Hiệp định Paris: Thất bại của Lê Duẩn


Ông Lê Duẩn là Bí thư Thứ nhất Trung ương Đảng Lao động Việt Nam từ 1960 đến 1976

Pierre Asselin
Gửi cho BBCVietnamese.com từ Honolulu

Từ đầu Cuộc chiến Việt Nam mùa xuân 1965, các lãnh đạo của Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa cương quyết đánh Mỹ và đồng minh “ngụy” ở Sài Gòn cho đến “chiến thắng cuối cùng”. Với Hà Nội, “chiến thắng cuối cùng” nghĩa là quân Mỹ rút lui vô điều kiện, lật đổ chế độ “phản động” ở Sài Gòn và thống nhất đất nước dưới sự cai trị của Đảng Lao Động.

Quyết tâm chiến thắng “mọi thứ”, Hà Nội thậm chí không chịu nghĩ đến khả năng có giải pháp thương lượng. Kỷ niệm cay đắng về Hội nghị Geneva 1954, cùng sự giáo điều của các lãnh đạo chủ chốt cùng Bí thư Thứ nhất Lê Duẩn khuyến khích cách nghĩ này ở Hà Nội. Theo nhiều cách, chiến lược của Hà Nội trong cuộc chiến phản ánh con người Lê Duẩn: quân sự, cứng nhắc và chống mọi đàm phán.

Chính quyền hôm nay ở Việt Nam tìm cách phổ biến quan niệm rằng trong phần lớn thời gian (1930 – ngày nay), cách mạng Việt Nam đi theo con đường của “tư tưởng Hồ Chí Minh”. Mặc dù điều này có thể đúng ở đôi lúc nào đó, trong phần lớn thập niên sau 1965, Hà Nội trung thành đi theo cái mà tôi gọi là “tư tưởng Lê Duẩn”. Không chấp nhận đối kháng và bất tuân, Lê Duẩn, cùng với trưởng ban tổ chức trung ương Lê Đức Thọ, vào năm 1967-68 đã thanh trừng khoảng 300 người “xét lại”, những người đã kêu gọi thương lượng với Washington và/hoặc Sài Gòn, hoặc đi ngược đường lối cứng rắn của Đảng trong “cuộc chiến chống Mỹ”.

Từ 1965 đến giữa 1972, chiến lược của Hà Nội về căn bản không thay đổi. Lê Duẩn và các lãnh đạo còn lại tập trung nỗ lực tìm chiến thắng bằng quân sự, và để làm điều này, họ vận động càng nhiều trợ giúp vật chất từ các đồng minh và khơi dậy cảm thông từ phần còn lại của thế giới. Cuộc “đấu tranh ngoại giao” này nhằm vận động dư luận chống Mỹ can thiệp ở Đông Dương, cô lập giới hoạch định chính sách Mỹ cả trong và ngoài nước. Cả sau khi đồng ý hòa đàm ở Paris với chính quyền Lyndon Johnson năm 1968 và rồi bí mật đàm phán với Richard Nixon một năm sau, Hà Nội vẫn từ chối đàm phán nghiêm túc, và chỉ dùng cuộc họp để thăm dò dự tính của Mỹ và thúc đẩy đấu tranh ngoại giao.

“Trong phần lớn thập niên sau 1965, Hà Nội trung thành đi theo ‘tư tưởng Lê Duẩn’.”

Kết cục của chiến dịch xuân hè 1972 thay đổi tất cả cho Hà Nội. Giống như Mậu Thân 1968, chiến dịch 1972 nhằm giành “chiến thắng quyết định” trong năm bầu cử ở Mỹ. Nhưng cũng giống như 1968, Hà Nội không đạt được các mục tiêu quân sự. Họ không chỉ gặp các thất bại đau đớn ở miền Nam mà còn phải hứng chịu các đợt bỏ bom trở lại xuống miền Bắc. Tệ hơn nữa, Moscow và Bắc Kinh chỉ lên án nhẹ nhàng các vụ bỏ bom và tiếp tục ve vãn Washington. Vào tháng Năm, Moscow tiếp đãi Nixon như thể chẳng có gì xảy ra ở Việt Nam.

