BBC Việt ngữ: Một kiểu làm báo thấp tầm! & Trưởng Ban Việt ngữ Nguyễn Giang về bài của Đỗ Ngọc Bích trên BBC


Báo ‘lề phải’ lên tiếng, hihi ai bảo báo lề phải không theo sát thực tế

nhưng có mỗi một báo PL…. nghe nhỏ quá nhỉ !

Tin liên quan : BBC và một case study cho nghề báo (NVP)

Cách thức đưa tin cho thấy BBC Việt ngữ đi ngược lại nguyên tắc biên tập do chính mình đề ra.

Những ngày vừa qua, trên mạng Internet, người Việt trong và ngoài nước xôn xao về một bài viết trên trang mạng của BBC Việt ngữ.

Cụ thể, vào thứ bảy 17-4, BBC Việt ngữ đăng tải bài “Một cách nhìn khác về tinh thần dân tộc” của một tác giả là nghiên cứu sinh người Việt ở Mỹ. Nội dung chính của bài bàn về tinh thần dân tộc Việt Nam trong mối quan hệ với Trung Quốc để đi đến kết luận rằng “chủ nghĩa dân tộc mù quáng đôi khi cũng tai hại không kém gì chủ nghĩa bành trướng đế quốc”. Để chứng minh luận điểm này, tác giả đưa ra một số lập luận như: Phần lớn những thanh niên yêu nước không nhận ra “Việt Nam thực ra cũng là một phần trong da thịt của Trung Quốc”, “người dân Việt Nam bắt nguồn từ Trung Quốc, vua của Việt Nam cũng khởi tổ từ người Trung Quốc, coi vua Trung Quốc như anh như cha…”.

Bài viết ngay sau khi được công bố trên mạng đã gây ra phản ứng dữ dội từ phía bạn đọc của BBC Việt ngữ nói riêng và các blogger, người đọc Internet Việt Nam nói chung. Hàng trăm comment (lời bình luận) được gửi về BBC, trong đó tuyệt đại đa số phản đối việc tác giả đã xúc phạm dân tộc bằng những ngôn từ mang tính mạ lỵ và quy chụp.

Tại diễn đàn, BBC Việt ngữ thừa nhận đến ngày 20-4 “đã nhận được nhiều ý kiến và một số bài viết riêng phản bác” quan điểm của tác giả “Một cách nhìn khác về tinh thần dân tộc”. Đồng thời, thông báo có vẻ rất khách quan: “Chúng tôi sẽ đăng dần các bài đó lên trang diễn đàn trong những ngày tới”.

Trụ sở BBC.

Nói là vậy nhưng trong hành xử thực tế, trước khi “đăng dần” các bài khác, vào thứ ba 20-4, BBC Việt ngữ lại tiếp tục đăng tải bài trả lời của tác giả cho rằng mình “chỉ đưa ra các câu hỏi” nhằm “mở đường thảo luận”. Bài này lại tiếp tục đón nhận những phản đối kịch liệt từ người đọc.

Đến đây thì không thể không đặt câu hỏi về mục đích của BBC Việt ngữ: Có thật họ muốn tạo diễn đàn thảo luận nghiêm túc – trên tinh thần tôn trọng sự khác biệt dù bài đề dẫn của diễn đàn thật ra chỉ là một mớ ngôn từ “thùng rỗng kêu to”, chẳng có hàm lượng tri thức gì để thảo luận – hay họ muốn tạo ra một scandal câu độc giả? Cũng không loại trừ BBC gặp lỗi nghiệp vụ và đang chống chế khỏa lấp.

Điển hình, bài trả lời của tác giả được đăng ở vị trí nổi bật đầu trang diễn đàn như tiếp tục khiêu khích và lựa chọn những ý kiến phản bác không thật có sức nặng và tính khoa học (so với nhiều bài viết chất lượng hơn hẳn của các nhà nghiên cứu có uy tín).

Trong bản quy tắc biên tập (Editorial Guidelines) của mình, BBC quy định: Đối với các chủ đề gây tranh cãi, “chúng ta (biên tập viên) phải luôn nhớ rằng phần lớn nội dung của BBC giờ đây đã hiện diện ở nhiều nước trên khắp thế giới… Khi vấn đề rất gây tranh cãi, chúng ta phải đảm bảo rằng tất cả các quan điểm chính đều được phản ánh trong những nội dung của BBC, có thể bằng một chương trình riêng, một bài viết riêng”.

Có thể thấy các quan điểm sai trái, thiếu hiểu biết và ngụy biện trong các bài viết nêu trên chắc chắn là quan điểm gây tranh cãi và khi được đăng tải nguyên vẹn trong một bài viết trên mạng thì nghĩa là chúng đã hiện diện ở nhiều nước trên khắp thế giới.

Hành xử của BBC Việt ngữ rõ ràng đang đi ngược lại quy tắc biên tập của chính họ. Thêm vào đó, cách xử lý của BBC Việt ngữ sau khi bị độc giả phản ứng dữ dội cũng đang đi ngược lại “truyền thống chuyên nghiệp” mà họ vẫn tự hào.

Cuối cùng, xét từ giác độ báo chí, những chủ đề được lựa chọn để tạo diễn đàn (nếu có) lẽ ra nên nằm ngoài các vấn đề nhạy cảm, có khả năng kích động hằn thù dân tộc. Đây cũng là điều mà một độc giả của BBC Việt ngữ đã nói: “Cho dù là ở đâu, ở đất nước nào, việc tán thành, lấy ví dụ, chủ nghĩa phân biệt chủng tộc, chủ nghĩa quốc xã, chủ nghĩa khủng bố… đều là những ý kiến không thể chấp nhận được bởi số đông, bởi một lương tri phổ quát của nhân loại. Đối với vấn đề Việt Nam – Trung Quốc, có thể có nhiều chuyện phải bàn. Nhưng việc đi ngược lại quan niệm chung của dân tộc, không kể thành phần, quan điểm chính trị… là một việc làm xuẩn ngốc, không thể gọi là táo bạo được”.

