QUAN HỆ GIỮA NHÀ NƯỚC VÀ XÃ HỘI DÂN SỰ TRONG LUẬT KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ


Quan hệ giữa Nhà nước và xã hội dân sự trong Luật Khoa học và Công nghệ
(Tin ngày 11-08-2008)

QUAN HỆ GIỮA NHÀ NƯỚC VÀ XÃ HỘI DÂN SỰ TRONG LUẬT KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ

Trong một số bài báo trước, tác giả cho rằng: Hoạt động khoa học và công nghệ (KH&CN) trong khu vực sản xuất – kinh doanh chưa được Luật KH&CN quan tâm đầy đủ. Trong bài này, tác giả bàn về một khu vực cũng chưa được Luật quan tâm, đó là khu vực xã hội dân sự (XHDS). Theo tác giả, từ khi Luật KH&CN được công bố đến nay, xã hội ta đã trải qua nhiều biến đổi lớn lao, trong đó có một đặc điểm quan trọng là khu vực XHDS đang ngày càng phát triển. Vì thế, Luật cần được sửa đổi, bổ sung để sao cho có thể vươn “tầm tay” tới khu vực có những biến đổi lớn lao đó.

Vấn đề XHDS trong tiến trình cải cách kinh tế – xã hội

Đặc trưng cơ bản của công cuộc cải cách kinh tế – xã hội của đất nước ta là chuyển từ nền kinh tế do Nhà nước độc quyền điều hành và thực hiện (gọi là nền kinh tế chỉ huy) sang nền kinh tế bao gồm nhiều thành phần trong xã hội, trong đó, Nhà nước chỉ còn giữ chức năng điều tiết vĩ mô.

Khi Nhà nước là chủ thể duy nhất làm kinh tế, bên cạnh đó chỉ còn lại một thành phần “á” Nhà nước là thành phần kinh tế hợp tác xã (cũng hoạt động trong khuôn khổ chỉ huy trực tiếp của Nhà nước) thì không tồn tại XHDS (Civil Society). Nhiều người trong chúng ta đã chứng kiến công cuộc cải cách kinh tế – xã hội ở nước ta bắt đầu từ sự “phá rào” của dân chúng. “Phá rào” là thuật ngữ được sử dụng lần đầu tiên trong Nghị quyết Hội nghị Trung ương 6, khóa IV của Đảng Cộng sản Việt Nam, hàm nghĩa việc dân chúng trong cả hai khu vực kinh tế quốc doanh và hợp tác xã đã phá vỡ những khung khổ trói buộc của thiết chế chỉ huy tập trung quan liêu, tạo ra một “sân chơi” riêng theo kiểu của dân chúng, bên ngoài quỹ đạo của khu vực chính thống được điều hành bởi Nhà nước. Khu vực nằm ngoài sự điều hành trực tiếp của Nhà nước chính là mầm mống của XHDS. Theo tiến trình cải cách, Nhà nước từ chỗ cấm đoán khu vực XHDS đến chỗ thừa nhận, rồi hợp thức hóa, làm cho khu vực quốc doanh và khu vực hợp tác xã “á” Nhà nước trước đây bị thu hẹp lại, khu vực kinh tế của XHDS ngày càng được mở rộng. Khi đó, Nhà nước không còn đóng vai người chỉ huy phát ra những mệnh lệnh điều hành mọi hoạt động xã hội, mà thực sự trở thành một chủ thể quyền lực đưa ra những văn bản quy phạm pháp luật, chính sách vĩ mô để điều tiết các hoạt động xã hội.

Hệ thống KH&CN không nằm ngoài quỹ đạo chung của tiến trình cải cách, trong đó một đạo luật về KH&CN phải thực sự trở thành một đạo luật có giá trị điều chỉnh các hoạt động của toàn xã hội. Luật KH&CN đã được công bố gần mười năm trước đây, theo thiển nghĩ của chúng tôi, chủ yếu mang sắc thái của một “đạo luật quốc doanh”, chưa phải là một đạo luật cho toàn xã hội. Gần mười năm qua, cơ cấu xã hội Việt Nam đã trải qua những biến đổi hết sức lớn lao, trong đó khu vực XHDS đang ngày càng mở rộng, mặc dù còn nhiều yếu tố làm chúng ta chưa thực sự thỏa mãn (có đồng nghiệp nói, XHDS hiện nay còn mang dáng dấp những “đại lý” của các tổ chức nhà nước). Một trong những phương hướng điều chỉnh của Luật là cần phải vươn tầm tay tới những biến đổi lớn lao đó.

Trong bài viết này, chúng tôi muốn đề cập tới những vấn đề của một đạo luật về KH&CN khi khu vực XHDS ngày càng phát triển.