Trước các thách thức này, tháng Sáu 1972, Hà Nội có thay đổi đáng kể đầu tiên trong chiến lược: như các văn kiện chính thức nói, Hà Nội bắt đầu “đàm phán nghiêm túc” với Washington để chuyển từ “chiến lược chiến tranh sang chiến lược hòa bình”. Đến cuối tháng 10, lãnh đạo miền Bắc đạt được thỏa thuận ban đầu với Mỹ. Nhưng Tổng thống miền Nam Nguyễn Văn Thiệu phản đối và đòi sửa chữa lớn trước khi thông qua.

Rất muốn có một “hòa bình trong danh dự” mà với ông có nghĩa là hòa bình hậu thuẫn bởi đồng minh Việt Nam của ông, Nixon đã chấp nhận chịu đựng Thiệu – người mà rõ ràng không phải là một “con rối” – và kêu gọi Hà Nội ngồi vào bàn đàm phán để chỉnh sửa thỏa thuận.

Hà Nội chấp nhận yêu cầu của Nixon, nhưng lại từ chối thừa nhận hai vấn đề quan trọng: ngôn từ dùng để định nghĩa khu vực phi quân sự (DMZ) giữa hai miền Việt Nam sau lệnh ngừng bắn, và lời tựa cho thỏa thuận.

Hà Nội đồng ý kết thúc đàm phán không lâu sau đợt ném bom của Mỹ

Sau nhiều lần đàm phán thiếu hiệu quả vào đầu tháng 12, các lãnh đạo của Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa quyết định hoãn đàm phán, kết luận phe họ có lợi thế thời gian, và rằng họ có ít cái để mất hơn bằng cách trì hoãn, hơn là phải làm rõ hai điều trên.

Bên cạnh đó, Quốc hội mới của Hoa Kỳ đã lên kế hoạch triệu tập vào tháng Một và có nhiều khả năng sẽ ép Nixon chấm dứt cuộc chiến bằng cách từ chối chu cấp, điều sẽ khiến Nhà Trắng phải rút hết quân khỏi Việt Nam vô điều kiện.

Về nguy cơ Nixon leo thang chiến tranh, Hà Nội cũng đã cho là khá nghiêm trọng, nhưng không đủ nghiêm trọng để khiến họ phải trở nên mềm mỏng hơn trên bàn đám phán.

Như xảy ra nhiều lần trong Chiến tranh Việt Nam, Hà Nội đánh giá thấp quyết tâm bảo vệ lợi ích của Tòa Bạch Ốc ở Việt Nam. Đợt đánh bom Giáng sinh ở Hà Nội và Hải Phòng gây chấn động tâm lý‎ cho Hà Nội, chưa kể thiệt hại vật chất. Vài ngày sau khi Hà Nội cam kết trở lại bàn thương lượng và Nixon tạm dừng đánh bom, hội đàm mở lại ở Paris.

Sự thực tế của Hà Nội, việc họ muốn kết thúc đàm phán, chấm dứt chạm sung, thể hiện rõ qua sự sẵn lòng có những nhượng bộ mới, nhất là ngôn ngữ về tình trạng khu phi quân sự sau khi ngừng bắn. Nếu Hà Nội đã có những nhượng bộ này ngay từ đầu tháng 12, cuộc đánh bom Giáng sinh đã tránh được.

Ngày 27/1/1973, Washington, Sài Gòn, Hà Nội và Chính phủ Cách mạng Lâm thời miền Nam ký hiệp định Paris. Thỏa thuận chấm dứt “cuộc chiến chống Mỹ” nhưng không quyết định tương lai Việt Nam.

Đánh giá Hiệp định Paris

Hà Nội công khai ca ngợi Hiệp định Paris là một “chiến thắng vĩ đại.”Nếu chúng ta bàn về vấn đề người thắng, kẻ thua, rõ ràng hiệp định này là một chiến thắng cho Washington hơn là Hà Nội.

Nếu nhìn nhân tình hình Việt Nam vào năm 1972-73, các điều khoản hiệp định lẽ ra phải có lợi hơn cho Hà Nội.

Thế nhưng cuối cùng, các điều khoản của Hiệp định Paris lại có lợi cho Washington hơn nhiều so với Hà Nội.

Phải thừa nhận hiệp định này đã bắt Hòa Kỳ phải rút hết quân ra khỏi miền Nam Việt Nam, thế nhưng quân Mỹ cũng đã bắt đầu rút trước đó; Nixon đã tiến hành rút quân từ năm 1969!