Quá nhiều “sạn” từ BBC Việt ngữ

Theo giới thiệu ban đầu không hiểu do cẩu thả hay cố ý, BBC “phong” tác giả Đỗ Ngọc Bích là tiến sĩ, đang giảng dạy về Việt Nam học tại Đại học Yale, cũng như đang tham gia dịch thuật các chương trình sử học cổ, trung, cận đại tại Đại học Yale.

Tuy nhiên, Tiến sĩ Erik Harms, Phó Giáo sư khoa Nhân học của Đại học Yale, đã công bố sự thật về tác giả này và cho rằng BBC “sai nhiều điểm”. Điểm thứ nhất là tác giả Bích chưa có học vị tiến sĩ mà chỉ đang học tiến sĩ. Tiến sĩ Erik Harms nhấn mạnh tác giả này mới đang viết luận văn ở Đại học Hawaii trong khoa Hoa Kỳ học chứ không phải là tiến sĩ đang giảng dạy ở Yale.

Thứ hai, về chuyện dịch thuật liên quan đến lịch sử của tác giả này, Tiến sĩ Erik Harms cho biết tác giả Bích đang sống ở New Haven, nơi Đại học Yale đóng, có tham gia dạy kèm tiếng Việt cho hai sinh viên. Đây là kiểu dạy thêm theo hình thức mỗi buổi/tuần chứ không phải dạy trong chương trình chính thức ở Yale. Do việc dạy thêm này có dẫn tới việc một vài người  nhờ cô Bích giúp đỡ chuyển ngữ vài tài liệu về lịch sử trong quá trình nghiên cứu của họ.

Như vậy, cái danh  xưng mà BBC đăng tải trên trang mạng khi giới thiệu bài của Đỗ Ngọc Bích này 17-4 : “Tiến sỹ về Quan hệ Quốc tế và Hoa Kỳ học, hiện đang giảng dạy Việt học và tham gia dịch thuật các công trình sử học cổ, trung đại của VN tại Đại học Yale, Hoa Kỳ” là hoàn toàn bịa đặt.

Toàn văn thư giải thích viết bằng tiếng Việt của Tiến sĩ Erik Harms, Phó Giáo sư Khoa Nhân học của Đại học Yale

Cho tôi giải thích vấn đề này. Trên BBC người ta ghi cô Bích là Tiến sĩ giảng dạy ở Yale. Nó sai nhiều điểm.

Điểm thứ nhất là cô Bích chưa có Tiến sĩ. Cô Bích nói cho mình biết là cô có gửi CV cho BBC. CV là lý lịch và trong CV đó có nói là ABD Tiến sĩ. Chữ ABD bằng tiếng Anh nó hơi phức tạp cho người không biết. ABD có nghĩa là “All but dissertation”, nghĩa là  đang học Tiến sĩ nhưng có qua quá trình giảng dạy rồi, mình đang viết luận án. Nếu không hiểu chương trình Mỹ, người ta nghĩ: Ồ!Là Tiến sĩ rồi. Thế nhưng thực sự một người ABD có nghĩa là chưa có bằng, chưa nộp luận văn.

Thực sự bây giờ cô Bích là sinh viên cao học, sắp viết luận văn ở Đại học Hawaii trong Khoa Hoa Kỳ học, chứ không phải là Tiến sĩ đang giảng dạy ở Yale.

Erik phải điều chỉnh lại thông tin một cách rõ ràng nữa là cô Bích đang sống ở đây, ở New Haven (bang Connecticut, nơi Đại học Yale tọa lạc).

Có một chương trình ngoại ngữ cho những sinh viên ở Yale muốn học thêm về ngoại ngữ. Ở Yale mình dạy tiếng Việt đến lớp hai. Có nghĩa là dạy hai năm tiếng Việt. Sau đó có sinh viên nào giỏi tiếng Việt, muốn tìm người dạy kèm tiếng Việt thì Yale sẽ thuê một người để dạy thêm một chút.

Trước đây mình không biết nhưng mà cô Bích có dạy tiếng Việt cho hai sinh viên ở đây. Sinh viên rất là giỏi tiếng Việt, muốn đọc báo hay là đọc sách gì đó thì họ gặp cô Bích. Ví dụ một tuần, một tiếng đồng hồ gì đó.

Thực sự thì có thể nói là cô Bích có dạy nhưng không phải trong chương trình chính thức ở Yale. Cô Bích có dạy kèm cho mấy sinh viên học ở Yale nhưng mà là dạy kèm ngoài giờ học cho mấy sinh viên ở Yale học thêm, ngoài giờ học bình thường.

Có thêm một câu mình nhớ là người ta có hỏi là cô Bích có dịch thuật tài liệu? Đây không phải là việc chính của Yale. Ví dụ có một ông giáo sư chuyên môn về Việt Nam muốn có sự giúp đỡ trong một vài tài liệu về lịch sử…

(Trích lại từ Blog của TS Nguyễn Văn Tuấn (tuan’s blog) – Úc)

———-

Trưởng Ban Việt ngữ Nguyễn Giang về bài của Đỗ Ngọc Bích trên BBC talawas blog

Trưởng Ban Việt ngữ BBC Tiếng Việt Nguyễn Giang trình bày một số quan điểm của BBC xoay quanh những tranh luận liên quan đến bài của tác giả Đỗ Ngọc Bích vào hôm 17/04/2010. Nguyễn Giang viết:

– Chúng tôi coi bài đăng hôm 17/04 của tác giả Đỗ Ngọc Bích là một dạng quan điểm riêng, không phải công trình nghiên cứu, tiểu luận khoa học.