Những mốc triết lý về cải cách chính sách KH&CN ở nước ta

Trong quá trình cải cách kinh tế – xã hội, mà đặc trưng cơ bản là chuyển từ nền kinh tế chỉ huy tập trung quan liêu sang nền kinh tế thị trường, hệ thống KH&CN trong mười năm đầu cải cách, tính từ 1981 đến 1992, đã trải qua những bước tiến rất quan trọng về mặt triết lý, từ triết lý của hoạt động KH&CN “quốc doanh” chỉ huy tập trung quan liêu sang triết lý của loại hoạt động KH&CN trong bối cảnh xuất hiện khu vực XHDS:

Giai đoạn I, là giai đoạn cải cách với triết lý “phi tập trung hóa” hoạt động KH&CN, được đánh dấu bởi Quyết định 175/CP năm 1981 của Chính phủ về việc cho phép các cơ quan KH&CN được ký hợp đồng với nhau và với sản xuất. Đây là một mốc vô cùng quan trọng. Tuy bản chất của thể chế kinh tế vẫn là Nhà nước chỉ huy, nhưng nó đã mở đầu cho sự chấm dứt vĩnh viễn giai đoạn “chỉ huy tập trung quan liêu”, mà thừa nhận vai trò sáng tạo của cơ sở: Xí nghiệp có quyền sản xuất theo nhu cầu thị trường; có quyền tìm đến cơ quan R&D để ký hợp đồng áp dụng kết quả nghiên cứu vào sản xuất. Đó là điều trước kia bị cấm đoán và được đặt trong khung khổ của chế tài hình sự.

Giai đoạn II, là giai đoạn cải cách với triết lý “phi hàn lâm hóa” hoạt động KH&CN, được đánh dấu bởi Nghị quyết 51/HĐBT năm 1983, trong đó cho phép viện nghiên cứu được thực hiện các hoạt động sản xuất để thương phẩm hóa những kết quả nghiên cứu không có điều kiện (hoặc không bõ) chuyển giao vào sản xuất công nghiệp.

Giai đoạn III, là giai đoạn cải cách với triết lý “phi hành chính hóa” hoạt động KH&CN, được đánh dấu bởi Quyết định 134/HĐBT năm 1987 của Hội đồng Bộ trưởng, trong đó thừa nhận sự tồn tại hình thức “tập thể tự nguyện” của các nhà khoa học khi họ tham gia các hợp đồng, vượt ra ngoài khuôn khổ các tổ chức được thành lập theo quyết định của các cấp hành chính. Điều này hoàn toàn khác với những gì được quy định trong Quyết định 175/CP, chỉ cho phép các tổ chức R&D (của Nhà nước) được ký kết hợp đồng.

Quyết định 134/HĐBT còn là mốc đánh dấu sự khởi đầu cho triết lý “thị trường hóa kết quả nghiên cứu” (chứ không phải “thị trường hóa khoa học”, như một số người vẫn hiểu lầm), bằng cách cho phép thỏa thuận giá giữa các bên hợp đồng, hạn chế dần kiểu quyết toán đơn điệu, chỉ theo nguyên tắc “thực thanh, thực chi”.

Giai đoạn IV, là giai đoạn cải cách với triết lý “phi nhà nước hóa” hoạt động KH&CN, được đánh dấu bởi Nghị định 35/HĐBT năm 1992 của Hội đồng Bộ trưởng, trong đó khẳng định, mọi tổ chức xã hội và mọi công dân đều được quyền tiến hành các hoạt động KH&CN. Những điều khoản tiếp sau đó quy định rằng, mọi tổ chức KH&CN khi thành lập chỉ theo quyết định của chủ thể “sinh ra nó”, chỉ phải đăng ký tại một (01) cơ quan có thẩm quyền, ngoài ra không cần phải xin phép ai cả.

Cần nói rằng, đây là lần đầu tiên, một văn bản chính sách của Nhà nước tuyên bố thừa nhận mọi công dân có quyền, chứ không phải Nhà nước cho phép như thường được viết trong các văn bản trước đây. Về một phương diện nào đó, cũng có thể nói, đây là một tuyên ngôn dân chủ trong hoạt động KH&CN. Nó hoàn toàn phù hợp với các quy định về quyền tiến hành các hoạt động sáng tạo và quyền thành lập các tổ chức được viết trong Hiến pháp. Đây chính là trang sử mở đầu cho sự tuyên bố minh bạch của Nhà nước về quyền của XHDS trong hoạt động KH&CN, là một bước tiến rất dài trên con đường dân chủ hóa khoa học.

Công bằng mà nói, những gì diễn ra sau năm 1992, thực chất vẫn tiếp tục phát triển trên cơ sở những triết lý đã được nêu trên: (1) Phi tập trung hóa quản lý KH&CN, (2) Phi hàn lâm hóa hoạt động nghiên cứu, (3) Thị trường hóa kết quả R&D, (4) Phi hành chính hóa hoạt động KH&CN(5) Phi nhà nước hóa hoạt động KH&CN, trong đó có những bước tiến và có những bước chững lại, chưa xuất hiện một triết lý nào mang tính “phá khung”, đáp ứng nhu cầu phát triển KH&CN phù hợp những tư tưởng phát triển KH&CN của thế giới đương đại nói chung và xã hội đương đại Việt Nam nói riêng.