Bên cạnh việc mở đường cho tù nhân Mỹ được quay về, hiệp định lại cho phép Mỹ được tiếp tục hỗ trợ quân sự cho Sài Gòn – nơi chính quyền ông Thiệu vẫn ngự trị, cùng với một số lượng các sỹ quan cố vấn.

Quan trọng hơn hết, hiệp định đã áp đặt hàng loạt hạn chế lên phía Hà Nội và kết thúc bằng sự chấm dứt viện trợ quân sự của Sô Viết và Trung Quốc cho Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.

“Quyết định của Hà Nội ký vào Hiệp định Paris chứng minh sự mệt mỏi trước chiến tranh và sự thất bại của ý ‎ thức hệ Lê Duẩn vốn định hình chiến lược của phe Cộng sản trong chiến tranh.”

Nhìn lại, thật đáng kinh ngạc khi Nixon đạt được thỏa thuận ngoại giao vào năm 1973, khi gần như không còn quân Mỹ ở Nam Việt Nam (23,500), dù là một sự thỏa hiệp ngoại giao không hoàn hảo. Đây là điều mà cả ông và Johnson không đạt được khi hơn nửa triệu quân Mỹ còn ở Việt Nam.

Chỉ cần nhìn vào thực tế như vậy cũng thấy quyết định của Hà Nội ký vào Hiệp định Paris chứng minh sự mệt mỏi trước chiến tranh và sự thất bại của ý ‎ thức hệ Lê Duẩn vốn định hình chiến lược của phe Cộng sản trong chiến tranh.

Tại sao một bên đã từng từ chối đàm phán nghiêm túc và ký thỏa thuận với Washington, giờ lại bất ngờ đổi ý vào năm 1973 nếu như không phải đã kiệt sức, thậm chí cảm thấy, dù trong một khoảnh khắc, đang thua?

Hòa bình cay đắng

Hà Nội chiến thắng cuộc chiến Việt Nam, đó là điều chắc chắn, tuy nhiên họ cũng không thắng dựa trên các điều khoản của mình, là thắng một cách vô điều kiện.

Hà Nội chiến thắng năm 1975 nhưng trả giá đắt

Chiến thắng của Hà Nội là một chiến thắng trả bằng cái giá đắt, không phải là một chiến thắng vẹn toàn mà những lãnh đạo của Việt Nam Dân chủ Cộng Hòa, đặc biệt là Lê Duẩn, đã mường tượng khi cuộc chiến bắt đầu.

Để đạt được sự “giải phóng” hoàn toàn miền Nam và thống nhất đất nước dưới một quốc kỳ, Hà Nội đã phải vi phạm Hiệp định Paris – thỏa thuận đã giúp cho cả Lê Đức Thọ và Kissinger, hai đại diện của Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và Hoa Kỳ, nhận giải Nobel Hòa bình.

Việc vi phạm Hiệp định Paris, điều mà phía Mỹ ít nhất đã cố gắng tôn trọng ở mức độ không đưa quân trở lại miền Nam, đã phá vỡ hình ảnh nạn nhân của chiến tranh chỉ muốn độc lập và hòa bình mà phe Việt Nam Dân chủ Cộng Hòa đã dựng lên hơn một thập kỷ qua.

Điều đó, cùng với những tình huống khác, đã làm giảm sự đáng tin của Hà Nội trong mắt thế giới, và một phần nào đó giải thích tại sao nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam lại bị quốc tế bỏ rơi hồi năm 1980.

Hiệp định Paris không phải là một “thắng lợi vĩ đại” của Hà Nội; nó là một sự hòa bình cay đắng và cần thiết để tạo những điều kiện dẫn đến chiến thắng nhanh chóng nhưng đầy rắc rối năm 1975.


Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả, phó giáo sư lịch sử ở Đại học Hawaii Pacific, Honolulu. Ông là tác giả cuốn A Bitter Peace: Washington, Hanoi, and the Making of the Paris Agreement (North Carolina, 2002). Tác phẩm thứ hai của ông, Hanoi’s Road to the Vietnam War, 1954-1965, sắp được nhà xuất bản Đại học California ấn hành.-Hiệp định Paris: Thất bại của Lê Duẩn



Ngô Nhân Dụng


Khi hiệp định Paris được ký kết, trước đây 40 năm, nhiều người vui mừng, vì ít nhất dân Việt Nam sẽ không chết vì chiến tranh nữa. Nhiều người còn hy vọng đó là một bước rẽ, mở con đường mới cho miền Nam Việt Nam. Sau cùng, ai cũng biết, đó chỉ là một thủ thuật, dùng trong một giai đoạn, của đảng Cộng sản Việt Nam trong chương trình chiếm quyền cai trị trên cả nước Việt Nam, với mục đích “đưa cả nước tiến lên chủ nghĩa xã hội.”


Nhưng ngay cả nỗi vui mừng vì cảnh chết chóc chấm dứt cũng biến mất. Người Việt Nam trong vài năm tiếp theo không chết vì chiến tranh thường xuyên nữa, nhưng nhiều người vẫn chết vì sau đó cuộc chiến lại tiếp tục. Số quân nhân hai bên bị tử thương trong cuộc tổng tấn công của cộng sản năm 1975 cũng lớn gấp nhiều lần so với khi chiến tranh còn tiếp diễn. Số người chết trên đường vượt biển còn lớn hơn số thường dân chết trong một năm chiến tranh. Chưa kể nỗi đau thương của bao nhiêu gia đình bị đẩy đi vùng kinh tế mới hoặc có người bị đi tù cải tạo. Và chiến tranh lại tiếp diễn ở Campuchia với 50 ngàn thanh niên Việt Nam bỏ xác, và ở biên giới Hoa Việt, mà con số thương vong không bao giờ được công bố.

Số phận của những người dân miền Nam Việt Nam đã được quyết định trước đó nhiều năm. Năm 1968, trong khi đang tranh cử tổng thống Mỹ, ông Richard Nixon đã cho cố vấn là Henri Kissinger đến gặp đại sứ Nga ở Washington đề nghị giới lãnh đạo Nga Xô đừng làm trò gì ảnh hưởng đến cuộc chạy đua vào Tòa Bạch Ốc. Kissinger trình bầy trước lập trường của ông chủ mình về bang giao Nga Mỹ; trong đó ông ta đặc biệt nhấn mạnh: Nếu đắc cử, ông Nixon sẽ rút quân khỏi Việt Nam; sau đó chế độ chính trị ở miền Nam ra sao không quan trọng, dù có  một chính quyền cộng sản. Điều này, ông Kissinger còn lập lại khi đến thăm Đại sứ Anatoly Dobrynin sau khi ông Nixon thắng và chưa tuyên thệ nhậm chức.

Hiệp định Paris cũng chỉ là một văn kiện để giúp Tổng thống Richard Nixon rút quân ra khỏi Việt Nam một cách chính thức, nghĩa là vẫn giữ được thể diện. Năm 1972 nước Mỹ bầu tổng thống, và ông Richard Nixon cần tái đắc cử, nhờ thành tích chấm dứt cuộc chiến tranh quá dài mà dân Mỹ bắt đầu thấy chán. Nixon sai Kissinger thu xếp để tiến tới hiệp định Paris trước khi dân Mỹ bỏ phiếu.

Trong cuộc thu xếp này, Nixon được Mao Trạch Đông hỗ trợ. Trước năm 1970, Mao rất căm hận Nixon vì ông tổng thống Mỹ chỉ chú ý nói chuyện với Moskva mà không quan tâm đến Bắc Kinh; coi Mao chỉ là một lãnh tụ cộng sản hạng nhì. Trong một cuộc chuyện trò với Phạm Văn Đồng, Mao hỏi: “Tại sao bọn Mỹ không làm rùm beng lên về chuyện có 100,000 quân đội Trung Quốc đang xây dựng đường xe lửa, đường bộ, và phi trường ở Việt Nam, mặc dù chúng biết sự kiện này?” Phạm Văn Đồng nói vuốt đuôi: “Vì chúng nó sợ!” Nhưng chúng ta cũng biết rằng ngay từ khi chiến tranh bắt đầu, các chính quyền Mỹ đã cam kết với Trung Quốc là họ sẽ không bao giờ gửi quân đội Mỹ và cũng không để cho quân đội miền Nam tiến ra Bắc Việt. Chính quyền Mỹ lờ đi như không biết có quân đội Trung Cộng ở ngoài Bắc, vì nói ra sẽ làm cho bài toán rắc rối hơn, ngay trong khung cảnh chính trị nội bộ của Mỹ. Mao Trạch Đông còn tỏ ý bất bình, nói với Phạm Văn Đồng rằng “Tại sao bọn Mỹ chúng nó lại ước tính số binh sĩ Trung Quốc ở Việt Nam ít hơn sự thật như vậy?”