– Bài thứ nhì xuất hiện vào ngày 20/04 vì BBC áp dụng quy tắc cho tác giả Đỗ Ngọc Bích quyền được phản hồi sau khi có nhiều bình luận gửi về bài đầu.

– Về sự chính xác trong cách giới thiệu tác giả, nhóm biên tập làm việc cuối tuần đã có sai sót vì khi đọc tiểu sử tác giả gửi cho, người đăng bài hiểu lầm học vị của bà là tiến sĩ. Ngay sau khi tác giả báo lại về điều này, chúng tôi đã cho sửa ngay và cáo lỗi về sự thiếu chính xác này trong phần bổ sung in đậm vào bài số một của tác giả.

———-

Phải làm gì nếu lịch sử bị bóp méo?

Lời bình 1:

Vụ “người phá đền” tốn hơi nhiều giấy mực phải có hồi kết thôi!

Phần tôi thì vì đi tham quan Nga bị kẹt không về Bỉ được, hôm nay mới về đến nhà viết vài dòng này. Do chỗ chuyên môn của tôi là đào tạo cao học, hơi bị căn bệnh nghề nghiệp, nên tôi thấy cần xem cô ấy là một học trò. Vì thế, xin ân cần hầu chuyện với cô ta tôi đã nhiều lần khuyên bảo học trò linh tinh của tôi tại VN, cũng có nhiều em có tác phong tương tự:

“Xem xong bài viết của cô, tôi nghĩ cô chưa xứng đáng có bằng Tú tài Việt Nam, cô chưa thông hiểu lịch sử VN, đã ngồi nhầm lớp đâu đó, hay cô đã dùng phao, hoặc đã “may mắn” gặp một tập thể thầy giáo “ai cũng xuất sắc, ai cũng cho đỗ” nên mới qua được đại học? Vậy xin cô hãy đi học lại, tự học cũng được thôi, nhưng phải thành khẩn học thực và qua trắc nghiệm lại.

Về luơng tâm, tư duy người đi học, người nghiên cứu, người công bố khoa học, thì quả là cô có nhiều thiếu sót. Cô không nên chạy theo danh hão, công bố bừa bãi gây phản cảm, tự hại mình, nhũng nhiễu xã hội. Bởi vậy, nếu chưa kịp phản tỉnh sửa đổi thì tôi sẽ không thể ủng hộ ký giấy giúp cô ghi tên theo lớp cao học. Cô xem hiện nay cô đang làm mất uy tín ĐH Yale, ĐH Hawaï, đài BBC… Dạy kèm tiếng Việt cho vài sinh viên mà tự nhận là giảng viên thì quả là gian dối quá lộ liễu đấy. Nếu không may, thầy cô ở Hawaï dễ tính cho cô bảo vệ thành công Ph. D. về Hoa kỳ học rồi cô cũng sẽ làm mất uy tín siêu cường Hoa Kỳ sau này thôi. Cô không ngần ngại phá hoại đền thiêng của dân tộc Việt có ai chắc cô sẽ không tiếp tục như vậy với sự tác hại trầm trọng hơn cho Tổ quốc của chồng cô.

Mong cô ghi nhận lời khuyên chân tình này”.

GS TSKH Nguyễn Đăng Hưng

Lời bình 2:

“Việc cố tình dùng những ức thuyết xuyên tạc lịch sử trên bục giảng của một trường đại học là điều có thể xảy ra trong bối cảnh tranh chấp chủ quyền lãnh thổ, nhất là những lãnh thổ quá xa lạ đối với sinh viên thế giới như Việt Nam. Viễn cảnh một nước lớn có thể lợi dụng kẻ hở của chương trình giảng dạy để cài người vào nhằm lèo lái những nhận thức lịch sử cho sinh viên là một lo ngại hợp lý và có phải, bắt đầu từ bây giờ người Việt nên tỉnh táo nhiều hơn nữa?” – Mặc Lâm.

BVN muốn góp thêm một ý với nhà báo Mặc Lâm: nếu như đây đúng thực là hiện tượng “cài cắm” nhưng ngộ nhỡ lại không phải là cài cắm của nước lớn thì sao? Cứ xét kỹ lời lẽ của bà ĐNB thì xác định cho được cái gọi là lai lịch bà ta trên phương diện đó thật không dễ chút nào. BVN đã có cảm giác ngờ ngợ ngay từ đầu khi đưa tin và bài về con người miệng lưỡi tai quái này. Mà trong thời buổi siêu lừa như hiện nay, chiêu lừa ranh ma nhất là làm cho những ai cả tin ngả theo một định kiến đã có sẵn. Dẫu sao, dù có tài biến hóa đến đâu, đối với người Việt vốn sẵn lòng yêu nước cũng không phải là khó nhận dạng. Cứ hãy chờ đấy rồi xem.

Bauxite Việt Nam

Cư dân mạng đang xôn xao vì một bài viết nêu lên quan điểm của một giáo sư nói về lịch sử Việt Nam.

Vấn đề lịch sử, văn hóa và chủ quyền

Bài viết với một văn phong quá khích cùng những quan điểm bài bác tất cả các ấn chứng lịch sử của Việt Nam, qua đó muốn chứng minh rằng dân tộc Việt Nam vốn phát xuất từ Trung Quốc và từ đó không nên có những tranh luận về vấn đề biển đảo với họ.

