing Disadvantage,” 260–265.

[4] Taylor, Cham Muslims of the Mekong Delta.

[5] Hue-Tam Ho Tai, Millenarianism and Peasant Politics in Vietnam; Brocheux, The Mekong Delta (see note 102).

[6] Taylor, “Apocalypse Now?” (xem chú thích 81); và Cham Muslims of the Mekong Delta.

[7] Committee for Religious Affairs, Religions and Policies Regarding Religion in Vietnam (Hà Nội: Socialist Republic of Vietnam Committee for Religious Affairs, 2006), 35–36.

[8] Taylor, Goddess on the Rise, 44–45.

——–

Người lao động không mặn mà với bảo hiểm thất nghiệp 14/6

Nhân viên tiếp nhận hồ sơ thường đông hơn số người đăng ký bảo hiểm thất nghiệp – Ảnh: Minh Sang
Sau nửa năm đưa vào thực hiện, những tưởng bảo hiểm thất nghiệp sẽ thu hút được sự quan tâm của đông đảo người lao động, tuy nhiên trên thực tế thì tại các điểm tiếp nhận hồ sơ thất nghiệp, nhân viên trực thường đông hơn số người đăng ký.

Đã hơn 9 giờ sáng, nơi tiếp nhận hồ sơ người lao động (NLĐ) các quận Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng, Thanh Xuân, Hoàng Mai thuộc Phòng Đào tạo nghề, Trung tâm Giới thiệu việc làm Hà Nội (địa chỉ E6B, ngõ 33, phố Tạ Quang Bửu) vẫn vắng lặng như tờ.

Phòng Tiếp nhận thông tin hiện ra trước mắt tôi với một hàng ghế trống trơn. Bên trong, chỉ độc một nhân viên với vài ba tập hồ sơ. Nhân viên này cho biết, gần suốt một buổi sáng làm việc mới có hai trường hợp tới tìm hiểu thêm thông tin chứ chưa tiến hành các thủ tục hoàn thiện hồ sơ, lắm hôm ngồi cả buổi mà cũng chỉ phải tiếp hai, ba trường hợp.

Tương tự là địa điểm tiếp nhận hồ sơ của Phòng Bảo hiểm thất nghiệp (BHTN), Trung tâm Giới thiệu việc làm số 2 Hà Nội (144 Trần Phú, Q.Hà Đông) tịnh không một bóng NLĐ.

Tới gần 11 giờ trưa, nghĩa là sau gần một tiếng đồng hồ phóng viên có mặt tại đây, mới thấy một trường hợp tới để được tư vấn về các thủ tục giấy tờ hưởng trợ cấp thất nghiệp. Đó là trường hợp của chị N.T.T.M, nhân viên của một công ty xuất nhập khẩu mây tre đan có trụ sở đóng tại thị trấn Chúc Sơn, thuộc H.Chương Mỹ.

Chị M. cho biết: trên địa bàn Hà Nội có quá ít địa điểm để tiếp cận thông tin, trong khi từ nơi làm việc tới được chỗ nộp hồ sơ gần nhất là Trung tâm Giới thiệu việc làm số 2 Hà Nội cũng ngót 20 cây số.

Bên cạnh đó với tâm lý e ngại các thủ tục hành chính rườm rà, sợ mất thời gian nên chẳng có mấy anh chị em trong công ty mặn mà với các điểm tiếp nhận hồ sơ giải quyết quyền lợi BHTN.

Theo số liệu thống kê, trong cả tháng 5, Trung tâm Giới thiệu việc làm số 2 Hà Nội – nơi tiếp nhận hồ sơ NLĐ của quận Hà Đông, Thanh Oai, Ứng Hòa, Mỹ Đức, Chương Mỹ mới chỉ tiếp nhận được 39 hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp. Và con số này cũng bằng với số lượng NLĐ thất nghiệp đến với Trung tâm cả ba tháng trước đó cộng lại.

Tại 5 điểm đăng ký BHTN khác của Hà Nội là 285 phố Trung Kính; E6B ngõ 33 phố Tạ Quang Bửu; số 1 phố Vạn Hạnh trong khu đô thị mới Việt Hưng; Phòng Lao động – Thương binh và Xã hội huyện Sóc Sơn; Phòng Lao động – Thương binh và Xã hội huyện Thanh Trì, tính gộp cả 5 tháng cũng chỉ tiếp nhận được 870 hồ sơ.

Trao đổi với Thanh Niên, ông Vũ Trung Chính, Giám đốc Trung tâm giới thiệu việc làm Hà Nội cho biết, số lượng người lao động mất việc trên thực tế cao hơn nhiều lần so với số liệu thống kê từ các địa điểm đăng ký BHTN của thành phố.

Nguyên nhân do việc đóng BHTN mới được tiến hành từ ngày 1.1.2009 và sau 12 tháng người lao động mới được hưởng quyền lợi, trong khi nhiều công ty, doanh nghiệp vẫn còn cố tình “né” BHTN nên số lượng hồ sơ còn ít.

Mặt khác theo quy định, người lao động sau khi mất việc sẽ được hưởng trợ cấp 3 tháng lương ở mức 60% của lương bình quân 6 tháng liên tiếp, liền kề trước khi có quyết định nghỉ việc. Nhưng phần lớn lượng lao động thất nghiệp hiện tại đều là lao động phổ thông với mức lương trên dưới 2 triệu đồng/tháng, mức hưởng trợ cấp không đáng kể nên họ sẵn sàng bỏ qua.

Ngoài ra, quy định sau 15 ngày phải hoàn tất được hồ sơ, nếu không sẽ mất quyền hưởng BHTN lẫn các quyền lợi khác cũng khiến những NLĐ gặp vướng mắc phải cần nhiều hơn 15 ngày mới có thể hoàn thành được sổ BHXH không thể tham gia đăng ký.Người lao động không mặn mà với bảo hiểm thất nghiệp

———–

Hãy xoá bỏ lao động trẻ em
Đài Tiếng Nói Việt Nam
(VOV) – Trên thế giới, có khoảng 215 triệu lao động trẻ em và khoảng 115 triệu em làm việc trong điều kiện nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm. Nhân Ngày thế giới chống lao động trẻ em (12/6), ILO ra thông điệp khẩn cấp, kêu gọi các nước xóa bỏ mọi hình thức
ILO và UNICEF kêu gọi chấm dứt lao động trẻ emNhân Dân
ILO và UNICEF kêu gọi chấm dứt lao động trẻ emVietnam Plus
Cuộc chiến xóa bỏ nạn lao động trẻ em đang giảm tốcVOA Tiếng Việt
Nhân DânVietnam PlusThanh Tra

Đăng nhận xét: (Các bạn nhớ đề tên khi đăng nhận xét)