Gần 20 năm tính từ sau năm 1992 đến nay, nếu như các chuyên gia phân tích chính sách KH&CN được tập hợp để tổng kết công cuộc cải cách trên tầm triết lý, từ đó đề xuất phương án hoạch định những bước tiến liên tục về triết lý cải cách, thì sẽ đạt được những thành tích vượt trội hơn nữa. Đâu đó, một số cơ quan hữu quan đã đưa ra những sáng kiến, nhưng không tạo ra những mạch phát triển về triết lý. Một vài chính sách không đi vào được cuộc sống chắc chắn có phần trách nhiệm của cơ sở, nhưng một phần quan trọng là do chính bản thân chính sách có những vấn đề chưa thật sự phù hợp với yêu cầu của cuộc sống.

Xử lý mối quan hệ giữa Nhà nước và XHDS trong Luật KH&CN

Từ thực tế cải cách kinh tế – xã hội, chúng ta có thể chỉ ra hai xu hướng luôn đi sóng đôi với nhau:

Thứ nhất, XHDS ngày càng có vai trò quan trọng trong đời sống xã hội nói chung và trong hoạt động KH&CN nói riêng.

Từ quá trình phát triển KH&CN sau những mốc cải cách, chúng ta có thể ghi nhận như sau:

– Sau Quyết định 175/CP năm 1981, đã diễn ra sự bùng phát thứ nhất của việc ký kết hợp đồng giữa cơ quan R&D với sản xuất, bước đầu tháo gỡ cơ quan R&D khỏi sự trói buộc của cơ chế chỉ huy tập trung quan liêu.

– Sau Nghị quyết định 51/HĐBT năm 1983, đã diễn ra sự bùng phát thứ hai, là sự bùng phát hoạt động sản xuất của các viện dựa trên kết quả của hoạt động KH&CN vượt khỏi khung khổ các ràng buộc hàn lâm.

– Sau Quyết định 134/HĐBT năm 1987, đã diễn ra sự bùng phát thứ ba, là sự liên kết các tập thể KH&CN vượt khỏi khung khổ các ràng buộc hành chính, đồng thời là quá trình thị trường hóa kết quả nghiên cứu.

– Sau Nghị định 35/HĐBT năm 1992, đã diễn ra sự bùng phát thứ tư, là sự thành lập các tổ chức KH&CN trong khu vực XHDS.

Cần công bằng nhận xét rằng, bốn cuộc bùng phát trên đã là bốn mốc ngoạn mục của quá trình cải cách chính sách KH&CN trên đường tiến dần tới XHDS. Tuy nhiên, nếu phân tích sâu, chúng ta thấy các tổ chức KH&CN thuộc XHDS vẫn phải tìm sự “bảo trợ” của một yếu tố trong khuôn khổ quyền lực nhà nước.

Những nghiên cứu triết học về khoa học (Phisology of Science), cũng như xã hội học chính trị về khoa học (Political Sociology of Science) cho thấy, khoa học luôn có quan hệ gay cấn với tất cả các hình thái ý thức xã hội, như quan hệ với đạo đức, pháp luật, tôn giáo, và nhất là với ý thức hệ chính trị. Từ những bi kịch trong lịch sử khoa học có thể khẳng định, muốn khoa học phát triển, không gì có vai trò quan trọng hơn một đạo luật, trong đó Nhà nước cam kết đảm bảo cho khoa học được tự do tư tưởng trong khuôn khổ XHDS, được phát triển không bị trói buộc trong khuôn khổ các hình thái ý thức xã hội khác nhau. Trong quá trình nghiên cứu để điều chỉnh, bổ sung và hoàn thiện Luật KH&CN, đây là những nội dung mang tính nan đề, nhưng không thể né tránh. Vấn đề đặt ra là, phải xác lập một triết lý mới cho sự phát triển KH&CN nhằm mục tiêu chấn hưng đất nước.

Thứ hai, Nhà nước ngày càng có vai trò quan trọng trong việc điều chỉnh các quan hệ xã hội, đảm bảo cho KH&CN phát triển. Hiện nay, không một nhà nước nào không quan tâm tới hoạt động KH&CN. Lý do có nhiều, nhưng có một lý do hoàn toàn khách quan là hoạt động KH&CN ngày nay đã vượt ra ngoài bốn bức tường những labô tư nhân của các nhà bác học thiên tài, được xã hội hóa, trở thành một hoạt động xã hội, trở thành mối quan tâm của toàn xã hội. Từ đây, các nhà nghiên cứu được tập hợp thành một cộng đồng xã hội ngày càng rộng lớn, vượt khỏi khuôn khổ quốc gia, trở thành một cộng đồng quốc tế. Đây chính là lý do đòi hỏi các nhà nước phải thực hành những biện pháp điều tiết vĩ mô quan hệ trong nội bộ cộng đồng KH&CN và quan hệ giữa cộng đồng này với các cộng đồng khác trong xã hội và trên thế giới.

Vũ Cao Đàm- http://www.tchdkh.org.vn/ttchitiet.asp?code=7175

QUAN HỆ GIỮA NHÀ NƯỚC VÀ XÃ HỘI DÂN SỰ TRONG LUẬT KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ

Đăng nhận xét: (Các bạn nhớ đề tên khi đăng nhận xét)