Bài viết có tựa đề “Một cách nhìn khác về tinh thần dân tộc” được post trên trang mạng của BBC trong mục diễn đàn được rất nhiều người theo dõi. Tên tác giả được ghi dưới bài viết là TS Đỗ Ngọc Bích, cùng với lời ghi chú “Bài viết phản ánh quan điểm và lối hành văn của tác giả với chuyên môn là Tiến sĩ về Quan hệ Quốc tế và Hoa Kỳ học, hiện đang giảng dạy Việt học và tham gia dịch thuật các công trình sử học cổ, trung đại của VN tại Đại học Yale, Hoa Kỳ”.

Thường thì những tranh luận cho dù có gay gắt đến mấy trong các forum thì cũng không gây nên sự chú ý quá mức của giới trí thức trong và ngoài nước. Tuy nhiên lần này với một chủ đề bức bối, cộng với chức danh, học vị của tác giả bài viết đã gây sửng sốt và phản ứng từ nhiều phía.

Ý kiến cho rằng người Việt ở Nam Trường Giang nhưng điều đó vẫn chưa chứng minh được đầy đủ. Còn bà ấy bảo rằng Việt Nam cái gì cũng của Trung Quốc là bà ấy sai 100%.

Nhà giáo Hà Văn Thịnh

“Với một cách nhìn khác” như tiêu đề của bài viết Bà Bích đưa ra các luận điểm như sau:

Người trẻ Việt Nam không nhận ra được rằng Việt Nam thực ra cũng là một phần trong da thịt của Trung Quốc, chia sẻ nguồn gốc văn hóa và tư tưởng, và nhận được khá nhiều ân huệ từ Trung Quốc trong suốt hơn 20 năm chiến tranh (1950-1975).

Trong phần sau, nặng nề hơn, bà Bích đặt những câu hỏi chung cho cả những ai có quan tâm về cách ứng xử của nhà nước đối với sự việc nhưng lại có vẻ thiếu sự hiểu biết về nguồn gốc lịch sử của mình, bà viết:

Có một câu hỏi đặt ra là “Tại sao người dân thanh niên trí thức Việt nam có tư tưởng phê phán, sẵn sàng nghi ngờ, bác bỏ những điều mà nhà nước Việt Nam đang tuyên bố và thi hành, mà lại không sẵn sàng phê phán chính hiểu biết về lịch sử của họ hay những điều mà nhà nước Việt Nam tuyên bố và thi hành từ 50 năm trở lại đây?”

Chúng ta quen nghe “Lịch sử Việt Nam 4.000 năm dựng nước”, liệu có bao giờ tự hỏi xem cái con số 4.000 ngàn năm ấy lấy ở đâu ra? Liệu có đúng như vậy không? Mảnh đất Việt Nam có hình thù thế nào trước thời Triệu Vương?

Một thực tế là lịch sử Việt Nam suốt hơn 2.000 năm từ thời Triệu Đà đến thời Nguyễn, cho dù thỉnh thoảng có tuyên bố “Sông núi nước Nam, Vua Nam ở”, thì Việt Nam vẫn luôn là một phần của Trung Quốc.

Người dân Việt Nam bắt nguồn từ Trung Quốc, Vua của Việt Nam cũng khởi tổ từ người Trung Quốc, coi vua Trung Quốc như anh như cha… từ Ngô Quyền, Đinh Bộ Lĩnh, hay Lý Công Uẩn, rồi các gia tộc họ Trần, Lê, Nguyễn, v.v.

Chúng ta đã bao giờ tự hỏi mình xem lịch sử Việt Nam mà chúng ta học có đúng là lịch sử không?

Rồi bà Đỗ Ngọc Bích quay sang cật vấn những bằng chứng chủ quyền của đất nước trong đó tập trung đến hai quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa, bà viết:

Chúng ta coi Trường Sa và Hoàng sa thuộc về Việt Nam từ khi nào?

Hiệp ước Tự Đức hiến đất Cochinchina cho Pháp (1862), Hiệp ước nhà Thanh thỏa hiệp với Pháp về quyền cai trị An-nam và Tonkin (1885), hay các tuyên ngôn độc lập tự chủ sau này có nhắc đến chủ quyền của mấy cái đảo ấy không?

Chính quyền Việt Nam Cộng hòa có bao giờ tuyên ngôn chủ quyền các đảo đó không, hay chỉ mãi đến năm 1974 mới điều hải quân ra trấn giữ và bảo vệ? Chúng ta đã bao giờ dành thời gian nghiên cứu xác nhận thông tin trước khi đấu tranh đòi chủ quyền chưa nhỉ?

Một trong những trí thức phản hồi sớm nhất đối với bài viết là nhà giáo Hà Văn Thịnh, hiện giảng dạy tại Đại Học Huế, ông nói:

Cái đó thì sai hoàn toàn bởi vì hình thành dân tộc Việt là một điều vô cùng phức tạp. Về mặt nguồn gốc mà nói thỉ chủ yếu là Đông Nam Á chứ không phải như bà ấy nói là người hán xuống như vậy. Có những chuyện này chuyện khác trong 1000 năm Bắc thuộc thì chuyện ấy là chuyện bình thường nhưng cái gốc, cái nền của nó vẫn là Việt không thể khác được.

Bà này vốn ở Hà Nội, từng học đại học ở Hà Nội, nên xem bà xuất thân ở trường nào mà lại có cái vốn kiến thức kỳ quặc đến như vậy.

GS. Phan Huy Lê

Tôi đã đến Thượng hải, đến Hàn Châu, tôi thấy rằng cái văn hóa ẩm thực ở đó nó khác hoàn toàn so với Bắc Kinh. Ý kiến cho rằng người Việt ở Nam Trường Giang nhưng điều đó vẫn chưa chứng minh được đầy đủ. Còn bà ấy bảo rằng Việt Nam cái gì cũng của Trung Quốc là bà ấy sai 100%.

