Nho Thần Sợ Đàn Bà


Nho Thần Sợ Đàn Bà

Nguyễn Xuân Nghĩa – Đinh Quang Anh Thái – Giờ Giải Ảo 10091214

Cách nhìn phụ nữ của người xưa có là một vấn đề…
Di tượng Dương Thái hậu….

ĐQAThái: Thưa quý thính giả, như mỗi tối Thứ Ba sau chín giờ, đài NVR phát thanh trên băng tần 1190AM và trên mạng lưới điện toán toàn cầu kxmx.com xin trở lại chương trình Giờ Giải Ảo với ông Nguyễn Xuân Nghĩa do Đinh Quang Anh Thái phụ trách. Xin kính chào ông Nghĩa.
Nguyễn Xuân Nghĩa: – Xin kính chào anh Thái và quý thính giả ở gần xa.
ĐQAThái: Tiếp theo các chương trình trước, kỳ này, xin yêu cầu ông nói tiếp về đề tài hấp dẫn là “bóng hồng trong lịch sử” vì câu hỏi là “ta có cần tự giải ảo về chuyện phụ nữ hay chăng”?
Nguyễn Xuân Nghĩa: – Kỳ này tôi xin được đụng vào một vấn đề rất nhạy cảm là cách dân ta sống là một đàng ở dưới, và cách các sử gia nho thần ở trên viết lại và lưu truyền cho đời sau.
– Chúng ta nghiệm thấy là có một sự cách biệt rất đáng kể và khi có sự cách biệt thì đấy là một vấn đề, nôm na là sống một đàng nói một nẻo. Hiện tượng “nhị trùng” ấy tồn tại cho đến ngày nay khi đảng và nhà nước nói một đàng, luôn luôn là đạo đức cao đẹp, khi thực tế lại hoàn toàn trái ngược. Mâu thuẫn tâm lý ấy khiến giới trẻ không tin nữa và nhoài mình ra ngoài, đi tìm giá trị khác và dần dần mất luôn bản sắc văn hoá lẫn ý thức đấu tranh, là điều cực kỳ tai hại.
ĐQAThái: Ông có thể nêu ra vài thí dụ về hiện tượng ấy không?
Nguyễn Xuân Nghĩa: – Một thí dụ là sau khi đòi xé áo dài và cắt quần loe ở trong Nam vì tội phong kiến hay  đồi truỵ mà hiển nhiên nhiều thính giả vẫn còn nhớ trong gian đoạn đầu của 1975, gày nay trong nước cũng có ngày Valentine rất ngô nghê. Trong khi ấy, đại đa số đã quên mất nhiều hội hè ngợi ca tình yêu trai gái của dân mình! Từ đó, ta thấy ra đề tài cấm kỵ là dục tính, chuyện “sex”, trong khi hồn nhiên xuất cảng cô dâu qua Đông Bắc Á.
– Xưa kia, nét văn hoá “phồn thực”, nôm na là đề cao việc âm dương giao hợp vì ý thức sinh tồn, là một thực tế xã hội của ta trong nhiều thời đại. Đây là một tập quán phổ biến trong các nền văn minh nông nghiệp trên thế giới, cụ thể là người ta thờ các sinh thực khí của cả đàn ông lẫn đàn bà, và dân ta có nhiều lễ hội trưng bày các vật lạ mà quen ấy. Khi tiếp nhận văn hoá Ấn Độ, dân ta hệ thống hóa chuyện ấy qua việc thờ phượng sinh thực khí, đa số là của người nam, mà không thấy đó là tục tĩu. Sau này, người ta mới phủ lấp, che giấu hoặc chép kinh trên các cột đá mà nguyên ủy là biểu tượng của cái dương vật, thực chất là biểu tượng của thần Shiva.
– Tại miền Bắc, nhiều làng còn đi xa hơn. Trong các dịp lễ lạc trình bày lại hành động giao hợp ấy, một cách tượng trưng, lẽ dĩ nhiên, như truyện ông Đùng bà Đà. Cũng có làng cho phép trai gái giao du và còn tắt đèn trong một khoảng thời gian khá dài ban đêm mà không có chế độ kiểm duyệt… Nhu cầu sinh tồn, nôm na là sinh con đẻ cái, có thể là một động lực. Nhưng dù sao, chuyện âm dương trai gái ấy không bị coi là trái lẽ tự nhiên, hoặc thô tục và phải tránh né. Và cần nói thêm rằng đấy là một sinh hoạt tự nhiên của loài người, vì… “xin đừng bảo rằng dâm là xấu, không có dâm sao nẩy ra hiền!”
ĐQAThái: Thế rồi vì sao mình lại kiêng kỵ tránh né?