Tháng 11 năm 1970 Chu Ân Lai được lệnh bắn tin qua các nhà ngoại giao Rumania là nếu Nixon muốn thăm Trung Quốc thì sẽ được mời. Nixon bảo Kissinger đừng tỏ ý muốn đi vội vàng quá, cuối tháng Hai Kissinger mới bắn tiếng lại, tỏ ý thân thiện nhưng không nói gì đến việc Nixon có thể sang Tàu. Tháng Ba năm 1971, các cầu thủ bóng bàn Trung Quốc gặp các cầu thủ Mỹ ở Nhật Bản, và khi đi chung một chuyến xe buýt, tay vợt Mỹ Glenn Cowan đã bắt tay nhà vô địch Trung Quốc Trang Tắc Đống (Zhuāng Zédòng, 庄则栋), bắt tay và nói muốn sang thăm Trung Quốc. Mao Trạch Đông đã bắt lấy ý đó, ra lệnh mời các cầu thủ Mỹ qua Tàu! Sau đó, Kissinger đi đêm để chuẩn bị chuyến Nixon sang Tàu năm đầu 1972.

Trong chuyến thăm bí mật năm 1971, Kissinger đã hứa hẹn với Chu Ân Lai rằng Mỹ sẽ cung cấp cho Trung Quốc các tin tức tình báo về hoạt động của quân Nga ở vùng biên giới Nga, Hoa. Ông cũng cam kết Mỹ sẽ rút quân khỏi miền Nam Việt Nam, mà ông phác họa một thời biểu là trong vòng 12 tháng. Lúc đó là tháng Bẩy năm 1971, sáu tháng trước khi Mỹ ký hiệp định Paris, mà chính Kissinger cũng không biết chắc là sẽ có một hiệp định hay không. Vì vậy, Kissinger đã nói thẳng với Chu Ân Lai là dù không có thỏa hiệp nào thì chính phủ Nixon cũng đơn phương rút quân, và không bao giờ trở lại Việt Nam nữa, bỏ rơi luôn chính quyền miền Nam Việt Nam. Kissinger nói rõ ràng: “Sau khi hòa bình rồi, người Mỹ chúng tôi sẽ ở xa Việt Nam cả vạn dậm, còn Hà Nội thì vẫn ở đó.” Những chi tiết này được kể lại trong một sách của William Burr,  năm 2002 (The Bejing – Washington Back Channel; kể chuyện các chuyến đi bí mật của Kissinger năm 1970, 71; sách này nằm trong tài liệu điện tử của cơ quan An ninh Quốc gia Mỹ NSA; được thuật lại trong sách MAO, của Jung Chang và Jon Halliday, 2005.

Nixon đã toại nguyện, vì Mao sẵn sàng giúp ông tái đắc cử. Dưới sức ép của Mao, Bắc Việt chịu ký tên vào bản hiệp định Paris. Quân Mỹ rút về “trong danh dự.” Nhưng số phận Nixon lại bị quyết định do một xì căng đan chính ông ta gây ra; khiến ông phải từ chức khi quốc hội Mỹ chuẩn bị đàn hạch và truất phế, vào năm 1974. Người thương tiếc Nixon nhất lại là Mao Trạch Đông. Mao nhắn tin qua bà Imelda Marcos mời Nixon qua chơi. Năm 1975, Mao sai mời con gái Nixon là Julie và chồng qua Tàu, Mao lại nói với cô con bảo nói với bố rằng “Tôi nhớ ông ấy lắm.” Tháng Hai năm 1976, Mao đưa một chiếc máy bay Boeing 707 sang tận Los Angeles đón Nixon qua uống trà; bẩy tháng sau thì Mao chết.