Đối với GS Phan Huy Lê, Viện trưởng viện Sử học Việt Nam [Chủ tịch Hội Sử học Việt Nam] thì dứt khoát cho rằng những lời lẽ trong bài viết của bà Đỗ Ngọc Bích là không đáng bàn tới, ông nói:

Bài này thật ra không đáng để thảo luận. Tất cả những ý kiến không cần chuyên gia mà ý kiến của người bình thường cũng đủ để nói lên cái bản chất cái ý kiến của bà này rồi. Bà này vốn ở Hà Nội, từng học đại học ở Hà Nội, nên xem bà xuất thân ở trường nào mà lại có cái vốn kiến thức kỳ quặc đến như vậy.

Sự thật về chức danh TS mà bà Bích trưng ra trong bài viết thì sao? đối với việc này GS Ngô Vĩnh Long, hiện đang giảng dạy tại đại học Main, Hoa Kỳ cho biết Bà Đỗ Ngọc Bích chỉ là một nghiên cứu sinh chứ hoàn toàn không phải là TS hay Giáo sư giảng dạy tại đại học Yale như bà công bố. Ông cũng đưa ra một vài thông tin liên quan đến bài viết như sau:

Tôi có liên hệ với Yale và một số người khác. Ban đầu khi bài này ra thì tôi muốn lơ đi nhưng thấy người ta phản ứng nhiều quá mà như vậy thì mất mặt Trường đại học Yale, và một Giáo sư ở đó là anh Erik Harms đã viết thư đính chính gửi cho BBC nói về vị trí thật của bà này rồi.

Phải làm gì?

Có lẽ cộng đồng người Việt trong và ngoài nước sau vụ này nên chú tâm tới sự phá hoại ngầm có chủ trương của những thế lực thật sự chống Việt Nam, hơn là lời lẽ của một bà nghiên cứu sinh nhưng lại lạm danh để bài viết của mình tăng thêm trọng lượng.

Giả định rằng bà TS Bích là một GS thật sự như bà tuyên bố thì sự việc nghiêm trọng hơn nhiều. Vì phụ trách giảng dạy bộ môn lịch sử Việt Nam cho sinh viên  Hoa Kỳ tại trường đại học ưu tú cỡ như Đại học Yale, bà sẽ đem bằng được các luận cứ chống lịch sử Việt Nam để gieo vào kiến thức của sinh viên Mỹ như thế thì trí thức thế giới sẽ nhìn nhận quá trình hình thành đất nước Việt Nam như thế nào?

Khi phát hiện một trường hợp như thế thì chống lại bằng cách nào? GS Trần Hữu Dũng, hiện giảng dạy bộ môn kinh tế tại Đại học Ohio cho biết:

Có thể đặt ra với người đứng đầu bộ môn và yêu cầu họ điều tra vấn đề này. Người đứng đầu department sẽ giải quyết vấn đề này.

Giáo sư Ngô Vĩnh Long cũng cùng quan điểm với GS Dũng khi cho rằng nên thông báo nơi người có vấn đề đang giảng dạy. Trường này sẽ có cuộc điều tra và có biện pháp đối với người vi phạm.

Có thể đặt ra với người đứng đầu bộ môn và yêu cầu họ điều tra vấn đề này. Người đứng đầu department sẽ giải quyết vấn đề này.

GS. Trần Hữu Dũng

Nhiều ý kiến cho rằng đây là lúc nên nhìn sự việc dưới các góc khuất của vấn đề khi mà cục diện ngày càng cho thấy sức ép của các thế lực ngày một đè nặng hơn trên chủ quyền của Việt Nam.

Việc cố tình dùng những ức thuyết xuyên tạc lịch sử trên bục giảng của một trường đại học là điều có thể xảy ra trong bối cảnh tranh chấp chủ quyền lãnh thổ, nhất là những lãnh thổ quá xa lạ đối với sinh viên thế giới như Việt Nam. Viễn cảnh một nước lớn có thể lợi dụng kẻ hở của chương trình giảng dạy để cài người vào nhằm lèo lái những nhận thức lịch sử cho sinh viên là một lo ngại hợp lý và có phải, bắt đầu từ bây giờ người Việt nên tỉnh táo nhiều hơn nữa?

Nguồn: RFA 21-4-2010

———-

Nhân vụ “TS Đỗ Ngọc Bích”, nhớ lại vài nguyên tắc báo chí

Một cách nhìn khác về tinh thần dân tộc” là tựa đề bài viết đăng ngày 17/4 trên BBC Việt ngữ của tác giả Đỗ Ngọc Bích. Chị Bích là một Facebook friend của tôi, do đó tôi đã chú ý đọc bài này ngay hôm BBC đăng tải. Nói chung thì chỉ cần lướt qua một lần là đủ thấy bài viết sẽ gây phản ứng như thế nào trong dư luận độc giả.

Để phân tích tỉ mỉ từng ý, từng câu chữ, chỉ ra từng điểm đúng và chưa đúng về mặt học thuật, thì mất thời gian và nhiều bạn đọc của BBC đã làm rồi. Ở đây, tôi chỉ muốn nhận xét bài như một biên tập viên bình thường đọc bài của một cây viết nào đó.

Tôi không nghĩ chị Bích là “Hán gian” hay “Việt gian”, “điệp Tàu”, v.v. Nếu có thể nhận xét ngắn gọn, tôi chỉ thấy chị… dại, với tư cách một người viết. Không nói chuyện học thuật, kiến thức lịch sử, kiến thức về quan hệ quốc tế, xét thuần túy về mặt báo chí, chị Bích vi phạm một nguyên tắc quan trọng: phải hiểu tâm lý độc giả trước khi viết.