Nguyễn Xuân Nghĩa: – Là khi ta học được nét văn hoá của Trung Hoa, thì các bậc hiền tài ấy bỗng thấy xấu hổ, tắt đèn kéo màn che giấu chuyện ấy. Trong khi… ban đêm thì các quan lớn vẫn tần mần như ma. Nghĩa là ban ngày thì kết án chuyện dâm dục, nhưng thực tế thì vẫn rất tích cực trong chuyện ấy trong những lúc tối lửa tắt đèn. Điều ấy mình có thể hiểu được. Nhưng xuyên qua phản ứng sạch sẽ này đến nỗi khi nói đến các bộ phận sinh dục thì phải dùng  từ Hán-Việt thì mới là không tục, ta còn thấy chuyện đáng buồn hơn, đó là tinh thần khinh miệt phụ nữ, là partner, là đối tác, là người bạn đồng hành và đồng sàng cần thiết cho sinh hoạt ấy. Đấy mới là điều đáng nói.
–  Khi các nhà nho được giao cho nhiệm vụ viết sử, họ viết sử trong tinh thần kể lại để làm gương. Trong cách kể đã có phản ứng “tự ý đục bỏ” nghĩa là kiểm duyệt. Họ không kể lại sự việc như đã thực tế xảy ra, và lồng bên trong là lời phán đoán, mà phán đoán một cách nghiệt ngã. Vì vậy mà trong thời độc lập sau hơn ngàn năm Bắc thuộc, các sử gia viết lại mà viết sai về vai trò của các bà, coi đó như hành động mờ ám, u mê, trái đạo. Nếu mình không hiểu ra tinh thần “cải tạo xã hội” của các sử gia thời xưa thì sẽ đáng giá sai công lao của các phụ nữ thời trước…
– Một thí dụ tôi cứ nhắc đến là nhiều công chúa đời Lý được gả cho các tộc trưởng bộ lạc thiểu số mà Nho thần về sau rất khinh bỉ. Các sắc tộc này thật ra là đồng bào của ta và sau này nhiều người đã lên làm vua, như Lê Lợi, hoặc làm chúa như Trịnh Kiểm, và nếu coi khinh họ thì chả hoá ra đã bán rẻ công chúa để mua hòa bình từ một lũ mọi rợ sao?
ĐQAThái: Có phải vì vậy mà trong nhiều chương trình, ông nhắc đến việc các ông vua đời Ngô Quyền, Đinh Tiên Hoàng, Lê Hoàn hay Lý Công Uẩn đều có cùng lúc rất nhiều bà Hoàng hậu và nhiều bà còn có tên hiệu mang chữ “quốc”?
Nguyễn Xuân Nghĩa: – Thưa đúng vậy và việc ấy lại bị các sử gia đời sau kết án nặng.
– Theo quan niệm bị Hán hoá mà cứ gọi là Vương hoá, họ cho rằng vua chỉ được có một hoàng hậu thôi, còn cung tần mỹ nữ thì cả trăm cả ngàn không kể. Lý do của họ là để giữ thể thống về đạo đức, ngầm bên dưới là để giữ sự ổn định chính trị trong việc chuyển quyền vì chỉ có con trai lớn của hoàng hậu mới được lên ngôi thái tử rồi sẽ làm vua. Thực tế thì việc chuyển quyền lý tưởng như vậy rất ít xảy ra, chuyện tranh đoạt quyền bính giữa các hoàng tử và vây cánh vẫn là quy luật phổ biến, một điển hình là bi kịch chính trị khiến Nguyễn Trãi mất mạng mà hậu thế dốt nát còn đổ cho bà Thị Lộ và truyền thuyết về con rắn báo oán. Học trò của Nguyễn Trãi khi thành sử thần cũng không dám viết ra sự thật về nổi oan này.
– Trở lại việc các triều vua trong thời độc lập từ nhà Ngô tới nhà Lý, từ năm 939 đến suốt thế kỷ 11, thì thực tế xã hội và chính trị đòi hỏi các vị vua ấy phải có nhiều hoàng hậu vì mỗi bà lại có ảnh hưởng – có khi là kinh tế – trong một khu vực địa dư mà nhà vua cần tranh thủ trên một lãnh thồ thật ra có quá nhiều phân tranh. Các sử gia đời sau không hiểu ra bài toán đời trước nên mới kết án mấy ông vua ấy là không biết phép tắc. Đời nay mà đọc sử do họ chép lại, chúng ta nên có cái nhìn thực tiễn hơn để không chủ quan duy ý chí!