Bản hiệp định Paris cuối cùng là kết quả của cuộc gặp gỡ Nixon và Mao. Chính phủ Việt Nam Cộng Hòa không thể làm gì được, khi nước đồng minh lớn nhất đã bỏ rơi. Cộng sản miền Bắc  đã được Moskva và Bắc Kinh báo cho biết trước Mỹ sẽ rút quân, trong khi vũ khí của Nga vẫn đổ sang ngày càng nhiều, họ nắm chắc phần thắng. Nhưng họ vẫn phải đặt bút ký vì Mao Trạch Đông muốn tặng Nixon một món quà. Cộng sản miền Bắc cũng cần một thời gian chuẩn bị để đánh một trận chót, cho nên hiệp định Paris cũng là một bước nghỉ chân.

Những người lãnh đạo Việt Nam Cộng Hòa chắc không ai biết gì về những lời Kissinger đã hứa với Dobrynin hay với Chu Ân Lai. Người dân miền Nam lại càng không biết gì cả. Bao nhiêu chiến sĩ đã bỏ mình trong những ngày cuối cùng của cuộc chiến. Bao nhiêu đồng bào tử nạn trên đường vượt biển. Nhắc lại 40 năm hiệp định Paris, chúng ta hãy thắp nhang tưởng nhớ họ, đó là cách kỷ niệm có ý nghĩa nhất. Bài học của một dân tộc nhược tiểu là đừng bao giờ vì các lý thuyết, tư tưởng trừu tượng, ngoại lai mà để đồng bào tàn sát lẫn nhau. Trong cuộc chiến tranh nào, người dân cũng đau khổ.


HN Paris: Điều gì thực sự xảy ra 40 năm trước? (TVN). – Ảnh độc: Phong cách “Madam Bình” tại Hội nghị Paris 1968-1970 (KT). – M.Strachinescu – người lái xe cho đoàn Việt Nam đàm phán Hiệp định Paris: Tôi vừa là đồng chí, vừa là “người Việt Nam”(LĐ). – Hội thảo bàn tròn “Gặp gỡ các nhân chứng lịch sử” ngày ký Hiệp định Paris (VOH). – Từ Việt Nam, đại biểu quốc tế gửi thông điệp đoàn kết (PLTP). – Cuộc gặp nhân chứng lịch sử 40 năm ký kết Hiệp định Paris: Tấm gương Việt Nam sẽ cổ vũ các dân tộc khác (TP).

Những bí mật bất ngờ ở hội nghị Paris (VNE). – Thắng lợi của Hiệp định Pari là bài học về sự kết hợp sức mạnh dân tộc và sức mạnh thời đại (Tin tức). – Cuộc gặp gỡ lịch sử 40 năm (SGGP). – Bức tranh gốm 40 năm hiệp định Paris đã hoàn thành tại Pháp (TTVH).
– Đoàn Thanh Liêm: Tôi đã gặp lại Chị Lài tại Ba lan (ĐCV).
Thú vui của “bạo chúa miền Trung” Ngô Đình Cẩn (KT).
Nguyen Khanh, 86, General Who Led Coup in South Vietnam, Dies at 86
NYT -General Khanh bloodlessly seized control of South Vietnam’s government in 1964, but his rule as premier lasted only a year as he was deposed by a junta of junior officers.– Video: Phim tài liệu: Tết Mậu Thân 1968 – Tập 2: Bí mật kế hoạch X (VTV). – Phim tài liệu trên HTV9 nói về đặc công VC trận Mậu Thân 1968 (Aln Nam Việt). – Các nhà ngoại giao VN mệt mỏi với lễ kỷ niệm: Vietnam diplomats facing anniversary fatigue (AFP/ the Star). – Bài diễn văn của Tổng thống Việt Nam Cộng Hòa Nguyễn Văn Thiệu vào ngày 24 tháng 10 năm 1972 (phần 1) (DLB).
LÀM THẾ NÀO ĐỂ KHÉP LẠI QUÁ KHỨ ?! (TNM).

Việt Nam trong cuộc chơi quyền lực Mỹ – Trung (31/12/2012)
>> Việt Nam trên bàn cờ các nước lớn
>>Từ cựu thù tới bằng hữu (30/12/2012)>> Việt Nam trên bàn cờ các nước lớn

Ảnh độc: Phong cách “Madam Bình” tại Hội nghị Paris 1968-1970

Đăng nhận xét: (Các bạn nhớ đề tên khi đăng nhận xét)