Tâm lý của độc giả, khán giả, thính giả… chúng ta nói chung là “thích những nội dung sẽ củng cố thái độ, quan niệm hiện thời của chúng ta, và ta có xu hướng phản ứng với những ý tưởng đi ngược lại niềm tin của mình. Do vậy, nhà sản xuất (chương trình truyền hình)/ người làm báo v.v. phải cẩn thận trong việc đưa ra những ý tưởng có thể sẽ “chà đạp” lên các quan niệm vốn dĩ phổ biến.” (Ron Whittaker)

Điều này có nghĩa là người viết nói chung nên tránh những chủ đề “đi ngược lại niềm tin cố hữu” của độc giả. Vì vậy, nếu bạn định viết “mặc quần là khiêu dâm, cởi truồng mới là đứng đắn” thì cần chuẩn bị tinh thần nghe chửi, tốt nhất là mua lấy cái rổ trước đã. Khi bạn đang ở Angola thì đừng dại mà gọi người dân ở đó là lũ mọi đen không có ngôn ngữ riêng, phải dùng tiếng Bồ Đào Nha, chao ôi thật là nhục .v.v.

Ai cũng biết quan hệ Việt Nam – Trung Quốc, kiểu quan hệ giữa một nước nhỏ và một nước lớn ở bên cạnh nhau (nghĩa đen), luôn luôn tiềm ẩn khả năng bùng nổ mâu thuẫn, xung đột. Không riêng Việt Nam với Trung Quốc mà tất cả các nước nhỏ ở cạnh nước lớn đều có thể bị chèn ép hoặc ít nhất cũng có tâm lý của kẻ bị bắt nạt. Tôi từng gặp một vài người Na-Uy rất ghét nước Nga, vì “ngày xưa chúng nó lấy đất của chúng tao”. Huống chi Trung Quốc hành xử chưa bao giờ là đàn anh, độ lượng với các láng giềng – cái này liệt kê bằng chứng ra chắc là cần cả chục công trình nghiên cứu.

Vì lẽ đó, xét về khía cạnh tâm lý, người Việt Nam rất khó tránh khỏi cảm giác ghét bỏ Trung Quốc – gần như một mối “cừu thù” nằm sâu trong tiềm thức. Chị Đỗ Ngọc Bích lại “khiêu khích” người đọc bằng một bài viết với nhiều lời lẽ đả kích như vậy, thì chưa cần biết chị nói đúng/ sai thế nào, có bị nguyền rủa, đe dọa cũng là dễ hiểu.

Cần nói rõ thêm, nguyên tắc trên chỉ áp dụng cho báo chí. Nếu chị Bích viết bài “Một cách nhìn khác về tinh thần dân tộc” và đưa lên bích báo của lớp 10A trường PTTH ABC xã XYZ gì đó, hoặc viết xong cất vào nhật ký, thì chẳng sao. Nếu chị Bích có cả một công trình nghiên cứu đồ sộ, cỡ đề tài khoa học cấp Bộ, Nhà nước… chứng minh sự lệ thuộc của Việt Nam vào Trung Quốc, tổ tiên người Việt là người Trung Quốc… thì việc phản biện xin dành cho cơ quan chủ quản và các nhà khoa học. Có điều trường hợp này thì khác hẳn, bởi chị đang viết cho một tờ báo – trang mạng của BBC Việt ngữ.

Như vậy phải chăng là nhà báo không thể viết những điều “có thể sẽ ‘chà đạp’ lên các quan niệm vốn dĩ phổ biến”? Câu trả lời tùy quan niệm mỗi người. Cá nhân tôi cho rằng nếu viết, nhà báo phải cực kỳ thận trọng, khéo léo, cân nhắc từng từ ngữ, lập luận chặt chẽ và đầy đủ căn cứ. Cần khẳng định ngay là kể cả làm như vậy cũng không đảm bảo 100% độc giả sẽ “nhất trí cao” với người viết, và nói chung các chiến hữu làm báo chắc ai trong đời cũng ít nhất một lần bị chửi te tua.

Ngoài ra, có những chủ đề nhà báo tuyệt đối không nên động vào, nếu chủ đề đó có nguy cơ rơi vào một trong các trường hợp sau: kích động bạo lực, tội ác, kích động hằn thù dân tộc, cổ vũ cho sự phân biệt đối xử dưới bất kỳ hình thức nào – kỳ thị chủng tộc, giới tính, tôn giáo, địa phương, v.v. Một người bạn (đồng tính) của tôi nói rằng, anh căm thù những tựa báo kiểu như “Giết bạn tình đồng tính”, “Hai người đồng tính giết người cướp của”, “Đêm thác loạn của gay“, “Một kiếp bị giời đầy”, vân vân và vân vân.

Chị Bích có thể nói rằng mình không phải nhà báo, tuy nhiên bài viết của chị lại là dành cho một cơ quan truyền thông đại chúng, vì vậy nếu chị không nhận lỗi thì lỗi này sẽ được “kính chuyển” từ chị sang tòa soạn. Không thể trách độc giả đã mạt sát chị. Không thể nào tuyên bố: “Tôi không đọc, không chấp nhận, và không đáp lại những lời lẽ xúc phạm thô bỉ của những người phê phán, chỉ trích tôi”.

Cuối cùng, xin chia sẻ với các bạn làm báo và không làm báo một “bí kíp” – đúng hơn là lời khuyên tôi nhận được từ một nhân vật mình từng phỏng vấn: “Trong hoàn cảnh Việt Nam hiện nay, người viết phải viết sao để chính quyền (buộc) phải lắng nghe, nhân dân yêu mến, và kẻ thù thì không thể lợi dụng”.

Bài viết của chị Đỗ Ngọc Bích chắc chắn không được nhân dân yêu mến, kẻ thù của Việt Nam hoàn toàn có thể lợi dụng, còn chính quyền Việt Nam ngày nay cũng như chính quyền Sài Gòn trước năm 1975 hẳn cũng chẳng vui gì.