– Và nếu nhìn lại như vậy, mình có thể viết ra cả trăm câu chuyện ly kỳ về đàn bà, quyền bính, hay tranh đoạt chính trị bên trong hậu cung và ở tại các khu vực chiến trận. Khi ấy, ta sẽ có phim bộ của mình mà khỏi cần xem phim bộ của Đại Hàn! Biết đâu là nhờ xem phim bộ nội hoá ấy mà dân ta sẽ thuộc sử nước nhà hơn chăng!
ĐQAThái: Ông có lối đặt vấn đề rất lạ. Xin hỏi ông một câu là nếu ông được yêu cầu soạn cho kịch bản của một cuốn phim bộ loại “nội hoá” này thì ông chọn chuyện gì?
Nguyễn Xuân Nghĩa: – Tôi nghĩ đến bà mẹ Đinh Bộ Lĩnh! Đời sau kể là “Có ông Bộ Lĩnh họ Đinh, Con quan Thứ sử ở thành Hoan châu…” và sử viết rằng vì quan Thứ sử Đinh Công Trứ mất sớm, Bộ Lĩnh được mẹ đem về nuôi ở đất Hoa Lư, từ bé đã có tác phong lãnh tụ, cầm cờ lau tập trận giả, v.v…
– Nhưng nếu đọc xuyên qua những gì được kể lại thì có khi bà mẹ họ Đàm của Đinh Bộ Lĩnh có gốc tích ly kỳ lắm. Hoa Lư là đất hiểm trở, nơi chung đụng của nhiều sắc tộc cứ bị gọi là “Man”, “Lão” với lắm phong tục lạ. Vì sao có chuyện bà mẹ nằm mơ là mình giao hợp với một đấng trượng phu hay một con rái cá rồi đẻ ra Bộ Lĩnh, nhờ vậy mà Đinh Bộ Linh bơi rất khoẻ?
– Khi là goá phụ của một quan Thứ sử và sống trong cảnh nghèo nàn nơi bùn lầy nước đọng, vì sao bà mẹ vẫn đầu tư rất mạnh vào đứa con trai có vẻ ngỗ nghịch ấy? Khi sử viết là bà cụ mổ lợn ở nhà cho lũ trẻ mục đồng ăn khao chiến thắng của đứa con, ta phải đoán ra là bà cụ xây dựng thế lực cho thằng con ở giữa các phe phái, các làng, các “sách” ở chung quanh. Sử viết là bà cụ này họ Đàm, nhưng ta nên lưu ý là đất Ninh Bình có một địa phương tên là Đàm Gia Nương hay Đàm Gia Nương Loan hay Đàm Gia Loan, là nơi Bộ Lĩnh tranh chấp với ông chú và tuột cầu rớt xuống sông rồi có hai con rồng hiện ra để hộ vệ khiến ông chú sợ quá phải bỏ chạy. Phải chăng là bà cụ họ Đàm này xuất phát từ đất Đàm đó và là người thực tế uốn nắn Đinh Bộ Lĩnh trở thành Vạn thắng vương sau này?
– Sử viết rằng ban đầu Đinh Bộ Lĩnh dự tính đóng đô ở thôn Đàm rồi sau thấy là thế đất chật hẹp nên dời sang động Hoa Lư lập thành Kinh đô của nước Đại Cồ Việt. Nghĩa là thôn Đàm đó là cơ sở của gia đình trong lúc đầu. Ta thấy nào truyện rái cá, nào sông nước, núi động, nào việc khao thưởng mục đồng để xây dựng tư thế lãnh đạo cho Đinh Bộ Lĩnh, v.v… Những ẩn dụ ấy có nghĩa là gì? Bà cụ họ Đàm này thật ra có lẽ còn trẻ và nắm vững tình hình sông nước và chính trị trong vùng, vậy mà chỉ còn được ta nhớ tới ở dấu phẩy sau vài hàng cước chú!
– Đúng sai thế nào ai biết được, nhưng khi dựng lại thành truyện với tình tiết thì sẽ có chân dung Đinh Tiên Hoàng và bà mẹ rất đảm đang và đầy viễn kiến ở đằng sau. Nhờ vậy mà trẻ em và chính người lớn chúng ta sẽ đọc lại sử theo kiểu khác và hiểu ra sự quan trọng của bà mẹ. Đây là ta chưa nói tới nhiều khuôn mặt phụ nữ khác còn nổi tiếng hơn nhiều.