Với một bài báo vi phạm hoàn toàn các nguyên tắc hay là tiêu chuẩn của báo chí như vậy, không hiểu tác giả viết làm chi?…

+++++

Bổ sung thêm một đoạn: Trong bài trả lời độc giả, chị Đỗ Ngọc Bích cho biết chị viết vì “muốn tìm ra nguyên cớ tại sao họ (các blogger trong nước và hải ngoại) ghét TQ và một số lãnh đạo VN đến thế, và cố gắng làm cho họ bớt thù hận, bình tĩnh, rộng lượng hơn một chút với một số bối cảnh ngoại giao Việt Trung hiện thời“. Đến đây tôi xin trở lại ý trên: Nếu viết, nhà báo phải cực kỳ thận trọng, khéo léo, cân nhắc từng từ ngữ, lập luận chặt chẽ và đầy đủ căn cứ.

Theo ngu ý của tôi thì cũng với những ý đó của chị Bích, một nhà báo rất tài năng có thể cho ra một bài viết không đến nỗi hứng một trận mưa chửi. Người viết tay nghề vừa phải thì chẳng nên liều, như nhà em thì chạy cho mau, kiểu như “các cụ” ta dạy “đã yếu đừng ra gió” ấy mà!

Nguồn: http://trangridiculous.blogspot.com/2010/04/nhan-vu-ts-o-ngoc-bich-nho-lai-vai.html

—————–

Nhà báo có nên tiết lộ nguồn tin xâm hại tình dục?

“Chúng tôi hiểu nếu trở thành nhân chứng của những vụ xâm hại thì chúng tôi nhất định sẽ nói ra sự thật, vì vậy, chúng tôi đã không giấu mặt sau những tấm biển của tòa báo.” – Phóng viên điều tra Laurent Richard của tờ France 2 chia sẻ.

“Chúng tôi hiểu nếu trở thành nhân chứng của những vụ xâm hại thì chúng tôi nhất định sẽ nói ra sự thật, vì vậy, chúng tôi đã không giấu mặt sau những tấm biển của tòa báo.” – Phóng viên điều tra Laurent Richard của tờ France 2 chia sẻ.

Tiết lộ nguồn tin: Phản bội đạo đức nghề nghiệp?

Nói rằng lạm dụng tình dục trẻ em là một “vấn đề nhạy cảm” thì  vẫn chưa đủ để diễn tả hết những bức xúc nóng bỏng xung quanh loại hình tội phạm này.

Tuy nhiên tại Pháp, ngay trong tuần vừa rồi đã diễn ra những cuộc tranh luận gay gắt về đạo đức nghề báo sau khi một chương trình truyền hình quyết định đưa ra ánh sáng những nguồn tin mà họ đã sử dụng trong quá trình làm việc. Điều đáng nói là, những nguồn tin này chính là những kẻ bệnh hoạn đã và có thể sẽ thực hiện hành vi lạm dụng tình dục trẻ em.

Trong khi điều tra bí  mật để lấy tin cho chương trình mang tên Pedophiles: The Predators (Những kẻ dạ thú xâm hại trẻ em), phần mới nhất trong chuỗi phóng sự điều tra Les Infiltrés của mạng France 2, phóng viên Laurent Richard đã tiếp cận và giao tiếp với rất nhiều người đã hoặc có xu hướng lạm dụng tình dục trẻ em cả trên mạng và ngoài đời thực.

Khi thực hiện bài phóng sự của mình, Richard đồng thời vào vai một bé gái 12 tuổi và một kẻ ham thích tình dục trẻ em để có thể truy cập vào mạng lưới của những kẻ sưu tầm ảnh khiêu dâm trẻ em. (Ảnh: TIME)

Richard tố giác những kẻ này với cảnh sát theo bổn phận của một công dân. Nhưng câu hỏi đặt ra là: khi phản bội lại những nguồn tin của mình – dù đó chỉ là những kẻ đốn mạt – liệu Richard và những người sản xuất chương trình có đang phản bội lại đạo đức nghề nghiệp của chính họ hay không?Đây là câu hỏi đang được tranh luận trên khắp các đài phát sóng, các tờ tin và diễn đàn ở Pháp kể từ khi 2.2 triệu người cùng xem chương trình phát đi vào tối ngày 6 tháng 4.

Không giấu mặt

Khi thực hiện bài phóng sự của mình, Richard đồng thời vào vai một bé gái 12 tuổi và một kẻ ham thích tình dục trẻ em để có thể truy cập vào mạng lưới của những kẻ sưu tầm ảnh khiêu dâm trẻ em. Anh còn đi đến Montreal để gặp một tên bệnh hoạn đã xâm hại nhiều trẻ em và bí mật quay phim gã này khi hắn say mê thuật lại kế hoạch nhắm tới nhiều nạn nhân nữa.

Ngay từ đầu, Richard và nhà sản xuất chương trình, cơ quan báo chí CAPA, đã quyết định sẽ không bảo vệ những nguồn tin trong quá trình điều tra của họ. Richard nói với tờ nhật báo Libération rằng: “Chúng tôi hiểu nếu trở thành nhân chứng của những vụ xâm hại tình dục thì chúng tôi nhất định sẽ nói ra sự thật, vì vậy, chúng tôi đã không giấu mặt sau những tấm biển của tòa báo.”

Những tiết lộ của họ đã dẫn đến việc 20 kẻ phạm tội bị bắt giữ ở Canada và Pháp, trong đó có cả một cố vấn thành phố ở ngoại  ô Paris năm nay đã 64 tuổi. Ông này sẽ bị  lĩnh án xâm hại tình dục trẻ em vào tháng 6 tới do có những hành vi tán tỉnh gợi dục với phóng viên đang đóng vai một đứa trẻ trong phòng chát.