ĐQAThái: Vâng, thí dụ như bà Thái hậu Dương Vân Nga, hay Huyền Trân Công chúa, An Tư Công chúa mà ông có nhắc tới kỳ trước…
Nguyễn Xuân Nghĩa: – Phân nửa nhân loại là đàn bà! Nhưng các sử gia đời xưa vừa e sợ vừa thèm muốn nên cứ dèm mất ảnh hưởng của họ. Bà Thái hậu họ Dương này được dân ta thờ với bức tượng ở giữa, hai bên là hai ông Hoàng đế họ Đinh và họ Lê, nhưng lịch sử vẫn chửi bà ta là thất tiết, đem ngai từ họ Đinh qua họ Lê. Không có người đẹp ấy làm sao Thập đạo Tướng quân Lê Hoàn kịp lên làm vua và đánh tan quân Tống của tướng Hầu Nhân Bảo? Thành thử, người dân ở dưới nhìn sự việc có khác với các quan ở trên. Ở trên nghĩ sao về việc này thì xin đọc lại lời bình rất nặng nề của các vị hủ nho khi họ ngồi viết sử theo “Thánh giáo” của họ.
ĐQAThái: Nếu hiểu không lầm thì tinh thần gọi là đạo đức thời phong kiến đã vừa phủ nhận vai trò rất quan trọng của chuyện âm dương trai gái vừa đánh giá sai vai trò của phụ nữ và vì vậy mà cũng khiến chúng ta đời sau hiểu sai nhiều động lực của lịch sử?
Nguyễn Xuân Nghĩa: – Tôi nghĩ rằng anh Thái tóm lược như vậy là rất đúng.
– Thứ nhất là quan niệm suy tôn “thánh giáo”, tôn giáo của thánh hiền, khiến người ta khoả lấp để phủ nhận một động lực quan trọng của đời sống. Đời sống thời xưa như thế nào thì mình phải ghi lại như vậy, sau đó thì có bình nghị gì thì vẫn còn nguyên bản để đời sau suy xét. Phản ứng đó dẫn tới tinh thần đạo đức giả, chứ thâm tâm các cụ thì cứ thấy bóng hồng thì vẫn mắt la mày lét nhưng lại bắt người khác bịt mắt lại. Chuyện ấy nay vẫn còn với thành tích đa thê lắm vợ của ông Hồ Chí Minh, hay cả ông Lê Duẩn, mà ai đụng vào thì có tội âm mưu lật đổ! Đâu phải thời phong kiến xa xưa mới có cảnh thủ tiêu người tình – là một thành tích của ông Hồ – vì lý do thánh giáo chính trị và đạo đức cách mạng đâu?
– Thứ hai là người ta đánh giá sai nỗi vinh nhục của phụ nữ trong thời độc lập, khi mà họ có ảnh hưởng và công lao lớn hơn những gì các sử gia ghi lại. Chúng ta kính trọng sự hy sinh của Trần Bình Trọng mà chả có một giọt lệ cho An Tư Công chúa vào cùng giai đoạn khi bà bị gả cho tướng giặc để quân ta mua thời giờ củng cố thế lực thì quả là bất công.
– Cũng vì vậy mà mình không nhìn ra thế lực của chuyện lobby, vận động chính trị bằng sắc đẹp trong hậu cung, đó là khía cạnh thứ ba. Mình có thể gọi đó là hiệu ứng hay hậu quả của tình yêu hay dục tính trong nhiều biến động lịch sử. Người ta thường nói – theo kiểu Mỹ – rằng quyền lực chính trị là cái gì đó rất sexy, rất khêu gợi. Nhưng, ít khi mình dám nhìn ngược là tình dục cũng dẫn tới nhiều biến động chính trị. Vì vậy mà triết gia Pháp là ông Blaise Pascal mới nói rằng nếu cái mũi của nàng Cléopatre mà khác đi một chút, tức là nếu Hoàng hậu Ai Cập này xấu hơn một chút thì có lẽ lịch sử nhân loại đã khác!
– Sau cùng, để kết thúc chương trình giải ảo kỳ này, tôi nghĩ rằng mình phải nói đến một vấn đề nhạy cảm khác. Đó là tinh thần yêu nước rất hình thức của nhiều người khi thấy ta mổ xẻ một số sự thật trong lịch sử. Mình cứ hay tráng lên trên theo kiểu sử gia nho thần một lớp sơn đạo đức mà không dám đề cập tới nhiều chuyện nhạy cảm. Khi nói rằng bà Âu Cơ có khi là không có thật, hoặc là tỳ thiếp của một ông Đế Lai vớ vẩn nào đó của phương Bắc, thì mình có thể mắc tội xúc phạm bậc “quốc mẫu”. Nhưng vấn đề là ai nâng nhân vật thần thoại này lên hàng quốc mẫu? Và nếu có nói ra điều ấy để mình hiểu rõ hơn bản sắc văn hoá thật, chứ không phải là nếp văn hoá Bắc thuộc thì cũng không phải là không yêu nước!

Đăng nhận xét: (Các bạn nhớ đề tên khi đăng nhận xét)