Để bảo vệ cho quyết định của mình, các nhà sản xuất đã dẫn viện điều luật qui định những người nắm thông tin về các trường hợp chuẩn bị phạm pháp phải báo cáo với nhà chức trách. (Ảnh: France2)

Theo ông Hervé Chabalier, chủ tịch của hãng CAPA, lựa chọn ở đây rất rõ ràng: “Chúng tôi là những nhà báo, nhưng trên tất cả chúng tôi là những công dân. Đó chính là lý do chính đáng nhất khiến chúng tôi làm như vậy.”Để bảo vệ cho quyết định của mình, các nhà sản xuất đã dẫn viện điều luật qui định những người nắm thông tin về các trường hợp chuẩn bị phạm pháp phải báo cáo với nhà chức trách.

Tuy nhiên, điều này không thuyết phục được Dominique Pradalié, tổng thư ký của Hiệp Hội Nhà Báo Quốc Gia (National Union of Journalists) đặt tại thủ đô Paris. Bà nói với dịch vụ kết nối toàn cầu của hãng thông tấn Agence France-Presse: “Các nhà báo không bao giờ tiết lộ nguồn tin của mình. Đó là vấn đề nguyên tắc.”

Yves Bordenave của tờ  Le Monde cũng khẳng định rằng đó là một nguyên tắc được bảo vệ bởi luật pháp, ông viết trên tờ Le Monde: “Tuyệt đối tôn trọng nguyên tắc này cho chép các nguồn tin [bao gồm các quan tòa, tội phạm, chính khách] có thể cung cấp thông tin chính xác cho nhà báo, với sự đảm bảo chắc chắn rằng họ sẽ không bị tố giác ngay cả dưới tráp đòi của tòa án.” Theo ông, khi gạt đi nguyên tắc này, chương trình Les Infiltrés đã “phát minh ra một thể loại báo chí mới: báo chí phụ tá cho cảnh sát.”

“Không sai nhưng khó có thể gọi đó là nghề báo”

Đối với tờ Humanité, việc làm này rõ ràng mâu thuẫn với những điều khoản cơ bản nhất trong đạo đức làm báo. Trên một bài xã luận, tờ báo này dẫn một trích đoạn trong điều lệ báo chí của Pháp:” Để xứng đáng với danh hiệu của mình, một nhà báo không được phép che giấu bản thân bằng những hình ảnh hay nhận dạng tưởng tượng và không được nhầm lẫn vai trò của mình với vai trò của một người cảnh sát.”

Ở Pháp đang tranh cãi về đạo đức nghề báo khi tiết lộ nguồn tin (Ảnh: postblog)

Christian Aghroum, giám  đốc Đơn Vị Tội Phạm Mạng Quốc Gia (National Cybercrime Unit), nói ông lo sợ rằng những hành động này của các nhà báo có thể kích động những người bình thường tự nguyện tìm kiếm các tội phạm lạm dụng trẻ em ở trên mạng. “Hãy để chúng tôi làm việc của mình,” Aghroum nói trong một buổi tranh luận được truyền hình trực tiếp.Richard và CAPA khẳng định ý đồ ban đầu của họ không bao gồm việc tố giác, tuy nhiên khi nghe nói tội ác sắp được thực thi thì họ tin rằng cần phải báo với cảnh sát. Dẫu vậy, nhà bình luận Frédéric Bonnaud nói lời bào chữa này đã bỏ qua một luận điểm lớn hơn: “Vấn đề là Richard đáng ra không nên tự đặt mình vào cuộc điều tra ngay từ đầu,” ông nói trên đài Europe 1.

Bonnaud cho rằng những cách mà Richard đã dùng cũng giống như cách các phóng viên ảnh tạo ra xung đột giữa hai bên đối lập để họ gây chiến và từ đó chộp được những bức ảnh chiến tranh.

Nhưng liệu người ta có  nên né tránh những sai lầm như của Les Infiltrés lần này không? Không nhất thiết phải vậy. Nhà bình luận truyền thông Daniel Schneidermann viết trên trang web của mình: “Tôi không nghĩ là họ đã sai khi làm thế. Tuy nhiên, chúng ta phải tìm ra một cái tên khác để gọi cho hoạt động này. Nó nằm giữa công việc của cảnh sát và những người làm phim về cuộc sống hoang dã. Riêng phần mình, tôi khó có thể gọi đó là nghề báo.”

Cứu vãn cơn khủng hoảng niềm tin

Cứ gọi nó là bất cứ thứ gì bạn muốn, nhưng cách làm này đang được áp dụng rộng rãi. Để viết bài cho số báo gần đây trên tờ tuần báo LeMag2 Lyon, các phóng viên đã kiểm tra phản ứng của các giám mục – trong đó có cả tổng giám mục của tòa Lyon – bằng cách giả làm con chiên đến nhà thờ và thú nhận rằng họ đã từng bị hãm hiếp bởi các mục sư.

Tổng biên tập Philippe Brunet-Lecomte nói rằng cách làm này của các nhà báo là nhằm cứu vãn “cơn khủng hoảng niềm tin”  đang thách thức giới truyền thông hiện nay. Ông nói với đài truyền thanh France INFO: “Những điều tra như vậy cho phép chúng ta đến được với sự thực đằng sau sách vở và lý luận giáo điều.”

Sự thực trong trường hợp này là đức tổng giám mục đã khuyên nhà  báo trong vai con chiên đến gặp cảnh sát. Tất cả  mọi người đều đồng ý đây là một tin tốt lành. Tuy nhiên để thống nhất xem đây có phải là một cách tốt để hành nghề báo chí không thì còn phải cần nhiều tranh luận.

Đăng nhận xét: (Các bạn nhớ đề tên khi đăng nhận xét)